08/01/2014 07:40 GMT+7

Có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 7-1, giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về công tác phòng chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng “xin khẳng định có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ”.

Yj5h3xtM.jpgPhóng to
Đường ngoại (Thái Lan) được dân buôn tập kết sát biên giới phía Campuchia để tuồn vào VN - Ảnh: Đức Vịnh

Ngang nhiên buôn lậu

Mở đầu cuộc điều trần, ông Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật - nêu ví dụ: “Vụ bắt buôn lậu 2.600m3 dầu DO của Công ty Hoàng Sơn ở Thanh Hóa vừa rồi nói lên rất nhiều điều. Thứ nhất, tàu buôn lậu chính là tàu trước đó đã bị bắt về buôn lậu, sau khi xử lý rồi cho thanh lý và chính doanh nghiệp đó mua được để tiếp tục buôn lậu dầu và vừa rồi lại bị bắt.

Một tàu không được đăng kiểm vì trước kia được mua về làm sắt vụn mà vẫn ngang nhiên hoạt động trước các cơ quan chức năng và là phương tiện để buôn lậu. Thứ hai, một tàu không có đăng kiểm, tàu to hoạt động buôn lậu trên biển mà cả biên phòng lẫn cảnh sát biển đóng tại đó không biết, chỉ đến khi Tổng cục An ninh và Cục Điều tra chống buôn lậu theo dõi, đi tàu cá của ngư dân ra bắt quả tang rồi thông báo cho lực lượng ở địa phương biết”.

Đáp lời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Đánh giá về hiện tượng tiêu cực trong các lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, ngăn chặn hàng giả thì có một điều chúng tôi xin báo cáo chắc chắn là không thể không có tiêu cực, đó là điều khẳng định. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực theo tình hình chúng tôi nắm được, trước hết trong lực lượng quản lý thị trường chỉ là số ít. Nếu số cán bộ, công chức tiêu cực nhiều thì chắc chắn không đạt được kết quả đấu tranh chống buôn lậu như vừa qua”.

Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục: “Nếu chỉ bắt, rượt đuổi những người làm thuê và đổ tội cho họ thì chỉ giải quyết vấn đề ở ngọn. Vấn đề là bắt những đầu nậu, những người thu mua và tiêu thụ. Tôi nói thẳng rằng nếu những người này đi qua biên giới mà mang vũ khí thì tôi chắc chắn rằng những kẻ cầm đầu sẽ bị bắt trong 24 tiếng đồng hồ. Tôi hỏi thẳng là những kẻ đầu nậu kia có tiêu cực với cơ quan chức năng không?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đúng là muốn nâng cao hiệu quả của mặt trận này thì phải đánh vào các đầu nậu, các đường dây, tổ chức có quy mô. Tuy nhiên, mức độ phát hiện hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Xử lý những người dân nghèo làm thuê, vận chuyển hàng hóa qua biên giới không phải là xử lý tận gốc”.

Đề nghị tăng thêm 1.000 người

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một trong những nguyên nhân khiến công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu chưa đạt hiệu quả như hiện nay là lực lượng chức năng mỏng. “Cả nước có 5.200 cán bộ quản lý thị trường. Nhưng thưa các đại biểu là với tình hình phức tạp như hiện nay mà bình quân mỗi tỉnh thành không có 100 người làm công tác quản lý thị trường thì đây là con số rất mỏng so với yêu cầu. Chúng tôi không dám đề nghị tăng nhiều, trước mắt đề nghị tăng thêm 1.000 người cho các địa bàn trọng điểm. Chúng tôi đã làm đề án trình Chính phủ, đề nghị bổ sung lực lượng và phương tiện”.

Theo trung tướng Nguyễn Tiến Lực - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, về mặt pháp lý đúng là chế tài chưa đủ sức răn đe. “Quy định bắt hàng nhập lậu chỉ phạt từ 300.000-10 triệu đồng, bây giờ người ta buôn lậu hàng chục tỉ mà phạt như vậy thì không đủ sức răn đe. Còn xử lý hình sự thì luật chúng ta quy định phải chứng minh hàng hóa đó có qua biên giới. Nhưng trên thực tế mình bắt được ở đất liền thì chúng cứ khai là hàng mua gom ở biên giới. Trong tháng vừa rồi lực lượng công an bắt được 13 vụ xe chở trên đường, nhưng chúng cứ khai là mua gom ở biên giới. Tôi đề nghị phải sửa lại quy định là hàng không rõ nguồn gốc, không chứng minh được là có quyền bắt, truy tố chứ không cần chứng minh là có qua biên giới” - trung tướng Lực nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên