19/05/2006 19:37 GMT+7

Con đường từ Nhà Trắng đến đồi Capitol

HUY ĐỨC
HUY ĐỨC

TTCT - Những tuyên bố trong mấy ngày qua ở thủ đô Washington về việc VN vào WTO đều có vẻ như thuận lợi. Nhưng con đường để đi từ Nhà Trắng qua đồi Capitol (trụ sở Quốc hội (QH) Mỹ) không hẳn là đã hết khó khăn.

“Hành trình đi đến bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt gần như đã hoàn thành”, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Ủy ban Tài chính thượng viện, thượng nghị sĩ Max Baucus mở đầu như thế trong một thông cáo báo chí gần như được đưa ra ngay tức thì sau thông cáo của đại diện thương mại Mỹ. Ông Baucus nói tiếp: “Sự thỏa thuận hôm nay về việc VN tham gia WTO đã mở đường cho bước đi cuối cùng: QH bỏ phiếu chấp thuận cho VN hưởng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Tôi có ý định đẩy nhanh vấn đề này ở thượng viện và hi vọng chúng ta có thể hoàn tất tiến trình này trước kỳ nghỉ hè vào tháng tám”.

Tiếng nói của ông Baucus rất có trọng lượng vì Ủy ban Tài chính nơi ông làm phó chủ tịch là cơ quan có trách nhiệm đệ trình vấn đề này ra thượng viện. Các thành viên của cơ quan đại diện thương mại Mỹ sau khi được tổng thống bổ nhiệm đều phải điều trần ở đây trước khi được phê chuẩn. Ủy ban Tài chính cũng là một trong những nơi mà cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã phải tham vấn trong quá trình đàm phán. Một nhân vật lớn thuộc Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ John McCain, cũng tuyên bố: “Tôi mong sớm được làm việc với những thượng nghị sĩ khác để thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho VN trong mùa hè này”.

Những người ủng hộ cho tiến trình bỏ phiếu ở QH cố gắng mô tả thỏa thuận đạt được hồi cuối tuần qua như là một thắng lợi của các doanh nghiệp Mỹ. Thông cáo của ông Baucus viết: “Thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc VN sẽ giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng, trong đó có cả thịt bò Montana. VN cũng sẽ mở đường cho các công ty Mỹ đi vào những thị trường đang phát triển sôi động như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và các loại dịch vụ khác”. Bản thân ông Rob Portman, đương kim trưởng đại diện thương mại Mỹ, cũng cho rằng: “Việc đạt được thỏa thuận sẽ mở ra một thị trường mới đang lên cho các loại nông sản, dịch vụ và các mặt hàng công nghiệp Mỹ”.

Trong khi đó, vấn đề hàng dệt may lại là một nhân tố có thể nảy sinh một số hoạt động không thuận lợi. Theo đại diện thương mại Mỹ, chính sách quota sẽ thôi áp dụng lên hàng dệt ngay khi VN gia nhập WTO cùng với một mức thuế thấp hơn hiện hành. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo việc thực hiện cam kết từ bỏ trợ cấp cho ngành dệt, VN cũng đã phải đồng ý một “cơ chế bắt buộc không tiền lệ”, đó là “trong năm đầu gia nhập WTO, nếu phía Mỹ tin rằng vẫn còn một số khoản trợ cấp bị cấm chưa bị bãi bỏ, phía Mỹ sẽ bàn bạc với VN.

Nếu việc bàn bạc không đi đến một giải pháp, vụ việc sẽ được chuyển cho một trọng tài được chỉ định bởi WTO. Trong vòng 120 ngày trọng tài sẽ quyết định. Và nếu quyết định của trọng tài nói rằng có sự vi phạm thì Mỹ sẽ có quyền tái áp dụng quota”. Sau một năm tham gia WTO, cơ chế “tái áp dụng quota” này đương nhiên hết hiệu lực. Thế nhưng, Hội đồng quốc gia các tổ chức ngành dệt may của Mỹ vẫn cho rằng thỏa thuận này là một “chiến thắng cho VN, một chiến thắng trả giá bằng số phận của những lao động Mỹ”.

Các “nhóm lợi ích” ngành dệt chắc chắn sẽ có những hoạt động hành lang ở đồi Capitol (trụ sở QH Mỹ). Tuy nhiên, sự nhân nhượng của VN khi chấp thuận “cơ chế bắt buộc” với hàng dệt cũng sẽ là cơ sở để những nghị sĩ khác lập luận cho sự ủng hộ của mình.

Lịch sử cũng sẽ là một yếu tố khác có thể có tác động lên tiến trình thảo luận và bỏ phiếu ở QH. Tờ Washington Post, một trong rất ít tờ báo ở Mỹ đưa đậm sự kiện này, đã giật tít ở trang 12: “Ký kết Việt - Mỹ, để cho kẻ thù cũ gia nhập WTO”. Chiến tranh VN đã tạo nên những nhóm cử tri ở Mỹ có ảnh hưởng không thuận lợi lắm lên một số nghị sĩ. Chiến tranh VN đồng thời cũng tạo ra cho VN rất nhiều bè bạn ở đồi Capitol.

Những nghị sĩ ủng hộ VN hết lòng nhất trong suốt hai thập niên qua lại thường là những cựu binh đã tham chiến ở VN: John Kerry, John McCain, Chuck Hagel... Chính thượng nghị sĩ John McCain, người từng là tù binh chiến tranh ở Hỏa Lò, đã phải cho rằng việc QH Mỹ thông qua qui chế bình thường vĩnh viễn cho VN “không những đem lại lợi ích cho cả hai nước về mặt kinh tế, mà còn là một minh chứng vững chắc cho cách mà chúng ta để lại sau lưng sự chia rẽ”.

Đàm phán song phương với Mỹ về việc VN gia nhập WTO đạt được thỏa thuận ở một thời điểm tương đối thuận lợi. Sau chuyến đi Mỹ của Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu là chuyến đi của chủ tịch Hạ viện Mỹ đến VN. Những tuyên bố mà ông chủ tịch hạ viện đưa ra sau chuyến đi là thuận lợi. VN có không ít nghị sĩ có thể giúp đưa vấn đề quan hệ thương mại bình thường ra trước QH. Tổng thống Bush dự kiến tháng mười một năm nay sẽ đến VN. Thượng nghị sĩ John McCain nói: “Tôi đang nhắm đến việc VN có thể gia nhập WTO trước chuyến đi của Tổng thống Bush tới Hà Nội”.

Nhưng thời gian lại không thuận lợi lắm cho VN. Chỉ còn hai tháng để QH Mỹ có thể xếp lịch đưa vấn đề này ra bàn. Ông Rob Portman nói Nhà Trắng sẽ “làm việc tích cực để VN có thể hoàn thành việc gia nhập WTO trong một tương lai gần nhất”. Nhưng chính trường Mỹ lại đang ở trong một thời kỳ sôi động, lúc nào cũng có thể xảy ra những sự kiện khiến cả Nhà Trắng và QH đều bận tâm. Do đó, VN muốn chắc chắn đặt chân vào WTO năm nay vẫn phải nỗ lực nhiều lên chứ không thể chỉ chờ vào những lời hứa được đưa ra ở Washington.

HUY ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên