Một cơ sở hàn tại TP Biên Hòa. Thợ hàn vẫn chưa được trang bị đầy đủ về bảo hộ lao động và hoạt động trong cơ sở chật hẹp - Ảnh: A LỘC
Sau vụ cháy ở quán Ruby, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi thực tế ở một số cơ sở hàn xì, cắt sắt tại TP.HCM và Đồng Nai.
Có thể cháy bất cứ lúc nào
Có mặt tại một cơ sở hàn tiện nằm trên quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi tận mắt chứng kiến môi trường làm việc tiềm ẩn nguy hiểm của việc hàn xì, cắt sắt.
Những que hàn đỏ chói chảy ra do nhiệt độ cao, cùng những tia lửa hàn tung tóe, chỉ một sơ sẩy để tia lửa văng vào vật liệu dễ cháy sẽ bùng phát hỏa hoạn ngay tức khắc.
Anh N.T.Danh, chủ tiệm này, cho biết: "Tôi làm nghề này cũng được 7 năm nay rồi, hồi đó có học nghề tại một trường trung cấp, sau khi lấy bằng ra trường thì đi làm thêm cho một số công ty, thời gian sau tích góp được ít tiền rồi mở cơ sở hàn tiện này".
Khi được chúng tôi hỏi thời gian gần đây có nhiều vụ cháy nổ do hàn xì bất cẩn, phía cơ sở có biện pháp gì để phòng tránh, anh Danh chia sẻ cũng đã nghe nhiều vụ việc nghiêm trọng do hàn xì nên thường xuyên nhắc nhở nhân viên của mình không được để các vật liệu cháy nổ gần khi hàn, sử dụng mũ để che mặt, kiểm tra các dây điện, mạch nối thường xuyên...
"Quan trọng nhất là đảm bảo các thao tác cơ bản khi hàn, nếu tuân thủ được tất cả các quy định đó thì rủi ro sẽ ít đi. Vì cơ sở hiện tại chỉ nhỏ lẻ nên các dụng cụ PCCC hỗ trợ ở tiệm chúng tôi còn chưa đầy đủ" - anh Danh nói.
Trong khi đó, anh H.T.P., chủ cơ sở hàn tiện trên quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức), chia sẻ xuất phát điểm của anh là "tay ngang", sau để dành được chút tiền đã mở cơ sở riêng.
"Làm nghề này cực lắm, vì các que hàn khi nóng nhiệt độ lên đến gần 2.0000C nên ánh hàn văng vào người có khi cháy lủng hết quần áo. Suốt ngày phải tiếp xúc với sắt thép, mạt sắt, lửa hàn bắn vào người rất khó chịu. Cũng sợ cháy nổ lắm nhưng do cơ sở nhỏ nên không có trang bị nhiều phương tiện hỗ trợ PCCC, chủ yếu do ý thức bản thân mình khi làm thôi" - anh P. cho biết.
Chúng tôi ghi nhận tại cơ sở hàn tiện này đồ đạc vứt lộn xộn, nhiều vật dễ cháy nổ như can dầu, bình gas để cạnh chỗ hàn, tiện.
Tại Đồng Nai, sau vụ cháy ở quán Ruby, chúng tôi ghi nhận nhiều cơ sở hàn cửa sắt tại thị xã Long Khánh, huyện Trảng Bom, TP Biên Hòa... vẫn chưa đảm bảo về các điều kiện an toàn cháy nổ.
Nhiều cơ sở hàn cửa sắt, thuê mặt bằng nhỏ hẹp và do đó, khi hàn cắt vẫn có nguy cơ rình rập cháy nổ.
Ở một số gara đóng, sửa thùng xe có quy mô lớn, thợ hàn cũng không được trang bị đồ bảo hộ hoặc không đảm bảo về điều kiện an toàn cháy nổ.
Bình ga, can dầu nằm ngổn ngang trong một cơ sở hàn xì trên quốc lộ 1, Q. Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dễ cháy nổ vì dễ dãi và chủ quan
Nhiều thợ hàn nhìn nhận họ làm thợ hàn thông qua "nghề dạy nghề". Anh Dũng, một thợ hàn ở P.Hòa Bình (TP Biên Hòa), nói: "Ở quê thất nghiệp vào đây học nghề. Nghề dạy nghề rồi lên tay. Anh em có công trình nhà, cửa sắt rủ đi thì kéo nhau đi làm chứ học trường lớp gì".
Nói về hiện trạng thợ hàn hiện nay, anh Dương Đức Thịnh (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), một người từng làm việc tại Công ty đóng tàu Vinashine Nhơn Trạch, cho rằng vì thợ chủ yếu trưởng thành từ "nghề dạy nghề" nên họ không được trang bị những kiến thức cơ bản.
"Khi hàn cắt những xỉ nhỏ thường văng ra, bám vào vật liệu dễ cháy nên người thợ có trách nhiệm thường vệ sinh sạch sẽ khu vực hàn, trang bị dụng cụ phòng chống cháy. Nhưng tôi quan sát qua một số vụ cháy thấy thợ hàn nhiều nơi còn làm việc dễ dãi, đã dẫn đến chết người" - anh Thịnh tâm sự.
Anh Hoàng Danh Đô (ngụ P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai), có 8 năm kinh nghiệm về nghề hàn, nhận định: "Các vụ việc cháy nổ do hàn cắt phần lớn do người thợ chủ quan, quá trình hàn không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Nguy hiểm nhất là hàn que, độ xỉ văng rất rộng nhưng đây đó tại các công trình người thợ vẫn không có ý thức phải dọn dẹp vệ sinh khu vực hàn, ngăn cách vật dễ cháy. Đặc biệt ở các công trình nhỏ, nhà dân thì thợ hàn thường rất chủ quan trong phòng cháy...".
Ngoài ra, đại diện Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM cho biết phần lớn các cơ sở hàn cắt kim loại là những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ PCCC rất hạn chế, công nhân không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về PCCC. Khi hàn cắt kim loại không có các biện pháp an toàn PCCC.
Sử dụng các thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2...) không đảm bảo an toàn. Thường trong quá trình hàn cắt không cử người trông coi, không có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt, không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết...
Đặc biệt, người trực tiếp hàn cắt kim loại thường không được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại, không biết các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ.
Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi, không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy khiến đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.
Nạn nhân thứ 7 trong vụ cháy ở quán Ruby đã chết
Sáng 23-12, bác sĩ Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - xác nhận nạn nhân Nguyễn Văn Dũng là thợ hàn trong vụ cháy ở quán Ruby tại thị xã Long Khánh đã chết.
Trước đó, nạn nhân được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Long Khánh trong tình trạng nguy kịch, phải thở bằng máy, điều trị bằng thuốc huyết áp.
Như vậy, đến nay trong vụ cháy quán nhậu Ruby đã có tổng cộng 7 người bị thiệt mạng, trong đó có 6 người là nhóm thợ hàn và chủ quán.
Cháy do hàn xì gây hậu quả nghiêm trọng
- Ngày 1-11-2016, vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke địa chỉ số 68 phố Trần Thái Tông, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội, khiến 13 người tử vong được xác định nguyên nhân do hàn xì.
- Ngày 29-7-2017, tại xưởng sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội xảy ra vụ cháy khiến 8 người tử vong, 2 người bị phỏng nặng. Bước đầu xác định do hàn xì làm bắn tia lửa gây cháy.
- Ngày 26-3-2018, cơ sở chế biến gỗ ở Q.12, TP.HCM bất ngờ phát hỏa bốc cháy ngùn ngụt. Nguyên nhân ban đầu được cho là do thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào các vật liệu dễ cháy.
- Ngày 20-12-2018, thùng phuy chứa dầu phát nổ trong lúc đang xì hàn và bốc cháy khiến 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu ở Tiền Giang. Nạn nhân nhập viện cấp cứu được xác định là anh Nguyễn Văn Mười Hai (39 tuổi, ngụ xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang), cùng hai người khác chưa rõ danh tính bị thương nhẹ.
LÊ PHAN tổng hợp
Thạc sĩ Trần Viết Phú (phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, TP.HCM):
Cần có quy định nghiêm ngặt với thợ hàn
Để tránh những vấn đề đáng tiếc về cháy nổ liên quan đến thợ hàn, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, truyền thông cho thợ hàn, đặc biệt là chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động thấy được sự nguy hiểm trong việc không đảm bảo an toàn cháy nổ do thợ hàn gây ra. Việc truyền thông phải thiết thực, có sự chung tay của toàn xã hội, kể cả phía chủ đầu tư.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định bắt buộc những nhóm ngành nghề nguy hiểm, đặc thù như nghề hàn phải có "chứng chỉ kỹ năng nghề", có chứng chỉ an toàn lao động mới được hành nghề. Phải có chứng chỉ này mới được đi làm. Nếu chủ sử dụng lao động không đảm bảo các điều kiện tuân thủ an toàn cho người lao động sẽ bị chế tài nặng, thậm chí rút giấy phép.
Thứ ba, vấn đề đào tạo nghề hàn trong các nhà trường cũng phải được giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn lao động, tuân thủ quy trình.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý, giám sát, thi công phải đồng bộ với nhau, kiểm tra giám sát khách quan, trách nhiệm đảm bảo đủ các điều kiện an toàn và các điều kiện để xử lý sự cố mới được thi công, mạnh tay kiên quyết xử lý nếu không tuân thủ đúng quy trình và điều kiện an toàn bởi tính mạng con người là quan trọng hơn cả.
HÀ BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận