![]() |
Ông Antoine Bourbon, tổng giám đốc Gras Savoye VN, đang trao đổi công việc với Trần Thị Minh Tuyết - Ảnh: K.Liên |
Bảy tuổi, cô bé vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt người thân, đôi mắt bị múc bỏ và cụt 1/3 cánh tay trái... Còn bây giờ, Tuyết mặc bộ đầm công sở màu vàng nhạt, ngồi trên chiếc ghế bành cao quá đầu trong một văn phòng của cao ốc 33 tầng ở trung tâm TP.HCM.
Ký ức khủng khiếp
Năm ấy, cô con gái đầu lòng của anh bộ đội bệnh binh và cô cựu thanh niên xung phong ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt chỉ mới lên 7 tuổi. Gương mặt xinh xắn ưa nhìn, lại siêng học, siêng làm nên cô bé là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Nhà nghèo, trong nhà chỉ có duy nhất một chiếc bàn vừa là bàn ăn, bàn học, bàn tiếp khách...
Thương con gái, người cha hứa sẽ tìm cho con một chiếc bàn học. Sau một thời gian tìm kiếm, ông xin được một chiếc bàn sắt của quân đội chế độ cũ. Bàn tay nhỏ xíu của cô phát hiện một vật nhỏ màu vàng kẹt trong một hốc bàn.
Mân mê vật nhỏ, cô tiện tay lau chùi mà không biết mình đang cầm trong tay cái kíp nổ. Một tiếng nổ lớn vang lên. Bảy tuổi, cô bé vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt người thân, đôi mắt bị múc bỏ và cụt 1/3 cánh tay trái.
Đó là những ngày cô sống trong sự khủng hoảng tột cùng. Kể lại, cô vẫn còn bàng hoàng: “Trong bóng đêm lúc nào tôi cũng thấy có người đuổi bắt rồi bắn mình. Có lúc lại nhìn thấy những hình hài máu me, lũ ma quỉ chờn vờn trước mặt chực chờ lao vào cấu xé. Những cơn ác mộng thường xuyên khiến tôi hoảng loạn, la hét”.
Chín tuổi, Tuyết được ba mẹ đưa vào Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Cô bé chỉ cao 115cm, nặng 19kg nhỏ xíu ốm nhách như đứa trẻ 5 tuổi rời vòng tay bảo bọc của cha mẹ bắt đầu học cách sống tự lập.
Theo thời gian, ký ức tuổi thơ khủng khiếp cũng mờ dần, Tuyết trở lại là một cô học trò giỏi suốt chín năm. Tuyết vào lớp 10, cũng là lúc Trường Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu đưa HS THPT đi học hội nhập với học sinh sáng mắt tại Trường THPT bán công Nguyễn An Ninh.
Môi trường mới với nhiều bạn bè sáng mắt đã mở ra cho cô gái khiếm thị những khát vọng lớn hơn. Từ một học sinh luôn đứng đầu ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, Tuyết phải “chạy” cho kịp các bạn trong lớp mới. Tuyết tự nhủ “mình có thể làm được” và Tuyết đã làm được. Hai năm lớp 11, 12 Tuyết đều là HS giỏi nhất khối và dễ dàng vượt qua kỳ thi tú tài.
Tuy nhiên cánh cửa đại học cho tới thời điểm đó vẫn chưa mở rộng cho HS khiếm thị (năm 1999, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có qui chế buộc các trường đại học nhận HS khiếm thị nên nhiều trường sợ cực không nhận HS khiếm thị, HS khiếm thị chỉ được học dự thính cao đẳng và không được cấp bằng tốt nghiệp).
Thầy Tâm - hiệu phó Trường Nguyễn Đình Chiểu và cô Kim - hiệu phó Trường Nguyễn An Ninh bấy giờ phải dẫn Tuyết và Long - một bạn học khiếm thị của Tuyết - qua Trường ĐH Sư phạm và ĐH KHXH&NV TP.HCM năn nỉ xin cho thi. Cô học trò khiếm thị Trần Thị Minh Tuyết đậu cùng một lúc vào khoa Anh của cả hai trường.
Trò chuyện với tôi, Tuyết đề nghị: “Hãy nhìn tôi như một người bình thường. Tôi sợ báo chí than nghèo kể khổ giùm tôi biến tôi thành một người tội nghiệp. Ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng để vượt qua; có những nỗi đau người ta thấy được nên thương cảm, nhưng có những nỗi đau trong lòng không ai thấy được.Tôi cũng vậy thôi! Hãy nhìn tôi như một người bình thường, cho tôi có cơ hội như những người bình thường khác để tôi được làm việc, được cống hiến...”. |
Bước chân vào Trường đại học KHXH&NV, ngay những ngày đầu Tuyết đã vấp phải thành kiến của một giáo viên. Ông nói thẳng trước lớp: “Vào đây toàn là những HS ưu tú. Em vào được là may mắn lắm rồi nhưng em học không nổi đâu, chuyển sang khoa sử địa đi tôi giúp cho”.
Cô tự tin trả lời: “Nếu em đã chọn học khoa này thì em sẽ học tới nơi tới chốn. Nếu dễ dàng chuyển qua khoa khác, em không còn là em nữa”, và cô học cật lực để chứng minh. Năm thứ nhất làm quen môi trường đại học nhưng cô đã dễ dàng vượt qua tất cả các môn với số điểm kha khá.
Qua năm thứ hai, Tuyết lọt vào trong tốp 10% SV nhận học bổng. Ngày 20-11 năm đó là một trong những ngày đáng nhớ của Tuyết, sau một tiết mục biểu diễn văn nghệ trước toàn khoa, cô được chính thầy ấy lên tặng hoa với những lời nhìn nhận: “Em giỏi lắm! Thầy đã có cái nhìn sai về em. Em hãy tiếp tục cố gắng như vậy”.
Tốt nghiệp đại học, cô bắt đầu những ngày tìm việc làm. Dù dự kiến trước những khó khăn, dù tự cho mình là “lì” nhưng cô vẫn có lúc sốc khi đứng trước lời từ chối khiếm nhã của giám đốc một công ty nhà nước: “Tôi không ngại nhận người khuyết tật như bại liệt chẳng hạn, bởi người bại liệt họ chỉ ngồi một chỗ làm việc không chạy lung tung càng tốt. Còn nhận cô, tôi không biết bố trí làm gì!”.
Qua 5, 6 công ty mà chỉ dám đến những công ty nhỏ, cô đều nhận được những lời từ chối ngay lập tức. Cô buồn bã: “Họ không để mình có cơ hội thử sức, dù chỉ một lần”. Dịp may đến, cô được người quen cho biết có một công ty của Pháp đang cần chân trực tổng đài mà người tổng giám đốc không ngại nhân viên có khuyết tật.
Đó là Công ty môi giới bảo hiểm Gras Savoye (Pháp). Ông tổng giám đốc Gras Savoye VN cũng là người Pháp chỉ khoảng 30 tuổi đã cẩn thận phỏng vấn Tuyết đến ba lần. Chỉ với một cơ hội được phỏng vấn đó mà cô đã thành công.
Từ việc trực tổng đài, mấy tháng sau cô được giao thêm việc nhận, gửi email... của khách hàng; tư vấn về bảo hiểm du lịch, liên lạc với đối tác là các công ty du lịch... Một tai đeo headphone, cô thoăn thoắt gõ phím vi tính bằng một tay. Điện thoại reo, cô ngừng gõ, nhấc điện thoại áp vào tai còn lại và giữ nó bằng cánh tay đã mất 1/3...
Rước người đi sau
Những năm học đại học, Tuyết nhận được học bổng khuyến tài của Hội Khuyến học thành phố và nhiều học bổng khác. Đến khi ra trường có việc làm, bắt đầu có thu nhập cô đã nghĩ ngay tới việc trả cái ơn được cưu mang.
Cô đề nghị các bạn nhận học bổng đã ra trường mỗi năm chỉ cần đóng góp 100.000 đồng là cả nhóm có thể đứng ra cưu mang được một bạn khác học đại học. Riêng mình, cô nhận tài trợ học phí cho một học sinh của Trường THPT bán công Nguyễn An Ninh, từ lớp 10 cho đến khi em học hết đại học.
Không chỉ góp học bổng, cô nhận cả trách nhiệm thăm nom hai bà cháu để động viên cậu HS cố gắng học. Học bổng “Người đi trước rước người đi sau” do cô khởi xướng đến nay đã có nhiều bạn tham gia, thêm nhiều HS, SV được cưu mang. Rồi cô lại lần hồi đi tìm việc cho lớp đàn em cùng hoàn cảnh như mình ở Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Cô thuyết phục một công ty bạn tuyển các em vào công việc phân loại cà phê bằng lập luận: “Ở người mù các giác quan còn lại rất nhạy. Hơn nữa họ sẽ không bị chi phối khi nhìn hình thức bên ngoài nên có thể phân loại chính xác bằng cách ngửi”, và họ đã phá lệ tuyển một số em khiếm thị vào học nghề.
Những ngày cuối tuần, bạn bè lại thấy cô đến với những số phận bất hạnh được báo chí nêu. “Cái chính để đem đến cho họ tấm lòng, để họ thấy ấm áp khi được chia sẻ, thêm động lực để họ vượt qua khó khăn” - cô nói. Những lúc ấy cô dường như sống trong thế giới cổ tích của tuổi thơ, nơi cô muốn được làm bà tiên nhân hậu đem điều tốt lành đến cho người bất hạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận