18/02/2013 06:18 GMT+7

Còn "đốt bỏ hoa Tết" nếu cứ mù mờ thông tin

TRẦN MẠNH - MAI VINH ghi
TRẦN MẠNH - MAI VINH ghi

TT - Theo các chuyên gia, việc bỏ mặc người trồng hoa sản xuất kiểu tự phát, thiếu thông tin về thị trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân phải đốt bỏ hoa tết.

aBsEdHXc.jpgPhóng to
Ông Phan Đấu (Thái Phiên, P.12, Đà Lạt) đốt hoa cúc sau khi chặt bỏ. Ông vẫn còn 1.000m2 hoa phải chặt bỏ do không bán được trong dịp tết - Ảnh: MAI VINH

Thực tế cho thấy câu chuyện trên không chỉ có ở ngành hoa mà còn ở các ngành nông sản khác.

TS Võ Mai (phó chủ tịch Hội Làm vườn VN):

Đừng để nông dân tự bơi mãi

Thị trường hoa tết vừa qua là một minh chứng nữa phản ánh sự thật là người nông dân VN vẫn chủ yếu sản xuất theo kiểu tự phát trong đầu tư canh tác và tự bơi trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Những thông tin cảnh báo, dự báo thị trường của từng ngành hàng cụ thể là nhiệm vụ của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hay các cơ quan quản lý địa phương hầu như không có hoặc không đến được người nông dân.

Người nông dân muốn làm gì thì làm, trồng cây gì, diện tích bao nhiêu... chính quyền nhiều khi không nắm rõ huống chi là quản lý. Mọi quy hoạch về nông nghiệp từ trước đến nay chủ yếu là quy hoạch trên giấy, quy hoạch cho có chứ không có ý nghĩa thực tế.

Hai năm qua, trên các phương tiện truyền thông ngày nào cũng có tin tức về khủng hoảng, suy giảm kinh tế, hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người bị mất việc làm, giảm lương... Trong bối cảnh đó, nếu là người nắm được thông tin, có kiến thức phân tích tình hình thì người trồng hoa sẽ đoán biết được trong bối cảnh khó khăn ngay đến miếng ăn hằng ngày người tiêu dùng còn đắn đo thêm bớt thì chuyện họ không mua hoa tết hay mua ít hơn là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, đa số người trồng hoa được báo chí phản ánh lại cho biết họ đầu tư trồng nhiều hơn so với tết năm trước. Điều đó cho thấy những người nông dân vẫn làm theo cảm tính thay vì quyết định dựa vào những thông tin thị trường.

Tuy nhiên, bản thân các dự báo, khuyến cáo của cơ quan nghiên cứu thị trường (nếu có) cũng chỉ là định hướng. Để người dân yên tâm hơn trong sản xuất và có hiệu quả phải thực hiện được sự gắn kết giữa các khâu từ trồng trọt đến phân phối bán lẻ. Doanh nghiệp bao tiêu và phân phối là người gần gũi người tiêu dùng, hiểu nhu cầu của thị trường hơn người trồng hoa sẽ nhận định chính xác hơn về nhu cầu từng loại hoa, số lượng và giá cả để đặt hàng lại người trồng. Người trồng sẽ căn cứ vào số lượng và giá cả để tính toán được hiệu quả làm ăn thay vì cứ đầu tư đại rồi đến vụ thu hoạch phó mặc cho thương lái.

Hơn nữa, bản thân dự báo cũng chỉ là dự báo, không thể chính xác 100%. Các doanh nghiệp phân phối dù có nhiều thông tin thị trường hơn người dân cũng có thể sai và quan trọng hơn là rủi ro trong nông nghiệp ngoài phụ thuộc vào cung cầu còn chịu ảnh hưởng lớn vào yếu tố tự nhiên, thời tiết. Ngoài sức mua tết năm nay yếu nên người dân phải đổ bỏ hoa vào ngày cuối năm, trước đó rất nhiều ruộng hoa đã phải bỏ đi do thời tiết không thuận lợi. Đây chính là lúc mà quỹ bảo hiểm cho người trồng hoa, quỹ bảo hiểm cho nông nghiệp phát huy tác dụng, giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân. Đáng tiếc là đến nay hình thức bảo hiểm trong nông nghiệp vẫn đang dừng ở mức thí điểm ở một vài sản phẩm, một vài địa phương và còn rất nhiều điều cần bổ sung để có thể đi vào cuộc sống.

Ông Trần Huy Đường (chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt):

Xuất khẩu để tránh dư thừa

Tôi không bất ngờ trước hiện tượng mà báo Tuổi Trẻ đã nêu. Chuyện bi đát ở các làng hoa cứ đến hẹn lại lên, năm ngoái tại Đà Lạt người trồng hoa ly ly đã thua lỗ, năm nay là hoa cúc và năm tới sẽ là một loại khác... Trong nông nghiệp, trồng hoa có thể xem là “siêu lợi nhuận”, nhưng rất nhiều nông dân VN nói chung và nông dân Đà Lạt nói riêng phải chịu cảnh thua lỗ là điều đáng để suy ngẫm. Người nông dân tự trồng rồi tự tìm đầu ra là chuyện hết sức bình thường ở những địa phương không có thế mạnh trồng hoa, sản xuất mang tính tự phát. Còn những địa phương có vùng trồng hoa lớn như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang) xem trồng hoa là một thế mạnh kinh tế thì việc để người nông dân tự bơi là điều không ổn.

Các công ty cung cấp hoa lớn cho thị trường bỏ rất nhiều công sức nhưng các thông tin dự báo của họ vẫn còn thiếu, huống hồ người nông dân. Tại “thủ phủ” hoa mà nông dân không hề có các thông tin dự báo thị trường, đặc biệt là cung - cầu thì đáng buồn.

Giải quyết vấn đề này, theo tôi, việc quy hoạch vùng trồng hoa rất quan trọng. Không thể nói chung chung Đà Lạt hay một vùng nào đó sẽ là vùng chuyên canh rau, hoa mà phải quy hoạch cụ thể ở đâu trồng hoa gì, cho thị trường trong nước hay xuất khẩu. Khi đó, chính quyền sẽ cân đo được cung cầu của thị trường để đưa ra kế hoạch sản xuất với người dân cho phù hợp hoặc có chính sách hỗ trợ đúng. Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan làm rất tốt chuyện này, họ quy hoạch những vùng chuyên canh rau hoa, xây dựng cơ sở hạ tầng nhà kính nhà lưới, người nông dân chỉ việc mua hoặc thuê để canh tác. Thông tin về giống, thời tiết và thị trường cập nhật hằng tuần để người nông dân kịp điều chỉnh.

Trước đây, các chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản cho rằng Lâm Đồng nên xây dựng chợ hoa Đà Lạt. Đó là ý tưởng hay trong bối cảnh ngành trồng hoa Đà Lạt vẫn loay hoay ở thị trường trong nước. Có chợ hoa, nông dân trồng hoa sẽ được bán hoa theo giá thị trường, không để thương lái ở các tỉnh khác đưa vào tình trạng “bán mù” như đợt hoa tết năm nay.

Bên cạnh đó, nên phát triển ngành trồng hoa Đà Lạt theo hướng xuất khẩu. Miếng bánh thị trường trong nước quá nhỏ trong khi diện tích trồng hoa của cả tỉnh Lâm Đồng quá lớn nên không tránh khỏi dư thừa. Thị trường trong nước nên để lại cho các địa phương có ít điều kiện hơn. Ví dụ: hoa cúc là loại dễ trồng, các tỉnh khác đều có thể tự trồng để cung cấp tại địa phương, Đà Lạt có cần phải tập trung vào loại hoa này để rồi chịu thua lỗ. Rất hoang phí tài nguyên và sức lao động. Nếu xuất khẩu lợi nhuận tăng, gấp 6-10 lần bán trong nước. Đây cũng không phải là loại hoa hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Đà Lạt hoàn toàn có điều kiện chuyên sản xuất hoa xuất khẩu: khí hậu thuận lợi, nguồn giống ổn định, người dân có kinh nghiệm lâu năm làm nông nghiệp công nghệ cao...

TRẦN MẠNH - MAI VINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên