Nếu không phải là người Quảng Nam, khi cầm cuốn Cơm nhà xứ Quảng trên tay và mở những trang đầu tiên, hẳn bạn đọc sẽ ngạc nhiên và tự hỏi "Kỉnh là gì?" và "Đi kỉnh" là đi đâu?
Từ "kỉnh" có nghĩa là đi biếu quà, tặng quà cho hàng xóm. Mà quà ở đây là món ăn ngon của bếp nhà mình, được bới ra, múc ra khi món ăn vừa chín tới và lựa những thứ ngon nhất đem sang mời bà con, mời hàng xóm.
Tự thân từ "kỉnh" đã nói lên tấm lòng thơm thảo của người dân xứ Quảng là có thức gì ngon cũng san sẻ cho mọi người xung quanh. Và dĩ nhiên khi bếp nhà có món ngon đi kỉnh hàng xóm thì mẹ phải chọn đứa con lớn nhất trong nhà, dặn con phải kỉnh bằng hai tay và lựa lời mà nói để người lớn vui vẻ nhận quà.
Cái đẹp, cái hay trong lễ nghĩa, trong ăn ở của người Quảng ngày xưa gói trong từ "kỉnh" mà tác giả nhớ lại, nhắc lại trong phần mở đầu cuốn sách của mình đã làm cho tình thân họ hàng, tình làng nghĩa xóm đẹp hơn, thân thiết hơn.
Bàng bạc trong toàn bộ cuốn sách là một miền ký ức trẻ thơ với góc bếp của mẹ, với những món ăn chỉ có rau dại, dưa muối, mắm cá… mà chỉ có mẹ nấu mới làm cho nó có hương vị đặc biệt.
Hương vị đó theo suốt cuộc đời của tác giả, theo suốt cuộc đời của chúng ta - những người đã sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước khó khăn.
Và khi đọc những trang viết chan chứa yêu thương đó, bỗng thấy nhớ bóng nội, nhớ dáng mẹ, nhớ góc bếp ngày mưa, nhớ bát mì Quảng thơm ngon, nóng hổi mà lá mì xắt tay chớ không phải xắt máy bằng riến như bây giờ, nhớ nồi cá kho dưa, nhớ trã tép khô rang lá chanh thơm nức mũi, nhớ dĩa ngọn rau lang luộc chấm mắm cá cơm, nhớ chén chè bột lọc buổi trưa ngủ dậy… mà thấy ký ức như một cuốn phim quay chậm và thèm được trở về ngày thơ bé thuở nào.
Có những món ăn trong cuốn sách sẽ rất lạ lẫm với người đọc không phải là dân xứ Quảng như: cá sòng kho ớt xanh, cá leo um chuối chát, dưa gang muối xổi, canh chua xương rồng, giò heo hầm chuối chát, mắm thính má làm… bởi những món ăn đó là kết tinh của các sản vật đất đai, sông, biển của vùng đất Quảng Nam.
Và hơn hết, những món ăn mang đậm chất Quảng ấy và được làm nên bởi bàn tay khéo léo của những bà nội trợ đảm đang, luôn biết vun quén cho bếp nhà luôn ấm lửa, cho chồng, cho con những bữa ăn ngon dù thiếu thốn mọi bề.
Cơm nhà xứ Quảng của Lưu Bình chứa đựng trong đó tình yêu quê hương sâu sắc của một người phụ nữ luôn nhủ lòng mình phải giữ cho bếp nhà luôn ấm, phải giữ được hồn cốt của những món ăn dân dã quê mình.
Như cách mà chị đã trải lòng: "Bằng những bài viết về món ăn và góc nhớ ký ức, tôi nhận trên vai mình nhiệm vụ vẽ lại bức tranh xưa mà không xưa, những bữa ăn hằng ngày mà tôi và người xứ Quảng luôn níu giữ dù có đi đâu về đâu".
Như cách tác giả chia sẻ: "Cơm nhà xứ Quảng cũng là một cách tôi kính cẩn "kỉnh" lớp bà, lớp má tôi - những người bà, người má đã cõng con trên vai đi qua cuộc chiến và qua một thời khốn khó, nuôi lớn chúng tôi"...
Sách thuộc Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks và Nhà xuất bản Lao Động phát hành
Cơm nhà xứ Quảng là một tập hợp của hơn 60 tản văn với 264 trang in, gói trong đó là một trời thương nhớ về những món ăn dân dã, bình dị của người dân xứ Quảng, những mùa xưa với cá, với hến, với rau dại hái quanh vườn…
Tác giả của Cơm nhà xứ Quảng - Lưu Bình, một người con gái Quảng Nam sinh ra và lớn lên từ đồng đất quê nhà, gắn bó với góc bếp từ thuở còn là một cô bé đến lúc làm vợ, làm mẹ, làm bà - đã miệt mài viết và như con tằm nhả những sợi tơ vàng óng...
Chị đã dệt nên một bức tranh ẩm thực quê nhà đầy sắc màu yêu thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận