Đường Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên đang được xem xét để làm Con đường âm nhạc - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Niềm vui về một địa chỉ văn hóa mới sẽ có trong tương lai trên bản đồ TP là điều khiến nhiều độc giả hồ hởi.
Người dân hào hứng
Độc giả Phạm Thiết Hùng gửi gắm: “Sau phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình, nay là con đường âm nhạc. Người dân TP chúng tôi không chỉ lao động đủ cơm ăn, bình an mà cần lắm những món ăn tinh thần như trên. Sau con đường âm nhạc sẽ là con đường di sản, con đường kiến trúc, con đường hội họa... rất lãng mạn nhưng cũng rất hiện thực trong tương lai gần. Mong lắm thay!”.
Nhiều độc giả còn cho rằng nên nhân rộng mô hình con đường âm nhạc ở các quận khác nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe ở quận trung tâm, đồng thời để người dân ở các vùng ngoại thành có điều kiện thưởng thức các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Tuy vậy, duy trì một Con đường âm nhạc đúng nghĩa, dưới góc độ của những người trong nghề, rất cần một kế hoạch dài hơi. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương - phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP - góp ý:
“Hai con đường này hiện nay có các hộ dân đang kinh doanh cà phê, quán ăn. Nên chăng mời họ tham gia, như triển lãm các loại nhạc cụ trong các quán cà phê, để người tham quan Con đường âm nhạc ngồi uống cà phê cũng có thể nhìn ngắm.
Đây cũng là cách tạo sự kết nối giữa đường nhạc với người dân sống trong khu vực. Đường nhạc không phải là nơi chỉ đến xem biểu diễn nhạc rồi về, mà là nơi người yêu nhạc có thể tìm hiểu, tham quan, trò chuyện, tìm đọc những gì liên quan đến âm nhạc.
Ví dụ: có thể sắp xếp các kiôt như “ngôi nhà” Trịnh Công Sơn, giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Duy..., trưng bày những sách báo, đĩa nhạc để mọi người tìm mua, đọc. Hằng tuần xen kẽ giữa các buổi trình diễn nhạc là triển lãm về nhạc cụ, những buổi trò chuyện với các nghệ nhân làm đàn, các nhạc sĩ, nghệ sĩ được yêu thích...”.
Coi chừng kẹt xe!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - chi hội trưởng chi hội 3, Hội âm nhạc TP - cũng chia sẻ: “Con đường âm nhạc rất cần sự tham gia của các nhà xuất bản âm nhạc và nhất là những nghệ sĩ, nhóm nhạc chuyên nghiệp bên cạnh các nhóm nhạc đường phố, nghiệp dư, như sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nhà nước, Nhà hát giao hưởng TP...”.
Trong sự hào hứng, nhạc sĩ bày tỏ: “Thử tưởng tượng dưới những tán cây xanh mát, người đi đường được thưởng thức bản giao hưởng quen thuộc, được nghe giới thiệu xuất xứ, tác giả, cũng rất thú vị chứ? Điều quan trọng nhất của một con đường mang tính văn hóa là sự dài hơi chứ không chỉ là hoạt động phong trào, nên cần làm ra những hoạt động hấp dẫn cả người trẻ lẫn người già”.
Theo ông Lê Hữu Luận - giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP, người có kinh nghiệm trong việc xây dựng những chương trình nghệ thuật đường phố, hướng đến cộng đồng, đề án Con đường âm nhạc là ý tưởng thú vị nhưng không phải không có điều cần cân nhắc.
Ông Luận giải thích: “Chúng ta đã có phố đi bộ Nguyễn Huệ, một trung tâm, quảng trường lớn thích hợp để tổ chức những chương trình âm nhạc đường phố, ngoài trời, dễ thu hút sự quan tâm của du khách, tại sao chúng ta không tận dụng để làm con đường âm nhạc và con đường danh nhân - tôn vinh những danh nhân nổi tiếng ngay tại đây? TP đang kêu gọi tránh kẹt xe, bản thân tôi thấy hiện nay ta đã có đường sách, đường đi bộ, nay lại chặn đường, chặn xe để làm thêm đường âm nhạc thì tình trạng kẹt xe càng thêm bức xúc ở khu vực trung tâm”.
Được biết trong tuần này, UBND Q.1 sẽ có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để bàn về kế hoạch cho Con đường âm nhạc.
Mong là những ý kiến dù khác nhau, đôi khi trái chiều nhưng tựu trung đều bày tỏ sự quan tâm đến món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống văn hóa, đó là âm nhạc, sẽ được những người làm kế hoạch đón nhận. Để con đường ấy trong tương lai nếu có hình thành sẽ có sức sống đúng nghĩa, không thiếu chiều sâu và thực sự hòa hợp với không gian cộng đồng.
Một quần thể văn hóa Tôi nghĩ đường Alexandre de Rhodes là một lựa chọn khả dĩ. Nếu Con đường âm nhạc nằm ở địa điểm này, công chúng có thể đến đây tham quan, nhân tiện ghé qua đường sách gần đó hay tham quan hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thảo cầm viên và các bảo tàng trong khuôn viên Thảo cầm viên. Vậy nên điều còn lại đáng quan tâm nhất là “chất lượng” của Con đường âm nhạc. Làm sao để nó thật sự là một con đường mang đúng tinh thần, hơi thở, tình yêu âm nhạc của người dân TP này, để ai cũng muốn tìm đến, tham gia, thích thú khi thấy mình là một phần của nó mới quan trọng. Ca sĩ Thanh Thúy (Q.N. ghi) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận