![]() |
Sàng sẩy cốm sau khi giã |
Tội gì mua lấy cực nhọc!
Từ đường Xuân Thủy đi dọc các ngõ nhỏ vào làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những ngôi nhà lợp ngói ximăng dành cho thuê xen lẫn những nhà cao tầng.
Quán xá, cửa hàng Internet nhiều vô kể, trai gái làng, rồi sinh viên từ các trường đại học Thương mại, Sư phạm, Học viện Báo chí tuyên truyền... nườm nượp vào ra. Đang là mùa cốm, song đi khắp các ngõ ngách sâu hun hút, hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng chày giã cốm.
Nhắc đến nghề cốm, nhiều bạn trẻ bảo rằng đó là chuyện xa xưa rồi. Còn người ngoài 30 tuổi như chị Nguyễn Thị Ngân chép miệng: “Tội gì phải mua lấy cực nhọc, tất bật từ 3-4g sáng đến tận 22g mới xong mẻ cốm cuối cùng, thu nhập lại thấp”. Gia đình chị Ngân giã từ nghề cốm mười năm nay. Giờ chị mưu sinh bằng quán bán trứng vịt lộn và bún đậu mắm tôm.
Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu, ông Lê Thế Tôn, cũng bỏ nghề cốm được sáu năm, khu sản xuất biến thành bốn phòng cho thuê. Ông chia tay cốm vì Nhà nước lấy hết ruộng, hai người đi phiên dịch tại Đài Loan, đứa chuẩn bị tốt nghiệp đại học, chẳng ai phụ giúp ông.
Làm cốm bây giờ đã được cơ giới hóa đến 70% bằng các máy tuốt, rang, xay và cả máy giã. Con người chỉ tham gia khâu gặt, sàng sẩy, phân loại và hồ cốm. Tuy nhiên, cả làng 600 hộ dân hiện chỉ còn 15 nóc nhà vang tiếng chày giã cốm.
Ngay cả hộ đang sản xuất cốm như ông Đinh Văn Tiến, ở số 19, ngõ Đa Lộc, cũng không chắc giữ được nghề. “Làm cốm cần kinh nghiệm, về nhân lực thì ít nhất bốn người phải phối hợp nhịp nhàng. Chỉ sơ sẩy một chút, mẻ cốm có thể hỏng. Hai con trai tôi đã học xong, sắp đi làm, lúc ấy vợ chồng già chúng tôi không thể duy trì công việc vất vả này. Thuê cũng chỉ 1-2 người thôi, vì đâu thể tin tưởng giao toàn bộ mẻ cốm cho họ” - ông Tiến giải thích.
Gập ghềnh dự án bảo tồn nghề
Cách đây mười năm, 80% số hộ dân làng Vòng trực tiếp làm cốm. Hộ nào thiếu người, không làm được thì cất cốm của hàng xóm đem bán. Cốm nuôi sống cả gia đình, công to việc lớn gì cũng đều trông vào nó. “Nhưng nay nghề cốm mai một rồi, không thắng nổi cơn lốc đô thị hóa, khi làng trở thành phường, giá đất tăng vùn vụt” - ông Lê Thế Tôn tiếc nuối. |
Đất bỗng có giá, người nhiều thì bán đi vài chục mét lấy tiền xây nhà tầng, còn lại dành xây nhà cho sinh viên thuê kiếm tiền ăn hằng tháng. Nhà chật hẹp thì chuyển sang kinh doanh ăn uống, bán hàng phục vụ sinh viên.
So với làm cốm, xây nhà cho thuê chỉ phải bỏ vốn một lần và cho thu nhập quanh năm. Trong khi làm cốm cả hai vụ chiêm và mùa chỉ được năm tháng, thu nhập lại không cao. Trung bình một hộ 4-5 người làm từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi người thu được 50.000 đồng/ngày.
Năm 2004, UBND Hà Nội và quận Cầu Giấy đã quyết định cấp cho HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng 1.400m2 đất để xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp (trong đó có 200m2 dành duy trì và phát triển nghề cốm Vòng). Hội Nông dân VN cũng hỗ trợ 100 triệu đồng để Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu bảo tồn nghề cốm. Tuy nhiên, đến nay đã gần ba năm, dự án vẫn “treo”.
Ông Lê Thế Tôn giải thích năm 2004 thành phố chỉ giao đất trên văn bản, còn thực tế tháng sáu vừa qua HTX mới cắm mốc nhận đất. Hội đã thuê tư vấn thiết kế khu sản xuất, đảm bảo sản phẩm cốm phải đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng hiện nay chưa được thẩm định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận