23/10/2017 12:15 GMT+7

Con đường mới cho sinh viên thể thao

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - VĐV sẽ theo học ngành gì để chuẩn bị cho tương lai sau ngày giải nghệ? Ở VN, đó là một câu hỏi không có nhiều lựa chọn để trả lời.

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng tập luyện môn cờ vua vận động Ảnh: H.Đ.
Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng tập luyện môn cờ vua vận động Ảnh: H.Đ.

Trở thành HLV của địa phương, CLB hoặc làm giảng viên thể chất sau khi tốt nghiệp một trong hai trường ĐH Thể dục thể thao, ĐH Sư phạm thể dục thể thao được xem là hai con đường “chính quy” nhất với dân thể thao.

Khi HLV biết tiếp thị bản thân

Nhưng không phải mọi công việc HLV đều thuộc vào guồng máy này, điển hình như anh Vũ Ngọc Chiến, HLV bơi lội tự do ở quận 7, TP.HCM. Suốt một năm qua, anh Chiến nổi tiếng với một công việc khá đặc biệt: huấn luyện bơi lội cho người dự thi Ironman.

Là một cuộc thi 3 môn phối hợp, Ironman ngày càng phổ biến khắp thế giới. Còn tại VN, mỗi năm sân chơi này thu hút cả ngàn người tham dự. Thách thức chủ yếu của Ironman là thể lực, khi người chơi phải bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy bộ 21,1km (đối với phiên bản Ironman 70.3). Trong 3 môn, bơi lội đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất khi diễn ra trên biển và có yếu tố nguy hiểm.

Đã có nhu cầu, lớp dạy bơi chuyên biệt dành cho người dự thi Ironman cũng ra đời với cái giá không hề rẻ chút nào. Mức học phí trung bình lớp học bơi với anh Chiến là 3 triệu đồng/10 buổi, chưa kể người tập còn phải tự bỏ tiền mua vé (100.000 đồng/buổi). Dù vậy, lớp học bơi của anh Chiến vẫn tấp nập học viên, mỗi ngày anh dạy 3 ca, mỗi ca từ 5-7 học viên và lịch dạy kín suốt tuần. Đáng ngạc nhiên, anh Chiến không hề là một HLV giàu kinh nghiệm lẫn tên tuổi trước đó. Chàng kình ngư bán chuyên quê Kiên Giang này năm nay mới 26 tuổi và vừa tốt nghiệp khoa khoa học thể thao, lĩnh vực kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện ĐH Tôn Đức Thắng hồi năm ngoái.

Làm thế nào để anh Chiến thu hút học viên? HLV bơi trẻ tuổi này đáp: “Có đến cả ngàn HLV dạy bơi ở Sài Gòn. Trong đó có nhiều HLV giàu kinh nghiệm, tên tuổi. Để thu hút được học viên, tôi phải tạo ra được sự khác biệt mà đầu tiên là tiếp thị bản thân. Mấy năm trời học chuyên ngành kinh doanh thể thao ở trường cho tôi những kinh nghiệm trong việc quảng bá bản thân thông qua trang Facebook cá nhân. Tôi xem công việc dạy bơi cũng chỉ như một loại dịch vụ, và khách hàng từ đó cứ đổ về liên tục”.

Phần đông khách hàng của anh Chiến là nhân viên văn phòng trẻ và nhiệt huyết. Nhiệm vụ chính của anh Chiến là thôi thúc, tạo ra động lực tập luyện bền bỉ cho những người này. Vì vậy, lớp học bơi của anh Chiến hoàn toàn không giống với một lớp dạy bơi bình thường, khi anh phải trò chuyện sâu, lên một kế hoạch rèn luyện thể lực, dinh dưỡng kỹ lưỡng cho các học viên của mình.

Tuy chỉ là một lớp dạy bơi cá nhân nhưng anh Chiến lại tổ chức được như một cộng đồng có cùng chung đam mê. Hằng tháng anh lại tổ chức cho các học viên tập luyện thực tế ở Vũng Tàu, hồ Trị An... Cách quảng bá lớp học qua việc quay phim, xây dựng hình ảnh của anh Chiến cũng rất chuyên nghiệp - tương tự như tổ chức một sự kiện thể thao.

“Các học viên của tôi phần đông là nhân viên văn phòng, đang trong quá trình khởi nghiệp nên rất muốn thử thách bản thân. Để làm việc với họ cần có một sự hiểu biết nhất định, hiểu rõ công việc của họ mới có thể đưa ra lời khuyên thích hợp được” - anh Chiến nói.

Mô hình thể thao giải trí của Mỹ

HLV Vũ Ngọc Chiến (giữa) cùng các học viên trong lớp huấn luyện bơi dự thi Ironman Ảnh: H.Đ.
HLV Vũ Ngọc Chiến (giữa) cùng các học viên trong lớp huấn luyện bơi dự thi Ironman Ảnh: H.Đ.

Thành công của anh Chiến trong việc mở lớp “dạy bơi Ironman” là một ví dụ cho thấy độ quan trọng của sự nhanh nhạy, “bắt mạch” nhu cầu thị trường, kết hợp giữa năng lực thể thao và khả năng tổ chức sự kiện. Trong môi trường ĐH ở VN, khoa khoa học thể thao của ĐH Tôn Đức Thắng có thể xem là nơi tiên phong trong việc đào tạo những kỹ năng này cho sinh viên.

Ra đời từ năm 2012 dưới cái tên Trung tâm TDTT và quốc phòng (đổi tên mới từ 27-3-2017), khoa khoa học thể thao của ĐH Tôn Đức Thắng khóa đầu tiên chỉ có vỏn vẹn 16 sinh viên. Nhưng đến nay số lượng sinh viên nhập học khóa 2017 đã là 110. Và hiện có không ít VĐV tên tuổi như Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim đang là sinh viên của khoa.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, trưởng khoa khoa học thể thao, cho biết: “Về việc đào tạo HLV và giáo viên thể chất, ở TP.HCM đã có các ĐH Thể dục thể thao, Sư phạm thể dục thể thao và khoa thể chất của ĐH Sư phạm nên chúng tôi xác định đào tạo cho sinh viên lĩnh vực kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện. Đây là xu hướng công việc xuất phát từ mô hình thể thao giải trí của Mỹ”.

Nổi danh là trường ĐH có cơ sở vật chất dành cho thể thao hàng đầu VN, các hoạt động, sự kiện thể thao ở ĐH Tôn Đức Thắng cũng rất quy mô, nổi bật, và đó chính là một cơ hội thực tập lớn dành cho sinh viên theo học ngành thể thao của trường. Thầy Nguyễn Văn Bắc cho biết từ nhiều năm qua, các sự kiện thể thao của trường đều do sinh viên khoa khoa học thể thao đứng ra tổ chức.

Những môn thể thao mới lạ

Có nhiều sân bãi, ĐH Tôn Đức Thắng cũng tạo điều kiện cho sinh viên trong việc tiếp xúc với những môn thể thao mới lạ, điển hình như hockey và cờ vua vận động. Anh Huỳnh Đại Phúc, HLV của tuyển hockey VN (vừa tham dự SEA Games 2017 ở Malaysia), hiện cũng là giảng viên môn thể thao này ở trường. Anh Phúc cho biết từ ngày quảng bá đến ĐH Tôn Đức Thắng, số lượng người chơi hockey ở VN cũng tăng vọt.

Trong khi đó, cờ vua vận động là một môn thể thao sáng tạo kết hợp giữa tư duy và vận động. Người chơi sẽ đánh cờ như bình thường, nhưng là trên một bàn cờ rộng từ 4-7m, mỗi con cờ đều to và nặng. Người đánh cờ phải di chuyển các quân cờ khá vất vả, vì vậy được gọi là cờ vua vận động. Chưa kể môn này còn có hình thức thi đấu đồng đội khá thú vị, với 5 người lập thành 1 đội.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên