27/07/2015 09:35 GMT+7

Con đường của các nước ASEAN là đi cùng nhau

VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG thực hiện
VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG thực hiện

TT - Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan - người từng giữ vị trí trưởng SOM (trưởng đoàn quan chức cấp cao) đầu tiên của Việt Nam trong ASEAN - trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN.

Ảnh: V.V.T.
Ảnh: V.V.T.

Tôi không tưởng tượng được nếu mình không vào ASEAN thì bây giờ mình như thế nào nữa

Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN

* Việc Việt Nam gia nhập ASEAN có vẻ như một điều tất yếu, nhưng liệu có phải là sự kiện lịch sử đơn giản không, thưa ông?

- Những năm cuối thập kỷ 1980, đất nước ta trong tình trạng rất khó khăn trên nhiều phương diện. Bên ngoài bị bao vây, cấm vận. Nhiều nước lấy vấn đề Campuchia để cô lập nước ta. Làm thế nào thoát khỏi? Hướng gỡ của chúng ta là “mở cửa” từ các nước láng giềng trước, Trung Quốc và ASEAN.

Ý tưởng như vậy, nhưng để thực hiện cần phải vượt qua rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên là định kiến. Lúc bấy giờ, nhiều nước ASEAN nhìn Việt Nam như một “con ngáo ộp”, là mối đe dọa đến ổn định của người ta... Những vấn đề trong chiến tranh và sau đó khiến hai bên nghi kỵ nhau.

Trước hết là tự mình khắc phục. Chúng ta hiểu rằng họ cũng xuất phát từ bối cảnh quan hệ quốc tế nên mới có sự nghi kỵ, nhưng trong thâm tâm của người dân và lãnh đạo các nước ASEAN đều mong muốn có hòa bình, ổn định và phát triển. Không ai muốn chiến tranh. Hơn nữa, để phát triển thì họ cần thị trường, mà ta lại là một thị trường lớn.

Về phía chúng ta cũng không có nhu cầu nào khác ngoài hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế. Đây là chỗ hai bên có thể gặp nhau. Tuy nhiên, phải mất 5 - 7 năm để hai bên trao đi đổi lại qua tín hiệu nọ, tín hiệu kia. Bắt đầu là ASEAN mời chúng ta tham gia với tư cách quan sát viên từ năm 1991, nghĩa là chỉ đến dự hội nghị bộ trưởng, không tham gia sinh hoạt chính thức.

* Việc mở đường quan hệ song phương với từng nước ASEAN chắc cũng không dễ dàng vì có những nước từng liên quan đến chiến tranh Việt Nam với tư cách là đồng minh của Mỹ?

- Tôi nhớ lúc bấy giờ ta quyết định cử một đoàn cấp cao do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đi thăm các nước. Chúng tôi tính đi các nước Đông Nam Á trước vì họ là láng giềng gần gũi. Đầu tiên là Thái Lan vì nước này rất gần Việt Nam.

Từ Thái Lan, chúng tôi đi sang Indonesia - một nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với ta. Sau đó đi Malaysia.

Khi đoàn cấp cao Việt Nam triển khai các chuyến đi đó, Singapore đánh tín hiệu muốn đón đoàn mình dù lúc đó quan hệ Việt Nam với Singapore khá lạnh nhạt. Trong một chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết quá cảnh Singapore, quan chức Singapore cử người ra gặp để trao đổi.

Thông tin chuyển về Việt Nam và Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ngay qua điện thoại: “Anh cứ trả lời là chúng ta đồng ý đi thăm Singapore”.

Sau đó tôi đi chuyến tiền trạm để chuẩn bị cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Singapore, Philippines và Brunei. Như thế là chúng ta đi được một vòng đầu tiên trong mối quan hệ song phương với các nước ASEAN. Ngày 28-7-1995, lễ kết nạp chính thức Việt Nam vào ASEAN diễn ra tại Brunei.

* Có ý kiến cho rằng khi Mỹ biết được chúng ta chắc chắn sẽ gia nhập ASEAN thì mới đẩy mạnh việc chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Theo ông, có đúng không?

- Đó chỉ là một trong nhiều yếu tố khác nhau. Nếu mình không đổi mới thì chưa chắc. Và điều quan trọng là trong một bối cảnh quan hệ quốc tế mới những năm đầu thập niên 1990, lợi ích của khu vực Đông Nam Á đòi hỏi các nước gắn kết lại với nhau. Đó là yếu tố mà cả thế giới chứ không riêng gì Mỹ phải tính đến, nó như một chất xúc tác thúc đẩy Mỹ tính toán bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

* Theo ông, đâu là những lợi ích chủ yếu của Việt Nam trong 20 năm gia nhập ASEAN?

- Điều quan trọng nhất là chúng ta không còn đơn độc. Chúng ta đổi mới và hội nhập. Một trong những bước chân đầu tiên trong hội nhập chính là gia nhập ASEAN đã giúp chúng ta có thêm bạn, thêm đối tác, thêm cánh cửa đi ra thế giới.

Chúng ta là thành viên của một tổ chức có uy tín trên thế giới. Đến họp ASEAN, ta không chỉ ngồi với các bạn láng giềng mà còn ngồi với các ông lớn khác trên thế giới.

Theo thứ tự chữ cái thì Việt Nam luôn ngồi cạnh Mỹ, khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ thì đó cũng là một trong những cơ hội để chúng ta nói chuyện với Mỹ.

Trong ASEAN và qua ASEAN, chúng ta có vị thế bình đẳng của một thành viên, nhận được sự ủng hộ chính trị của cộng đồng thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm. Ngoài ra còn các lợi ích thiết thực về kinh tế. Tôi không tưởng tượng được nếu mình không vào ASEAN thì bây giờ mình như thế nào nữa.

* Sau 20 năm, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước chậm phát triển nhất trong ASEAN, ông suy nghĩ gì về điều này?

- Đúng là kinh tế vẫn còn kém, cho dù tư cách thành viên thì chúng ta bình đẳng và được tôn trọng. Chuyện kinh tế kém hay không là do mình, không ai giúp xây hộ mình nền kinh tế. Cá nhân tôi luôn suy nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng thoát ra khỏi nhóm kém phát triển và gia nhập nhóm trên.

Vấn đề là làm sao có cơ chế giải phóng tốt nhất các nguồn lực của đất nước. Làm được như thế, trong những năm tới Việt Nam sẽ không lẹt đẹt thế này.

* Ông nghĩ gì về tương lai của ASEAN?

- Nhìn trên toàn thế giới, cùng với Liên minh châu Âu (EU) thì ASEAN là một trong những tổ chức khu vực có sự gắn kết tương đối và có uy tín. Ở châu Phi, Mỹ Latin hay ngay ở châu Á, không phải khu vực nào cũng có được một tổ chức như ASEAN.

Trong thực tế, ASEAN với hơn 600 triệu dân và quy mô GDP hằng năm khoảng 3.000 tỉ USD, đặc biệt với vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, đây là khu vực mà bất cứ nước nào trên thế giới, nhất là các nước lớn, đều đặt ưu tiên quan tâm hàng đầu.

Hiếm có tổ chức nào trên thế giới mà khi nhóm họp lại có mặt hầu hết lãnh đạo, ngoại trưởng của các nước lớn như ASEAN. Đây rõ ràng là nơi có thể hợp tác, nơi có thể dàn xếp các vấn đề liên quan không chỉ giữa các nước trong khu vực, mà mỗi nước với cường quốc ngoài khu vực và các cường quốc với nhau.

Dù như thế nào, tôi nghĩ rằng ASEAN sẽ không dừng lại ở việc xây dựng cộng đồng chung. Trong tương lai không quá xa, ASEAN sẽ tiến tới dạng thức mới chặt chẽ hơn, hình thù như thế nào thì không ai nói trước được, nhưng chắc chắn ở mức độ cao hơn cộng đồng chung. Bây giờ các nước ASEAN đã bàn hậu 2015 rồi.

Ở đây chỉ có bạn bè

“Khi vào họp ở Bangkok để chuẩn bị kết nạp Việt Nam gia nhập ASEAN, tôi rất ngỡ ngàng. Phải nói rằng trước đó các nước ASEAN quan hệ với ta là thù địch, nhưng lần đầu tiên tôi ngồi vào đấy, cảm nhận không như thế nữa rồi và bắt đầu là bạn bè. Cảm giác của tôi đến bây giờ nhớ lại vẫn nguyên như thế.

Lúc đầu, tôi xưng hô rất trang trọng: “Thưa các ngài” thì họ nói ngay: “Ở đây không có các ngài, chỉ có bạn bè thôi”. Cách xưng hô là gọi tên nhau thôi, kiểu mà ở nhà mình hay nói là “mày tao chi tớ”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì đã chuẩn bị một tư thế rất là trang trọng, khách sáo nhưng được cởi bỏ ngay.

Rồi sau đó họ đề nghị Việt Nam ký hiệp định tổng thể về thuế quan trong khu vực. Nói thật là mình gia nhập ASEAN lúc đầu chủ yếu về chính trị, chứ còn các vấn đề về kinh tế, thuế quan thì chưa nắm rõ nên không khỏi có những ngỡ ngàng ban đầu. Chúng ta đã đi từng bước như thế”.

VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên