10/11/2018 16:31 GMT+7

'Cởi trói' cho con dâu

DIỆU NGUYỄN - TUYẾT KIỀU - YÊN HÒA
DIỆU NGUYỄN - TUYẾT KIỀU - YÊN HÒA

TTO - Câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu luôn là câu chuyện muôn thuở của các 'chị em bạn dì' trong lúc 'trà dư tửu hậu', hay trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm.

Cởi trói cho con dâu - Ảnh 1.

Mẹ chồng và nàng dâu vui vẻ đi chợ cùng nhau - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Tuy nhiên, mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại đã khác xưa, đối xử với nhau rất văn minh. Nhiều mẹ chồng ngày nay có cách sống, suy nghĩ và đối xử rất tâm lý với con dâu.

Tôi nghĩ con người ta cũng chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, bao nhiêu công sinh dưỡng. Mình không sinh mà có thêm con thì phải yêu thương nhiều chứ. Hơn nữa, mình thương con dâu thì con mình càng “dễ thở”, mình sống chung với các con cũng vì vậy mà thoải mái hơn.

Bà Thanh Hương

Mẹ chồng làm "bạn" với con dâu

Bà Thanh Hương (56 tuổi) có ba con gái và một con trai. Từ khi các con còn nhỏ, bà đã dạy các con làm việc nhà, quán xuyến chăm sóc gia đình như nhau.

"Cả dòng họ có mình con trai tôi là cháu trai nên đi đâu mọi người cũng chiều chuộng. Sợ con trai hư người nên tôi rất chú ý giáo dục con. Khi đó tôi có quan điểm, sau này con có gia đình riêng, con sẽ là chỗ dựa cho vợ con như ba của con thì gia đình mới ấm êm, hạnh phúc" - bà Hương chia sẻ.

Sau khi chồng mất, bà Hương sống với gia đình con trai, từ nền tảng giáo dục gia đình, con trai bà không phụ lòng bà, gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Bà cũng chủ động thiết lập mối quan hệ thân thiết với con dâu từ lúc các con bà đang tìm hiểu nhau.

Gia đình bà Kim Loan (66 tuổi) chỉ có một con trai nhưng vợ chồng bà cho con ra riêng sau khi cưới để giữ hòa khí. Bà Loan tâm sự bà rất thương con trai lẫn con dâu nhưng theo bà, văn hóa mỗi gia đình sẽ có những điểm khác biệt nhất định.

Khi có người lạ bỗng dưng về sống chung dưới một mái nhà rất dễ xảy ra những chuyện xích mích không lớn cũng nhỏ. Để có thể yêu thương nhau thật lòng, cần một thời gian thích nghi nhất định. Vì vậy bà khuyên con trai nên ra riêng một thời gian.

"Chúng tôi tuy già nhưng vẫn tự chăm sóc mình được. Đến khi chúng ta thật sự cần và mong muốn ở chung nhà với nhau vẫn không muộn, cả bố mẹ và vợ con cũng thoải mái, có thời gian tương tác, đến với nhau tự nhiên hơn" - bà Loan kể.

Và sau 1 năm sống riêng, vợ chồng con trai đã về sống chung với vợ chồng bà Loan. Hiện gia đình ba thế hệ của bà Loan cùng chung sống hòa thuận, hàng xóm ai cũng nể khi thấy mẹ chồng thương con dâu như con ruột.

Mẹ con cùng đi chơi

"Vợ chồng tôi có cùng chung sở thích đi phượt từ khi yêu nhau. Sau khi về chung một mái nhà, rất vui là mẹ chồng tôi cũng có chung sở thích này. Có những lúc chồng đi công tác dài ngày, mẹ chồng và tôi cùng nhau đặt vé đi du lịch đâu đó. Một lần, tôi giận nhau với chồng, mẹ con tôi cùng nhau đi chơi Nhật Bản luôn" - chị Hà Linh (28 tuổi) kể.

Không chỉ thường xuyên đi du lịch cùng nhau, chị Linh và mẹ chồng đi đâu cũng đi cùng, shopping, spa, làm tóc... "Có nhiều người thấy hai mẹ con hay đi chơi với nhau cứ tưởng là hai mẹ con ruột, khi biết là mẹ chồng - nàng dâu thì ai cũng có vẻ ngạc nhiên" - chị Linh thích thú kể.

Chị còn chia sẻ thêm, trước khi cưới ai cũng dặn dò đủ thứ bí quyết sống chung với mẹ chồng, nhưng thực tế "có thể tôi may mắn có được mẹ chồng tâm lý, hiểu biết, chịu hòa nhập chứ không khắt khe với con dâu nên tôi mới thoải mái hơn các nàng dâu khác.

Nhưng tôi nghĩ một phần bản thân mình cũng phải nỗ lực, yêu thương mẹ thật lòng, cởi mở, có sự thống nhất với nhau rằng mục tiêu cuối cùng của cả hai người phụ nữ là dành tình yêu trọn vẹn của mình cho một người đàn ông (là con trai của mẹ và là chồng của con). Tất cả cùng yêu thương nhau thì lợi ích chỉ có tăng gấp bội phần".

Nhiều chị đang sống vui vẻ bên mẹ chồng cùng chia sẻ quan điểm: mỗi người phải tự cầu thị để cho ranh giới xa lạ mẹ chồng - nàng dâu được xóa nhòa, mối quan hệ được gắn kết bằng những sở thích chung. Và đặc biệt, sợi dây gắn kết là người con trai - người chồng cũng phải hết sức tinh tế bên hai người phụ nữ là mẹ, là vợ của mình.

Thương lắm con dâu!

Bà Phạm Thị Lệ (53 tuổi, ở lô S50, cư xá Vĩnh Hội, Nguyễn Hữu Hào, phường 8, quận 4, TP.HCM) cho biết: "Thắm - con dâu tôi - về làm dâu được gần 6 năm. Tôi thương con dâu như con gái ruột vậy, tôi giúp được gì là giúp chứ thấy con dâu chịu khó, làm vất vả, thương lắm".

Bà Lệ chia sẻ bà sống năng động hơn vì ngày nay giới trẻ khác ngày xưa. "Mình thay đổi mới hiểu được tuổi trẻ bây giờ, chứ giờ tụi nó tiến bộ lắm, mình tụt hậu rồi sao hiểu con cháu mình được"- bà Lệ nói.

Bà Lệ và gia đình làm nghề in lụa được hơn 30 năm. Chị Thắm đã sinh cho bà hai cháu nội. Chị Thắm sau khi sinh con thì ở nhà cùng phụ việc gia đình, nấu thêm nước sâm để bán trước nhà và ban đêm thì bán quần áo tại chợ Xóm Chiếu.

Hãy buông bỏ những định kiến

Gần đây, cô T. hàng xóm thường ghé nhà tôi vào những khung giờ nghỉ nhiều hơn. Tôi đặt vấn đề: "Sao hồi này rảnh hay có tâm sự gì?", cô ấy "bật mí" là "nhà đang có bà nội lên chơi".

Dù không nói trắng ra nhưng qua những câu chuyện, tôi biết T. đang "né", không muốn trò chuyện với mẹ chồng.

Với T., sự hiện diện của mẹ chồng ở trong nhà làm cho cô không được thoải mái lắm, muốn làm cái gì cũng phải nhìn trước ngó sau. Nhất là những hôm đi làm về mệt mỏi, muốn nhờ chồng phụ giúp tí việc vặt như lau nhà, rửa chén... cô đều không dám nhờ vì sợ mẹ chồng xét nét. Thậm chí trong sinh hoạt, nói năng với chồng, con, T. cũng phải giữ ý, không được thoải mái như chỉ có vợ, chồng với nhau.

Tâm sự của T. cho thấy đâu đó mẹ chồng - nàng dâu vẫn còn giữ định kiến xưa cũ, "bằng mặt mà không bằng lòng" trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.Tuy nhiên, cũng không ít gia đình mẹ chồng - nàng dâu chủ động xóa bỏ định kiến xưa. Gia đình dì tôi là một điển hình.

Những lần trước vào thăm cháu nội, được 10-15 ngày là dì tôi đòi về quê. Nhưng lần này, đã hơn 3 tháng ở với vợ chồng con trai, dì tôi vẫn chưa bộc lộ ý định về quê như vẫn thấy.

Thậm chí, trong đợt vào thăm cháu nội lần này, dì tôi có vẻ vui hơn, nói nhiều về cô con dâu của mình với những lời rất thiện cảm. Trong đó, dì đã từ chối lời đề nghị "dì ở chơi với vợ chồng con thêm ít ngày" của tôi với lý do "phải về chứ không con dâu nó trông".

Việc dì tôi "không vội về quê" là tín hiệu tích cực bởi trong những lần vào thăm con trai trước đây, dì chỉ ở được với con cháu vài tuần là đòi về. Có lần tôi hỏi dì: "Sao đã mất công vào thăm cháu, dì không ở lâu lâu một chút?", thì dì tỏ rõ thông điệp "không ở lâu được đâu".

Rồi những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống, không hài lòng về con dâu, từ chuyện ăn mặc, nuôi con, nhà cửa... dì đều tâm sự cho vợ chồng tôi nghe.

Dì tôi vốn xuất thân là một người nông dân truyền thống, cả một đời gắn bó với làng quê nên chắc chắn rằng dì sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ lối sống, nếp nghĩ của người nông thôn, trong đó có cả những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe ở con dâu của mình.

Tuy nhiên, sự thay đổi của dì cũng cho thấy câu chuyện giữa mẹ chồng và nàng dâu đã thực sự có cảm thông, hiểu nhau hơn, chia sẻ được với nhau. Gần đây, con trai dì chia sẻ việc nhà với vợ hơn, còn con dâu của dì cũng cởi mở, cười nói suốt mà không thấy e dè như trước nữa.

Có thể thấy rằng rào cản lớn nhất làm cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ít được nồng ấm trước hết là do định kiến, những áp đặt hay việc chưa thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống.

Để có sự hòa hợp trong cuộc sống thì cả mẹ chồng và nàng dâu cần phải thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau, cùng "cởi trói" cho nhau, gỡ bỏ những rào cản, định kiến đó.

Vợ 'ghiền' về nhà mẹ: cái cớ để 'tị nạn' mẹ chồng? Vợ "ghiền" về nhà mẹ: cái cớ để "tị nạn" mẹ chồng?

TTO - Tâm sự Vợ "ghiền" về nhà mẹ, tôi đành mất vợ? của bạn đọc tên Minh là nỗi niềm "đau đớn" của một số ông chồng.

DIỆU NGUYỄN - TUYẾT KIỀU - YÊN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên