Có một dược sĩ người lúc nào cũng thoang thoảng mùi dầu tràm, đi nước ngoài với bàn tay, bàn chân nứt nẻ sình lầy... Cả tuổi trẻ và cuộc đời ông đã dốc sức cho “quyền được lao động” để biến vùng đất hoang thành nơi trù phú, biến những bần cố nông thành những con người biết vươn lên giàu có và làm chủ mảnh đất với cuộc đời. Ông là một sự hiến thân đầy khát vọng cho đất và người xứ đồng bưng... Dân mến thương, gọi người anh hùng của họ bằng biệt danh “anh Ba Bé”.
![]() |
Thời kỳ đầu gian khổ của Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa, nơi Ba Bé được cử về phụ trách-Ảnh tư liệu |
Trở lại bưng biền
Nhìn dòng kênh đào đang lé đé con nước lên trong chiều nhạt, anh Ba Bé, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, trầm giọng tâm sự: “Hôm nhận danh hiệu Anh hùng lao động, có người hỏi sao tui cứ ở mãi rừng tràm này. Tui chỉ nói mấy ông muốn hiểu thì phải đùm khăn gói về bưng với tui ít hôm”.
Thật ra đời Ba Bé đã sống chết với bưng biền từ nhỏ. Lúc còn ở đợ tại quê nhà Bến Tre, anh đã lầm lũi chăn trâu trong bưng. Lớn lên, anh lại bước vô bưng kháng chiến. Vừa đánh nhau, vừa học rồi làm quân y, anh dính ba vết thương trên người, trong đó có một mảnh lựu đạn như hạt lúa găm vào đầu anh. Rồi sau cơn nhức đầu, nó tự rớt ra ở hốc mắt như một chuyện kỳ lạ của chiến tranh.
Hòa bình, nghe nguyện vọng của Ba Bé được học tiếp ngành y, bác sĩ Bùi Sĩ Hùng, người thầy của anh trong chiến khu, khuyên: “Ai cũng thích mặc blouse trắng, đeo ống nghe cho oai thì lấy đâu ra thuốc chữa bệnh”. Ba Bé siết chặt tay thầy! Ngay sáng hôm sau, anh viết hồ sơ thi vào khoa dược của Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Anh ra trường, được giữ lại giảng dạy bộ môn thực hành công nghiệp dược. Chưa quen mặt sinh viên, anh lại xin ra đi làm. Trường tiếc giữ lại. Anh trả lời thật thà: “Đời tui quen lội sình rồi. Dạy học không hợp”. Về một công ty dược trung ương, anh Bé lại được tin tưởng đề bạt phó giám đốc. Nhưng ngồi chưa ấm ghế anh lại quyết định đi tiếp. Thủ trưởng hỏi: “Sao kỳ vậy? Bộ ông chê ghế của tui nhỏ hả?”. Anh thiệt bụng: “Tính tui mê mần hơn mê ngồi. Đi đâu cũng được bổ nhiệm ghế này nọ sao tui chịu nổi”.
Giữ không được, công ty cho anh chọn một trong ba nông trường dược liệu ở Buôn Ma Thuột, Long Thành, Đà Lạt. Nhưng khi anh nộp đơn, họ lại té ngửa thấy anh chọn đồng bưng heo hút, hoang vu miệt Mộc Hóa, Long An. Tất cả bắt đầu từ số không. Một lãnh đạo thương anh nói riêng: “Bưng biền xứ Đồng Tháp Mười này rậm rịt. Rắn rết, muỗi mòng nhiều như trấu. Cha nội đòi xuống đó làm gì? Sao không về nông trường đã gầy dựng ổn cơ sở rồi để có điều kiện làm việc tốt hơn?”. Anh chân chất: “Không có gì thì tui mới xin đi mần. Chứ có gì rồi thì tui nhường cho anh em khác”. Và hạnh phúc là bận đó cũng có mấy người bạn quyết theo Ba Bé.
“Tắm lửa, ngủ nước”
Mùa khô năm 1984, Ba Bé đặt chân đến Mộc Hóa. Họ mới lội bưng nửa buổi đã khát cháy cổ vì nước phèn lợ không thể uống được. Có người thấy nước nôi căng thẳng quá, ý thoái lui. Ba Bé trấn an rồi bày kinh nghiệm bộ đội trong bưng là trải tấm nilông lên võng để anh em ra sông Vàm Cỏ gánh nước về sử dụng.
Nhớ thời kỳ đầu thiếu nước, phó giám đốc Nguyễn Thị Kim Mai vẫn ám ảnh: “Bận mới xuống tui nghe anh Ba Bé nói “tắm lửa” cứ tưởng ổng ghẹo. Ai dè chập tối thấy anh em sáp vô đống lửa để đổ mồ hôi và lấy khăn lau qua người, tui mới té ngửa. Cực gì mà cực quá xá trời!”.
Sau “tắm lửa” vì thiếu nước ngọt mùa khô, họ còn phải “ngủ nước” chống muỗi trong mùa lũ. Hồi đó muỗi miệt Đồng Tháp Mười như rê trấu. Chiều tối, anh em chỉ cần lắc đầu là muỗi bay ra từ tóc như bụi trấu. Cách chống muỗi tạm tốt nhất là bắt chước trâu đầm mình xuống nước, rồi lấy khăn rằn phủ mặt ngủ. Chính Ba Bé cũng nhiều đêm mệt, ngủ quên luôn dưới nước. Sáng ra người tê bợt vì lạnh. Ai chưa thấu kiểu ngủ trâu đầm này thường đổ sốt li bì.
Ban đầu Ba Bé phải mượn tạm nhà cột trâu của dân để ở tạm, rồi mới chặt tràm và cắt lá bàng dựng lán trại. Sau đó, thanh niên xung phong được điều xuống, rồi thêm cả số tội phạm ở các trại... Anh hay nói một câu “trái khoáy” vào thời điểm đó: “Tui không cần biết lý lịch anh em thế nào. Tui chỉ quan tâm anh em mần ra sao. Ở đây lao động là số một. Mọi người sẽ được hưởng thành quả lao động xứng đáng với những gì mình bỏ ra...”. Là giám đốc lại mang ba vết thương, nhưng việc gì anh cũng xắn tay vô làm. Bạn bè khuyên Ba Bé giữ sức. Anh quạt ngay: “Ở đồng bưng chó chạy rớt lưỡi này mà ngồi mát chỉ tay năm ngón thì ai nể. Cứ trừ thẳng lương tui hôm nào không làm”.
Những người lao động nhiệt tình, Ba Bé bảo đảm chế độ ăn uống và lương bổng giống nhau, kể cả tội phạm. Một lãnh đạo xuống theo dõi tình hình cau mặt: “Anh sai nguyên tắc rồi. Tại sao lại cho tội phạm được tiêu chuẩn ăn uống giống các anh em khác? Còn bày đặt trả lương nữa. Muốn tụi nó có tiền rồi bỏ trốn sao?”. Ba Bé bình tĩnh nói rõ từng câu: “Ông ăn, tui cũng cần ăn. Đây là xí nghiệp chứ đâu phải trại giam. Mọi người đều cần ăn mới có sức mần. Còn sợ tội phạm có tiền bỏ trốn thì tui tạm giữ giùm lương của họ. Khi nào họ được về, tui trả không thiếu một đồng”.
Thời kỳ đầu Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười mang tên Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa, sản xuất tinh dầu tràm xuất khẩu. Ngoài hơn 100 lò dầu của xí nghiệp, nhiều nông dân các huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Bến Lức, tỉnh Long An... cũng ùn ùn bơi xuồng qua bán dầu tràm cho Ba Bé. Kiếm được bao nhiêu tiền Ba Bé ưu tiên lo đời sống cho những người nhiệt tình lao động. Nhiều người đùm bọc cả vợ con sang đây lập nghiệp. Ba Bé hay tâm sự với họ: “Ai bước chân vô xí nghiệp này đều là ông chủ. Tui cần người dám nghĩ mình là chủ chứ không cần kẻ tự coi mình làm công”.
____________________________
Công trình lớn nhất mà Ba Bé và đồng sự đã đổ mồ hôi thực hiện ở đây là 140km kênh đào. Từ việc đòi chém “thằng cha xứ khác” dám làm động thổ thần, ma quỷ xứ này, dân địa phương đã chịu ơn và tự đặt tên “kênh ông Ba Bé”...
Kỳ tới: Kênh Ba Bé
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận