10/12/2017 14:54 GMT+7

Cổ tích của chàng trai mù

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Cuộc đời mỗi người thường có nhiều chữ “nếu”. Nhưng mấy ai nghĩ tới chuyện “nếu bỗng dưng một ngày bị ông trời cướp đi đôi mắt”.

Cổ tích của chàng trai mù - Ảnh 1.

Ảnh cưới của vợ chồng Hữu Cảnh - Tố Nga - Ảnh: NVCC

Có lẽ khi tai họa xảy đến vào năm lớp 4, cậu học trò Huỳnh Hữu Cảnh cũng chưa từng một lần nghĩ tới chữ "nếu" này.

Tuổi thơ bất hạnh

Năm 1993, nhà Cảnh còn ở kênh 7, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Một buổi được nghỉ học sau kỳ thi cuối học kỳ I, Cảnh theo mọi người đi đào đất ở gần nhà, chẳng may đào trúng quả đạn. 

May mắn thoát chết, nhưng tai nạn đã cướp đi đôi mắt Cảnh, cướp đi bốn năm học sau đó vì Cảnh không thể đến trường.

Nhà có sáu anh chị em nhưng mỗi người mỗi việc, phần lớn thời gian trong ngày chú bé Cảnh chỉ biết làm bạn với chiếc radio. Những năm đó ở Kiên Giang chưa có trường dành cho học sinh khiếm thị nên dù rất muốn đi học, Cảnh chỉ biết tủi thân khóc mỗi khi nghe tiếng trống trường và đám bạn bè ríu rít qua nhà.

Phải bốn năm sau, năm 1997, qua đài phát thanh, Cảnh mới tìm được cơ hội đi học khi biết Trường Trẻ em khuyết tật ở TP Long Xuyên (An Giang) tuyển sinh, rồi bằng mọi cách thuyết phục cha mẹ cho đi học.

Vào học ở Long Xuyên, Cảnh bắt đầu lại từ chương trình lớp 1 và làm quen với tất cả những gì sẽ đi cùng hết cuộc đời người khiếm thị. 

Cảnh được học chữ nổi Braille, học định hướng di chuyển, cách tự lo những sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Lớp học ở trường chuyên biệt không đông, chừng 5-6 bạn, lại cùng cảnh ngộ, thật dễ để thương nhau.

Năm tháng qua đi, từ ngôi trường trẻ em khuyết tật ở Long Xuyên, Cảnh tiếp tục lên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu học và có thêm ba năm học giáo dục hòa nhập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An ở TP.HCM, rồi được chuyển thẳng vào khoa giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TP.HCM niên khóa 2008-2012.

Cổ tích của chàng trai mù - Ảnh 2.

Bà Karen Lanyon, tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, trao chứng chỉ học bổng cho tân học viên Huỳnh Hữu Cảnh - Ảnh: Đại sứ quán Úc

Bị từ chối phũ phàng

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ cùng một loạt thành tích tốt khác trong nghiên cứu khoa học cũng như công tác đoàn thể, Cảnh tự tin cầm hồ sơ đi xin việc. Nhưng "đời không như là mơ" như lời một bài hát. 

Đọc hồ sơ anh nộp, những người tiếp nhận đều bày tỏ lòng cảm phục nghị lực và ý chí của anh, nhưng rồi họ không thể vượt qua rào cản cuối cùng là không tin anh có thể làm tốt công việc vì là người khiếm thị. 

Lần nọ nối lần kia, câu trả lời anh thường nhận được sẽ là "hiện giờ chỗ này chưa tuyển nhân sự, em có thể đợi năm sau".

Cú "vỡ mộng đầu đời" khiến Cảnh chao đảo, muốn bỏ cuộc. Nhất là khi anh biết một số bạn bè cùng lứa với bảng thành tích học tập ngang ngửa nhưng vì mắt sáng đã may mắn có được công ăn việc làm ổn định, còn anh vẫn bơ vơ.

Trở về quê, loay hoay thất nghiệp mất nửa năm, tính tới tính lui đủ cách, Cảnh quyết định đi đánh đàn organ tại các đám cưới, đám giỗ để kiếm tiền sinh sống. Đành vậy, chẳng lẽ tốn cơm tốn gạo suốt mấy năm đại học mà giờ lại hành nghề massage như bao bạn bè khiếm thị không có cơ hội học hành khác sao?

Cũng may Cảnh chỉ "mới kịp" kiếm tiền vài ba bận đánh đàn thì tới năm 2013, nhờ người quen giới thiệu, anh được về giảng dạy tại một trường tư thục ở Bình Dương của một chị hiệu trưởng cũng là người khiếm thị, rồi tới đầu năm 2014 anh được về quê, công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.

Song hỉ lâm môn

Nếu 30 năm trước cậu bé Cảnh chưa bao giờ biết mình bị mù, thì 30 năm sau anh thanh niên 32 tuổi này vẫn không thể ngờ có một ngày anh giành được học bổng du học nước ngoài. Đó là khi anh tìm thấy chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ Úc cuối năm 2015. 

Ngày 1-12, cùng với 51 ứng viên xuất sắc khác trong nước, Cảnh chính thức trở thành tân học viên chương trình đào tạo thạc sĩ hai năm ngành công tác xã hội tại Đại học Flinders của Úc.

Một điều thú vị nữa là chỉ hai ngày sau đó, ngày 3-12, cũng là ngày Cảnh làm đám cưới. Cô dâu Tố Nga là cán bộ Đoàn năng động và... sáng mắt. 

Họ gặp nhau trong một buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ cho trẻ em khuyết tật mà như chia sẻ của Nga: "Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, chúng em đã có những điểm tương đồng về các hoạt động công tác xã hội, anh luôn ủng hộ em và luôn bên em trong những chuyến thiện nguyện".

Cảm phục tinh thần và ý chí của Cảnh, Nga đã thuyết phục được bố mẹ tin rằng với tình yêu và quyết tâm, hai vợ chồng sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn về thể chất của Cảnh để có thể xây dựng tổ ấm gia đình. 

Sắp tới đây, theo chương trình học bổng, Nga sẽ lại khăn gói theo chồng sang Úc để chăm sóc, hỗ trợ Cảnh trong cuộc sống cũng như học tập.

Không biết có bao nhiêu người rưng rưng cảm động khi nhìn cảnh chú rể Hữu Cảnh được một người thân dắt đi giữa quan khách hai họ trong đám cưới, hát tặng mọi người và cũng là để dành tặng người bạn đời trong ngày quan trọng nhất của họ: "Anh sẽ vì em làm thơ tình ái / Anh sẽ gom mây kết thành lâu đài / Đợi chờ một đêm trăng nào tới / Đợi chiều vàng hôn lên làn tóc / Đợi một lần không gian đổi mới / Đón hai đứa chúng ta mà thôi...".

"Không gian" đã sắp đổi mới rồi và Cảnh đang ấp ủ rất nhiều dự định cho ngày trở về. Ngoài công việc tiếp tục tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, Cảnh mong muốn có thể lập được phòng tham vấn tâm lý cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật.

Từ đó, Cảnh hi vọng có thể xây dựng được trung tâm tư duy sống tích cực cho người khuyết tật và những người gặp các vướng mắc tâm lý khác. Ngoài ra, Cảnh cũng muốn tổ chức những lớp học tiếng Anh cho người khuyết tật, vì anh hiểu rõ những cơ hội đem lại từ công cụ ngôn ngữ này.

Chiếc gậy gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị

trai mu

Cảnh làm việc với máy tính trong căn phòng của anh - Ảnh: NVCC

Hiểu rõ những nguy cơ va chạm trên đường với người khiếm thị, nhất là lúc trời tối, Cảnh luôn ấp ủ làm một cây gậy hỗ trợ các tín hiệu cảnh báo tốt hơn giúp những người xung quanh phát hiện và tránh đụng phải người khiếm thị khi đi lại trên đường.

Từ ý tưởng này, anh thành lập nhóm nghiên cứu mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh, với sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh. Với đề tài này, nhóm nghiên cứu của Cảnh nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo.

Năm 2011, đề tài "Gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị" đoạt giải nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu cấp khoa và sau đó là cấp trường. Công trình này cũng mang về cho Cảnh giải nhất cuộc thi Eureka của Thành đoàn TP.HCM, giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam lần 1 do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.

Điều mà tới giờ Cảnh vẫn rất nuối tiếc là đề tài nghiên cứu đó chưa được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế, dẫu rằng đó là kỷ niệm tuyệt vời suốt quãng đời sinh viên của anh.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên