Bệnh gout. Ảnh minh họa. Nguồn: slideplayer.com
Bệnh gout là một bệnh lý viêm khớp do rối loạn chuyển hóa các purines (quá trình chuyển hóa các acid nhân của mọi tế bào), một bệnh lý quan trọng nhất trong nhóm các bệnh khớp do tinh thể (Crystal Arthropathies) đưa đến tình trạng tăng acid uric trong máu. Acid uric là một sản phẩm chuyển hóa cuối của chuyển hóa các purines.
Bình thường, để mức acid uric cân bằng và ổn định, hàng ngày acid uric được thải ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu, một phần qua phân. Tình trạng tăng acid uric có thể do tăng sản xuất acid uric trong cơ thể hoặc giảm bài xuất acid uric ra ngoài cơ thể hoặc do cả hai quá trình vừa tăng sản xuất, vừa giảm thải acid uric. Và hậu quả của quá trình trên là sự lắng đọng các tinh thể muối urate ở các mô trong cơ thể. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng lên, dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da và các mô ngoài khớp gây bệnh gout.
Thường thì cơn viêm khớp gout có thể bị đẩy lui bằng thuốc và nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được sự tái phát của bệnh. Do đó, bệnh gout có thể phòng ngừa được và việc duy trì nồng độ acid uric ổn định ở mức bình thường (< 6mg% với mọi bệnh nhân và < 5mg% với bệnh nhân có tophi) là cách kiểm soát bệnh gout hiệu quả nhất.
Để phòng tránh bệnh gout, bệnh nhân cần chú ý những việc sau:
Tuân thủ điều trị của bác sĩ
- Chế độ thuốc:
Sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau.
Sử dụng các thuốc làm hạ acid uric theo chỉ định của thầy thuốc.
- Chế độ ăn:
Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu purines: Thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật và một số thực phẩm thực vật như nấm, măng… có hàm lượng purines tương đối cao.
Tăng cường thực phẩm chứa ít purines: Đó là những loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại hạt, rau nhiều chất xơ, chúng có tác dụng giảm nồng độ acid uric trong máu.
Hạn chế sử dụng rượu, bia, chất kích thích: Uống nhiều rượu bia làm giảm bài tiết acid uric. Một nghiên cứu gần đây cho thấy người uống hơn 1 lít bia mỗi ngày có nguy cơ bệnh gout cao gấp 2,5 lần so với người không uống.
Bổ sung đủ nước, ăn nhiều rau xanh: Cần tăng cường nước uống, đặc biệt nước có chứa bicarbonate, sẽ làm kiềm hóa nước tiểu, giúp cho việc thải bỏ acid uric khỏi cơ thể tốt hơn.
Các biện pháp khác:
- Điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý, tập luyện các bài tập rèn sức bền có tác dụng tăng cường sức khỏe chung, giảm cân và điều hòa các quá trình trao đổi chất.
- Phát hiện và kiểm soát các bệnh kèm theo: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận