04/09/2008 03:45 GMT+7

Con đường trở thành phi công

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Trong mắt của nhiều người, phi công luôn có nhiều ánh hào quang vì nghề thu nhập cao, được đi nhiều nơi trên thế giới... Nhưng ít ai biết đằng sau vầng hào quang của nghề bay là cả một chuỗi những tháng ngày căng thẳng, mệt mỏi, rèn luyện kỷ luật cao…

Phi công Việt Nam - sau ánh hào quang - Kỳ 2:

4HaEYfEL.jpgPhóng to
Luyện tập thể dục thể thao, công việc thường xuyên nhằm tăng cường sức khỏe phục vụ tốt việc lái máy bay của các phi công đoàn bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không VN - Ảnh: MINH ĐỨC
TT - Trong mắt của nhiều người, phi công luôn có nhiều ánh hào quang vì nghề thu nhập cao, được đi nhiều nơi trên thế giới... Nhưng ít ai biết đằng sau vầng hào quang của nghề bay là cả một chuỗi những tháng ngày căng thẳng, mệt mỏi, rèn luyện kỷ luật cao…

Kỳ 1: Những tay lái trẻ

Tuyển dụng khắt khe

Để trở thành phi công trước tiên phải có sức khỏe tốt, sức chịu đựng hơn người, lý lịch tốt và quan trọng là phải vượt qua các kỳ thi kiểm tra kiến thức, kiểm tra sức khỏe định kỳ diễn ra suốt cuộc đời làm phi công. Cơ trưởng Boeing B777 Nguyễn Thế Phong cho biết: chuyện tập thể dục ở phi công là liên tục để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể và cố gắng tránh va chạm để không làm “sứt mẻ” thân thể vì cứ sáu tháng họ phải vượt qua một kỳ kiểm tra sức khỏe: ai bị sẹo, thương tật và sức khỏe không đạt sẽ không được bay.

Phi công Phạm Hồ Bắc - trưởng nhóm VN 5+6 tại Trường đào tạo lái máy bay Adelaide - FTA (Úc), cho biết anh đã phải vượt qua năm vòng kiểm tra khắt khe về sức khỏe, lý thuyết toán lý và kiểm tra lý lịch trước khi trở thành học viên của Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines. Bắc kể ở vòng kiểm tra sức khỏe sau khi quay kiểm tra tiền đình, giảm khí áp…, nhiều người đã bị rách màng nhĩ, chảy máu tai đành ngậm ngùi rời xa ước mơ lái máy bay.

Hiện nay, trong số 420 phi công đang bay cho Vietnam Airlines có 119 người nước ngoài, trong khi toàn bộ đội phi công 45 người của Pacific Airlines chỉ có một người VN.

Sau vài tháng học tập lý thuyết và rèn luyện thêm kiến thức tiếng Anh, Bắc và các học viên được chuyển sang các trường đào tạo lái máy bay ở Úc. Tại đây các học viên tiếp tục học lý thuyết điều khiển máy bay và thực tập bay trong thời gian 18-22 tháng liên tục. Cứ học xong lý thuyết là thi kiểm tra ngay lý thuyết rồi kiểm tra bay thực tế. Có khoảng sáu giai đoạn thi và kiểm tra liên tục trong suốt khóa học và không phải ai cũng có thể vượt qua.

Bắc kể khóa của anh có 20 học viên đi từ VN, sau hơn một năm rưỡi chỉ còn 12 người trở về để tiếp nhận công việc mới. “Bài thi luôn có rất nhiều bẫy mà ngay cả người bản xứ còn không nhận ra, một số học viên người VN không đủ trình độ tiếng Anh. Rồi các tình huống xử lý khi bay thực tập cũng đánh rớt khá nhiều người không xử lý đủ nhanh và chính xác khi điều khiển máy bay”, Bắc kể. Cơ trưởng Phong cũng cho biết đoàn đi Úc năm 1998 của anh chỉ đạt 13/17 người (hai do tiếng Anh không đạt, hai khả năng bay không có).

Chi phí trung bình mà Vietnam Airlines đầu tư để đào tạo một người lái máy bay không dưới 100.000 USD. Sau khi tốt nghiệp các học viên này chắc chắn được Vietnam Airlines tuyển dụng nhưng lương không cao cỡ 10.000 USD/tháng như phi công nước ngoài. Trưởng đoàn bay 919 Phan Xuân Đức kể đã có một học viên được đưa sang Pháp đào tạo phi công, anh này sau đó yêu một cô gái người bản xứ rồi xin ra khỏi nhóm học viên của VNA và cưới vợ.

Sau đó quay trở lại trung tâm đào tạo học tiếp hi vọng trở thành phi công tự do nhưng đến giờ vẫn chưa được hãng hàng không nào nhận làm phi công. Thực tế chẳng có hãng hàng không nào có thể giao một tài sản quá lớn (vài chục triệu USD), sinh mệnh của hàng trăm người và tên tuổi của hãng hàng không mình cho một người vừa học xong lớp đào tạo cơ bản và chưa có số lượng giờ bay an toàn nhất định.

Vào làm gian khổ

xv2CeCjH.jpgPhóng to

Phi công tổ bay A320, đoàn bay 919 (Tổng công ty Hàng không VN) nhận lệnh bay tại phòng giám sát bay - Ảnh: MINH ĐỨC

Trưởng đoàn bay 919 Phan Xuân Đức, cũng là cơ trưởng (lái chính của một tổ bay) B777, cho biết thu nhập của phi công VN không thể so sánh với đồng nghiệp nước ngoài, nhưng với mặt bằng chung họ đã có thu nhập ở mức “người làm công có thu nhập cao”. Một cơ trưởng như ông Đức thu nhập khoảng 2.000USD/tháng, trong khi một cơ trưởng người nước ngoài có thu nhập không dưới 10.000USD/tháng. Tương tự, lái phụ của VN thu nhập cũng kém hơn người nước ngoài khoảng 6, 7 lần như sự chênh lệch của lái chính.

Mặc dù khi so với mức lương trung bình của các đồng nghiệp nước ngoài thì còn thua xa nhưng đó cũng đã là một khoản thu nhập mà nhiều người VN mong muốn. Chưa kể VNA đang thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương để nâng thu nhập phi công (nói chung lái chính lẫn lái phụ) lên trung bình khoảng 4.000 USD/tháng trong năm tới, và đến năm 2010 sẽ bằng ít nhất 60% thu nhập của đồng nghiệp nước ngoài.

Cơ trưởng Nguyễn Thế Phong - năm nay 36 tuổi, vừa trở thành cơ trưởng Boeing 777, có vợ làm tiếp viên Vietnam Airlines - nói rằng với phi công phải chấp nhận một công việc không có nhiều thời gian cho gia đình, mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái phải hoàn toàn nhờ vợ và người thân. Với phi công mỗi chuyến bay đều là thử thách mới “trước mỗi lần bay trạng thái cơ thể, tâm lý, sức khỏe, thời tiết... đều không giống nhau. Chính vì vậy trước khi bay phải chuẩn bị thật kỹ các yếu tố tinh thần, sức khỏe..., ngay cả khi có trục trặc chuyện gia đình đều phải gạt qua một bên để có một chuyến bay an toàn”.

Nghề phi công bắt buộc cơ thể luôn phải thích nghi với múi thời gian, đặc biệt là các chuyến bay xa. Chẳng hạn bay đi Pháp, máy bay khởi hành từ tối ngày đầu tiên, Phong và nhóm phi công liên tục làm việc tập trung, căng thẳng suốt đêm trong khi khách ngủ. 7g30 sáng hạ cánh, lúc này ở VN đã quá giờ trưa (VN và Pháp lệch nhau 5-6 giờ tùy mùa), làm thủ tục bàn giao máy bay thì đến gần trưa (lúc này ở VN đã giữa buổi chiều) về đến khách sạn: ngủ. 16-17g giờ dậy tập thể dục, VN đã là giờ đêm, nghỉ ngơi, ăn tối rồi lại ngủ để sáng sớm hôm sau bay về VN. Có hôm vừa bay từ Pháp về xong lại đi Úc, Úc quá VN 3-4 giờ, nên đồng hồ sinh học lúc này lệch nhau khoảng 10 giờ.

Tuy bay xa có hai tổ lái, một tổ lái một tổ nghỉ nhưng tinh thần phải luôn tập trung và sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

“Có thể bạn sẽ nói rằng nghề phi công của chúng tôi là đi đây đó nhiều nơi, nhưng thực tế có đi nước ngoài chăng nữa chúng tôi chỉ nhìn thấy sân bay và phòng ngủ ở khách sạn. Chúng tôi không đủ thời gian để có thể dạo phố và thưởng thức khoảnh khắc nghỉ ngơi” - Veronica Foy (người Anh, lái cho Vietnam Airlines, kể.

Hỏi cơ trưởng Phong ngại nhất điều gì, anh cười bảo thời tiết, nhưng sợ nhất là mấy vị khách... khùng khùng dọa mang bom lên máy bay. Rồi anh bảo thêm: có lẽ có một điểm khác ở phi công VN và nước ngoài là phi công VN làm việc còn vì tên tuổi, uy tín của Hãng Hàng không quốc gia VN chứ không hẳn chỉ vì đồng lương mình nhận được.

----------

Bước vào nghề với đam mê, nhưng họ phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn: nếu có con sẽ không thể bay tiếp và muốn bay tiếp phải ngưng có con.

Kỳ tới:Nữ phi công

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên