Đường sách ở Bosu-dong, Jung-gu, Busan, Hàn Quốc - Ảnh: Flickr |
Tại sao ngành văn hóa lại không đề xuất có một con đường cho sách - một con đường nhỏ với những quầy sách lộ thiên đầy ắp những quyển sách mới và cũ của tất cả các NXB trong cả nước |
Từ sáng đến chiều nơi đây đều dập dìu bóng dáng nam phụ lão ấu. Bây giờ thử nói Hà Nội không có bờ hồ xem như là ăn canh chua không nước mắm.
Tuy vậy, có những lần bạn không đến bờ hồ nhưng vẫn phải đến nơi thứ hai: phố Ðinh Lễ.
Ðây chỉ là một con phố nhỏ, trước kia và bây giờ là con phố của những người đổi ngoại tệ lề đường. Tuy vậy, người Hà Nội cũng như dân mê sách đều biết đây là con phố sách nổi tiếng.
Tìm sách mới, được giảm giá 20-30% giá bìa - hãy đến Ðinh Lễ. Tìm sách cũ, hạ giá - hãy đến Ðinh Lễ. Ði dạo chơi cùng gia đình - hãy đến Ðinh Lễ.
Ðinh Lễ là nơi hội tụ sách trong luồng, sách ngoài luồng, sách chính chủ của các nhà xuất bản (NXB) và không chính chủ của các đầu nậu.
Ở Hà Nội - bây giờ gọi bác xe ôm “đi Ðinh Lễ”. “Hả, phố sách hả bác (anh giai)?”. Hoặc ngược lại, “chở tôi đến phố sách”, thì bác xe ôm sẽ bảo: “Bác (anh giai) yên tâm, em sẽ đèo bác đến Ðinh Lễ”.
Chỉ một con phố nhỏ, đi chưa đầy hai trăm mét, lại là con đường thể hiện được chất truyền thống của sĩ phu Bắc Hà.
Từ phố Ðinh Lễ, quẹo phải xuống Nguyễn Xí có gần 20 nhà sách với những quầy sách bày trên lề đường tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái khi lựa chọn.
Từ Nguyễn Xí đứng nhìn sang phía đối diện là hiệu sách trung tâm to đùng, máy lạnh đầy khí thế nhưng lại không tấp nập người bằng những quầy sách con con.
Còn Sài Gòn? Trước năm 1975, dọc con phố Lê Lợi từ góc đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đến Pasteur, bên hông Bộ Công chánh (cũ) là con đường bán sách báo, cũ mới, Tây ta lẫn lộn. Phía bên kia con đường này là nhà sách Vĩnh Bảo, rồi tiếp đến là nhà sách Khai Trí.
Sau năm1975, Ðặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.
Chỉ là một con đường nhỏ dài chừng 200m, nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ.
Hằng ngày con đường này tấp nập người mua và bán sách. Không thiếu gương mặt những nhà văn, nhà giáo và kể cả giới nhà nghèo từ hai loại nhà này cộng lại.
Trong một tác phẩm của nhà văn quá cố Nguyễn Xuân Hoàng thì chính tại chợ sách Ðặng Thị Nhu, ông đã gặp nhà thơ Lưu Quang Vũ rồi hai người trở thành bạn bè thân thiết.
Sau một thời gian, theo nhịp độ phát triển kinh tế, khu chợ sách lộ thiên này biến mất. Khu vực trung tâm Sài Gòn bây giờ chỉ còn lại hai nhà sách Fahasa (một ở đường Lê Lợi, phát triển từ nhà sách Khai Trí và một ở đường Nguyễn Huệ).
Nhà sách Xuân Thu biến mất nhường phần đất đắc địa cho trung tâm thương mại Vincom.
Thi thoảng, các nhà sách, các công ty phát hành sách cũng tổ chức những ngày hội sách hoành tráng, tập trung “những ông lớn” của thế giới sách như những ngày hội sách tại công viên Lê Văn Tám, con đường sách trong những ngày lễ tết âm lịch bên cạnh đường hoa Nguyễn Huệ.
Ðôi khi những NXB cũng mở những ngày hội sách của riêng mình tại NXB hay nhà triển lãm Lê Thánh Tôn. Những ngày hội sách hoành tráng hay riêng lẻ đều đông nghẹt người mê sách.
Người Sài Gòn vẫn mê sách giấy trong thời đại của sách điện tử, Internet. Ngoài những tiệm sách lớn, họ vẫn có nhu cầu tìm những quyển sách cũ, giá rẻ in từ nhiều năm trước đó. Họ tìm ở đâu ngoài những ngày hội sách?
Khi không có hội sách, họ chỉ có thể lang thang ở khu vực Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu... Tại sao ở thành phố văn hóa lại không có một con đường sách dành riêng cho các NXB bán sách cũ tồn đọng với giá cực rẻ và giới thiệu sách mới ra lò.
Tại sao TP.HCM lại không có một con đường bán sách như phố Ðinh Lễ tại Hà Nội? Tất nhiên con đường sách tại TP.HCM phải khác phố sách Ðinh Lễ vì không bán sách lậu.
Ðược biết, trong thời gian tới, khu Nguyễn Huệ trở thành khu phố đi bộ dành cho du khách trong và ngoài nước, tại sao ngành văn hóa lại không đề xuất có một con đường cho sách - một con đường nhỏ với những quầy sách lộ thiên đầy ắp quyển sách mới và cũ của tất cả NXB trong cả nước.
Một nơi cho người đọc đến để mua, để ngắm và để giao lưu với các tác giả. Tại sao Hiệp hội Xuất bản VN - chi nhánh TP.HCM không kiến nghị UBND TP.HCM dành một con đường nhỏ nào đó ở trung tâm thành phố thành một con đường sách do chính hội xây dựng và điều hành.
Tôi được biết những thành phố lớn trên thế giới đều có những con đường sách tập trung ở khu thị tứ như công viên, đường phố với những quyển sách cũ, mới đủ loại giá được bày trong kiôt hay đặt trên những cái bàn nhỏ dọc lề đường.
Mong rằng trong tương lai, nếu ra Hà Nội, muốn đến phố sách ta nói “Ðến phố Ðinh Lễ”; thì khách trong và ngoài nước đến TP.HCM cũng có thể nói với các bác tài taxi: “Ðến X.” - X. chính là phố sách của TP.HCM!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận