02/03/2008 10:46 GMT+7

"Cởi trói cho người thầy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học"

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ông bảo: "Phải lập ra một ủy ban chuyên trách cải cách giáo dục của quốc gia, phải “cởi trói” cho người thầy"… Rất thẳng thắn, ông tự nhận mình chỉ áp dụng phương pháp giảng dạy mới một cách nửa vời.

PGS.TS Trần Thành Trai:

ptuQGDak.jpgPhóng to

Hiện nay ở TP.HCM, khá nhiều trường ĐH đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại như thế này. Thế nhưng, nó có mang lại hiệu quả cao hay không, còn phụ thuộc vào thái độ học tập của SV - Ảnh: H.HG.

TTO - Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ông bảo: "Phải lập ra một ủy ban chuyên trách cải cách giáo dục của quốc gia, phải “cởi trói” cho người thầy"… Rất thẳng thắn, ông tự nhận mình chỉ áp dụng phương pháp giảng dạy mới một cách nửa vời.

25 năm đứng trên bục giảng, đã không ít lần ông bị SV “giội một gáo nước lạnh vào lòng nhiệt huyết muốn truyền thụ kiến thức của người thầy”. Thế nhưng, câu chuyện của chúng tôi với PGS.TS Trần Thành Trai - nguyên trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Mở - bán công TP.HCM, lại bắt đầu từ thái độ học tập của sinh viên:

Khá nhiều SV bây giờ không xác định được mục đích và động cơ học tập. Các em vào giảng đường thích học thì học, thích chơi thì chơi, nói chuyện, ngủ hay làm những việc khác rất thoải mái. Vì thế, người dạy cũng nản...

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng: giảng viên (GV) là người quyết định không khí lớp học và thái độ học tập của SV. Nếu SV chán, không chịu học thì lỗi do người dạy. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Điều đó chỉ đúng 50%, bởi GV bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố. Nói ngay chính bản thân tôi: mặc dù bài đã dạy mấy chục năm nhưng trước khi lên lớp tôi vẫn phải suy nghĩ tìm những cái mới, những cái gắn liền với thực tế để truyền thụ cho SV. Nhưng khi vào lớp thì sao? Chỉ một số ít SV đi học đúng giờ, sau đó các em vô rải rác, đi trễ mà cứ thản nhiên, chậm rãi, từ từ bước vào lớp như đi chợ. Rồi các phương tiện dạy học cần thiết như micro, máy chiếu,…cũng chưa được chuẩn bị sẵn trên bàn.

Tất cả những thứ ấy như tạt một gáo nước lạnh vào lòng nhiệt huyết và sự hào hứng của GV. Chưa kể những yếu tố khách quan như: môi trường giáo dục (cả GV và SV không thể tập trung trong tiếng đập tường, gõ sắt ầm ầm hay tiếng nhạc xập xình, tiếng hát hò huyên náo kế bên giảng đường); phấn viết thì không rõ chữ; micro nghe tiếng được tiếng mất;…

* Từ thực tế trên, ông đã sử dụng phương pháp nào để truyền đạt kiến thức cho SV?

- Tôi nhất quyết không làm cái chuyện đọc - ghi. SV ĐH chứ đâu phải HS cấp 4 mà GV phải đọc cho chép. Các môn tôi dạy đã có giáo trình nên vào lớp tôi chỉ nói thêm về những vấn đề lắt léo, những vấn đề thuộc loại “bí quyết” mà giáo trình chưa viết hoặc không viết được. Đó là những kiến thức tôi cập nhật trên sách, báo, tạp chí nước ngoài, trên mạng Internet và cả thực tế (ngoài giảng dạy ở các trường ĐH, TS Trần Thành Trai còn làm cố vấn cho một công ty phần mềm - PV).

Có điều, tôi thấy buồn và ngạc nhiên bởi nhiều SV dửng dưng với loại kiến thức ấy. Các em chỉ muốn học gói gọn trong giáo trình. Các em sợ thầy mở rộng kiến thức sẽ tạo thêm gánh nặng cho mình trong khi thi cử. Phải chăng SV bây giờ học chỉ cần vượt qua các kỳ thi?

Ngoài ra, sau mỗi phần nội dung bài học, tôi đưa ra tình huống rồi yêu cầu SV dùng lý thuyết đã học để giải quyết tình huống đó. Tuy nhiên, khi chấm bài mới phát hiện ra (ông lắc đầu ngán ngẩm) các em không chịu động não làm bài tập mà chép của nhau.

Ngày xưa chúng tôi đi học cố gắng nắm 80% kiến thức thầy cô giảng, còn 20% về nhà xem lại bài và đọc thêm sách tham khảo. Bây giờ SV ít chịu xem lại bài. Bài 1 bài 2 không nắm được làm sao học được bài 3. Dần dần các em sẽ bị hẫng rồi chán. Tôi chưa yêu cầu SV công nghệ thông tin phải đọc sách, báo, tạp chí chuyên ngành tiếng nước ngoài nhưng ngay cả tạp chí tiếng Việt các em cũng không chịu đọc thì GV phải làm sao?

Nói rất thực lòng là nhiều lúc tôi bị ức chế, định buông luôn, kệ! Nhưng rồi lương tâm người thầy không cho phép tôi làm như thế, không thể “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, tôi lại ráng. Đấy cô xem (ông chỉ cái vali nặng trịch của mình) năm nay tôi đã 66 tuổi, có bữa đi dạy tận Bình Dương vẫn phải xách theo cái máy chiếu này. Có lẽ thế hệ SV bây giờ khác chúng tôi ngày xưa.

Ngày xưa, khi được Nhà nước cử sang Liên Xô học, chúng tôi mang trong mình một sự quyết tâm phải học cho bằng được để xứng đáng với các bạn đồng trang lứa phải ra mặt trận chiến đấu. Tôi không hiểu vì sao SV bây giờ đi học bằng những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình nhưng lại không chí thú học tập?

Nếu tự đánh giá về mình tôi thấy mình chỉ áp dụng được phương pháp giảng dạy tích cực một cách nửa vời.

* Như vậy, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục bậc ĐH, thưa ông?

- Ngoài việc giáo dục ý thức học tập nghiêm túc và động cơ học tập đúng đắn nơi SV, thực hiện kỷ cương trường lớp, tạo môi trường giáo dục đúng nghĩa giáo dục, điều quan trọng phải “cởi trói” cho người thầy.

Thực lòng thì khi nghe người ta nhận xét: kỹ sư tin học Việt Nam kém hơn các nước khác người làm thầy như tôi “đau” lắm chứ. Mình phải tìm hiểu xem tại sao “sản phẩm” của mình bị người ta chê. Và chúng tôi hiểu rất rõ mình phải nâng cao kiến thức, phải tìm tòi, học hỏi xem đồng nghiệp ở nước ngoài người ta giảng dạy như thế nào.

Ai mà không biết quan điểm giáo dục phải lấy người học làm trung tâm. Nhưng liệu có thực hiện được không khi một lớp có đến hơn 100 SV, làm sao chia nhóm để thảo luận.

Bên cạnh đó, tình trạng “cơm chấm cơm” vẫn tồn tại: GV tốt nghiệp ĐH đi dạy SV ĐH. Ngày xưa, khi còn là nghiên cứu sinh chúng tôi mất 2-3 năm chữa bài tập cho thầy. Sau đó mới được cho dạy 1-2 chương/học phần rồi tổ bộ môn góp ý, rút kinh nghiệm nhiều lần trước khi đi dạy chính thức. Ở một số trường ĐH hiện tại vai trò của hội đồng khoa học, tổ bộ môn gần như chỉ mang tính hình thức, GV muốn dạy như thế nào thì dạy.

Chưa kể có trường “tiết kiệm” nên chỉ mời GS giỏi dạy một số tiết hạn chế, phần lớn để cho GV trẻ vì thù lao thấp hơn. Chế độ đãi ngộ hiện nay cũng khiến GV ĐH phải “chạy sô” mới có thể “sống” được. Ở nước ngoài, GS chỉ lên lớp 3 tiết/tuần trong khi nhiều GV ĐH ở ta dạy từ 40-50 tiết/tuần, thời gian đâu để học hỏi, tìm tòi? Chưa kể với những GV trẻ - kinh nghiệm cũng như việc tích lũy kiến thức còn “mỏng” mà phải chạy sô thì chẳng mấy chốc sẽ bị cùn. Chúng ta cũng chưa có những qui định cụ thể về việc bồi dưỡng kiến thức của GV. Tổng kết cuối năm gần như người nào cũng đạt chiến sĩ thi đua - GV dạy giỏi thì làm sao khuyến khích họ phải tự nâng cao trình độ, kỹ năng?

Tóm lại, tôi thấy cần phải lập ra một ủy ban chuyên trách cải cách giáo dục của quốc gia chứ không phải thuộc Bộ GD-ĐT. Phải có những kế hoạch cụ thể mang tính hệ thống cho từng giai đoạn và thực hiện một cách đồng bộ mới có thể nâng cao chất lượng GD bậc ĐH nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên