Hiện đại hóa nông nghiệp đang dần được áp dụng trên các cánh đồng ở ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Hoan - ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, "cha đẻ" của nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nổi tiếng - cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hội nhập mà rào cản lớn nhất chính là vướng mắc về thể chế chính sách đất đai manh mún, sản xuất không bền vững...
Theo ông Hoan, tháo gỡ được những vướng mắc này, nền nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng bứt phá.
* Nhiều năm nay, các doanh nghiệp và nông dân đều kêu vướng hạn điền khiến doanh nghiệp và nông dân không thể làm ăn lớn, không tạo được sản lượng lớn đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Đúng là có thực tế này. Do vướng hàng rào "hạn điền" nên các năm qua nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không được. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất vẫn còn rất lớn.
Trước thực tế này, trong khi chờ đợi giải pháp về thể chế, một số địa phương ở ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp đã đưa ra nhiều cách giải quyết, chẳng hạn như khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất để mở rộng quy mô...
Tuy nhiên, đúng là thực trạng tích tụ đất đai nhiều năm nay vẫn chưa có bước đột phá đáng kể.
* Thực tế vừa qua, dù một số nơi ở ĐBSCL đã "mở cửa" tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã tích tụ đất đai, nhưng chính doanh nghiệp tham gia tích tụ vẫn lo ngại bị "tuýt còi" vì bị cho là xé rào...
- Chúng ta đang xử lý một mâu thuẫn, đó là "muốn tích tụ ruộng đất để có quy mô sản xuất lớn hơn", trong khi đó, việc chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho khu vực nông thôn dẫn đến một bộ phận không nhỏ nông dân không còn ruộng đất sau khi tích tụ.
Đây là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội nông thôn. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết khi chính sách thu hút doanh nghiệp nông nghiệp về nông thôn, doanh nghiệp khởi nghiệp đủ mạnh; đồng thời việc hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản sẽ tạo ra nhiều việc làm trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, phát triển logistics... "Ly nông mà không ly hương" là vậy.
Không chỉ trường hợp anh Út Huy hay anh Hồ Quang Cua, Việt Nam còn rất nhiều người đã, đang và sẽ đầu tư vào nông nghiệp và trở thành tỉ phú nông dân. Đó là những người không chỉ có khát vọng làm giàu bằng nông nghiệp mà trước hết có đầy nhiệt huyết để mong muốn làm chuyển động nền nông nghiệp đất nước.
Ông Lê Minh Hoan
* Ông có lo ngại việc cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất sẽ làm một bộ phận nông dân không còn đất, ly hương. Và cách nào để hạn chế tình trạng này?
- Cuộc sống không đứng yên, xã hội luôn thay đổi. Mỗi sự thay đổi có khi sẽ là sự đánh đổi. Tích tụ đất đai là vấn đề lớn không chỉ về kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội.
Khi tích tụ theo hướng hình thành chuỗi ngành hàng, sẽ tạo ra nhiều việc làm, một bộ phận nông dân không còn trực tiếp làm nông nghiệp sẽ trở thành những người làm phi nông nghiệp trong chuỗi ngành hàng.
Ngoài ra, với chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn, doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp... sẽ tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.
Một bộ phận còn lại được đào tạo nghề phi nông nghiệp để có thể tự tạo việc làm, đi làm việc ở các khu công nghiệp có thu nhập cao hơn hoặc tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng Tháp đang đẩy mạnh các chương trình này và đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm vừa qua.
Thu hoạch tôm sau 3 tháng thả giống tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: Phan Thanh Cường
* Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải "mở cửa" cho tích tụ đất đai, sửa Luật đất đai không thể chậm hơn. Từ thực tế ở các địa phương, ông có đề xuất gì với Trung ương để "cởi trói" cho doanh nghiệp có điều kiện tích tụ ruộng đất làm ăn lớn?
- Cần nhìn nhận mục tiêu của tích tụ đất đai không chỉ là mở rộng quy mô sản xuất, mà quan trọng hơn là hướng đến tư duy kinh tế nông nghiệp như tinh thần nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.
Tích tụ đất đai với quy mô lớn hơn là tiền đề hình thành chuỗi ngành hàng nông sản, trong đó bắt đầu từ nghiên cứu giống mới, thay đổi quy trình sản xuất, phương pháp thu hoạch theo hướng tiếp cận công nghệ 4.0, tăng cường công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, phát huy giá trị phụ phẩm nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu, nối kết thương mại điện tử...
Bởi vậy, theo tôi, cần tổ chức bàn tròn cấp Chính phủ với chủ đề: "Giải pháp thực hiện chủ trương tích tụ đất đai phục vụ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp".
Bàn tròn này với sự có mặt của "bốn nhà", các chuyên gia kinh tế, chuyên gia xã hội, nhất là hai đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.
Tôi nghĩ, thông qua bàn tròn sẽ làm bật lên những vấn đề cần "cởi trói", những thể chế cần thay đổi, những chính sách cần ban hành.
* Sản lượng sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang dư thừa, nhiều chuyên gia đề xuất nên giảm diện tích trồng lúa vì cho thu nhập thấp, ưu tiên phát triển cây công nghiệp, nuôi thủy sản công nghệ cao. Ông nghĩ như thế nào về đề xuất này?
- Thực ra giảm diện tích trồng lúa đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến khích. Trong ngắn hạn do đại dịch COVID-19 có thể nhu cầu gạo tăng đột biến, nhưng trong dài hạn cần có sự phân tích kỹ lưỡng.
Để giảm sản lượng theo quy luật cung - cầu của thị trường lúa gạo thế giới, có thể giảm diện tích chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác hoặc giảm vụ 3, đan xen cây trồng ngắn ngày thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nước.
Tuy nhiên, hạ tầng thủy lợi, đê bao đầu tư trong thời gian qua ở ĐBSCL chủ yếu phục vụ cho trồng lúa. Như vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh nhất định về hạ tầng, đồng thời không để chuyển rủi ro từ trồng lúa sang rủi ro các cây trồng, vật nuôi khác do quy luật cung - cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận