08/01/2017 15:31 GMT+7

Con chịu làm việc nhà, phải có "chiêu"!

BÌNH MINH (tổng hợp)
BÌNH MINH (tổng hợp)

TTO - Cách nhìn của trẻ và của chúng ta rất khác biệt. Hãy tinh tế và tập đứng vào vị trí của trẻ để nhìn nhận vấn đề. Ngoài ra, chính các bậc phụ huynh cũng nên tự cho mình không gian để nghỉ ngơi thay vì luôn ráng hoàn thành mọi thứ.

Đừng mắng trẻ mà mình không làm gì 

Đối với con cái, hình ảnh của bạn như thế nào? Bạn cùng con dọn dẹp mọi thứ, khuyến khích chúng cùng làm với mình hay chỉ đi lòng vòng khắp nhà và không ngừng mắng bọn trẻ lười biếng, để nhà bừa bộn?

Thực chất giữa người lớn và trẻ nhỏ có sự khác biệt. Người lớn luôn luôn bận rộn và đôi khi không thể ngồi yên khi thấy việc nhà còn quá nhiều.

Ngược lại, trẻ em cần phụ giúp cha mẹ, nhưng chúng cũng cần thời gian được vui chơi, trải nghiệm và thư giãn để phát triển. Đừng đánh đồng vai trò của mình và của trẻ.

Hãy hướng dẫn 

Hãy thử tìm hiểu vì sao trẻ lười vì có những lý do mà bạn không ngờ đến.

Nếu bạn giao một công việc khiến trẻ cảm thấy khó chịu, điều này làm chúng mất “nhuệ khí” và không còn muốn tham gia. Hãy nhớ rằng chúng vẫn còn là những đứa trẻ. Người lớn chúng ta có thể chấp nhận làm những việc ta không thích nhưng bọn trẻ sẽ phản kháng. Nếu con bạn ghét mùi hôi, đừng đột ngột bắt chúng chà bồn cầu. Ít nhất hãy “làm công tác tư tưởng” để trẻ thấy dễ chịu và chấp nhận công việc đó.

Hãy nói rõ cho trẻ những thứ bạn muốn chúng làm. Đừng đứng ngay giữa phòng la hét: “Phòng dơ quá. Dọn mau đi!” và đánh giá hiệu quả công việc của chúng dựa trên tiêu chuẩn của mình. Bạn có thể thấy trước mắt là một đống bầy hầy, nhưng trẻ chỉ nghĩ chúng cần dẹp ba cái quần trên giường và đống truyện tranh dưới đất.

Đôi khi trẻ cũng gặp phải những vấn đề riêng như căng thẳng, buồn bã hoặc bệnh, nếu thấy chúng nằm ì trên giường và trông khác mọi ngày, hãy tìm hiểu và nhẹ nhàng hỏi thăm trẻ thay vì la mắng.

Hãy cho trẻ thấy chúng được yêu thương và vì thế chúng cần có trách nhiệm với gia đình, chứ không phải là một gánh nặng cho cha mẹ.

Nếu muốn trẻ hút bụi, hãy bảo chúng tập mang máy ra, hướng dẫn cách thao tác và chỉ rõ những nơi cần phải hút trong nhà. Nếu có những “mẹo vặt” giúp hoàn thành công việc nhanh và trôi chảy hơn, hãy chỉ dẫn và giải thích cho trẻ.

Trong những lần đầu tiên trẻ tập làm việc nhà, hãy chuẩn bị tinh thần chấp nhận một số lỗi nhỏ.

Mắng trẻ lười biếng, chúng sẽ "siêu lười" 

Đừng gán ghép bọn trẻ với danh hiệu “lười biếng”. Thay vào đó, hãy nhìn nhận từng hành vi cụ thể. Đôi khi trẻ có thể rất lười ở một số mặt, nhưng lại cực kỳ siêng năng trong vài công việc khác.

Liên tục chê trách trẻ lười có thể khiến chúng thấy bất mãn và “quen dần” với cách gọi đó hoặc chuyển sang thái độ chống đối. Đừng nghĩ rằng nói những lời nặng nề, xúc phạm trẻ sẽ giúp thay đổi tình hình.

Lên lịch làm việc nhà

Hãy lên lịch và phân công công việc phù hợp cho từng thành viên trong gia đình. Điều này giúp theo dõi tiến độ việc làm, đồng thời là cách giúp trẻ cảm thấy chúng có trách nhiệm hơn.

Tưởng thưởng con cái

Dù thế nào đi nữa, hãy trân trọng công sức của trẻ và cho chúng thấy mình đã làm tốt, nhưng cần tiến bộ hơn. Đừng để trẻ dọn dẹp vất vả rồi khiến chúng hụt hẫng bằng những lời chê bai. Hãy học cách khen ngợi hoặc thỉnh thoảng tặng cho trẻ một món quà nhỏ.

Tuy nhiên, bạn cũng cần khéo léo. Đừng tập cho trẻ thói quen làm việc xong là đòi được thưởng. Ngoài ra, hãy nói với trẻ rằng món quà là phần thưởng cho mọi thứ chúng làm. Đừng gắn liền món quà với bất cứ một nhiệm vụ riêng biệt nào.

Hãy cho phép mình nghỉ ngơi

Ngoài những giờ phút bận rộn, hãy tự cho phép mình và trẻ nghỉ ngơi. Đối với cách nhìn của người lớn, bất cứ nơi đâu và thời điểm nào cũng sẽ phát sinh công việc.

Đôi lúc, hãy dừng lại và dành thời gian cho trẻ. Hãy để cho trẻ thấy rằng gia đình vẫn còn những giờ phút ấm áp quây quần bên nhau, chứ không phải chỉ toàn tiếng la mắng và đống áp lực ngập đầu.

BÌNH MINH (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên