![]() |
Bà Nguyễn Thị Oanh - Ảnh tư liệu |
Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh qua đời
Mới tháng trước cô còn tổ chức tập huấn “Sống tích cực cho người có H”, còn trao đổi với các sinh viên, tình nguyện viên quốc tế về “Các vấn đề xã hội ở Việt Nam”.
Mới đầu tháng này cô còn cùng với phòng xã hội lực lượng thanh niên xung phong làm việc để xây dựng chương trình giáo dục sau cai nghiện cho học viên. Mới tuần trước đây thôi, khi cơn đau đã quặn ruột, khi nhịp thở đã mệt lắm, cô vẫn còn vặn chiếc ghế xoay cao lên để cố viết nốt những câu tư vấn cho mục tâm lý học đường của báo Phụ Nữ TP.HCM. Học trò ngăn cản, nói nghỉ tư vấn một tuần cũng không sao, nhưng cô bảo: “Các em nó gửi thắc mắc nhờ tư vấn tức là nó trông chờ dữ lắm”.
Và mọi người vừa rơm rớm nước mắt vừa bật cười khi kể chuyện cô la mắng học trò “cô có phải trẻ con đâu mà cứ phải săn sóc”, cằn nhằn bác sĩ “sao quan trọng hóa vấn đề, sao bắt xét nghiệm, chụp phim lắm thế”, cau mày phản ứng với cô y tá hỏi hơi lớn tiếng vì sợ cô lảng tai. 79 tuổi, trong cô vẫn không hề có nỗi lo sức khỏe mà luôn thường trực nhiệt huyết giáo dục xã hội, thay đổi hành vi.
“Công việc thì cứ nối nhau mà làm” - cô Oanh đã bình thản dặn dò khi linh cảm mình bệnh nặng, ngắn gọn và chính xác, thấm thía. “Nối nhau mà làm” nên trong lúc sốt ruột đợi tin cô, chị Ngọc, chị Nên bàn cách tiếp tục duy trì và phát triển hội quán Đến với nhau, chị Nhiễu nhắc “mới hứa với cô sẽ cố gắng mở rộng mạng lưới tham vấn AIDS”, cô Xuyến đề xuất thành lập một tủ sách riêng, một học bổng riêng mang tên Nguyễn Thị Oanh cho sinh viên, nhân viên hoạt động xã hội...
Và thật lạ, mọi người bàn việc tập hợp sách báo, bài viết, tư liệu hình ảnh của cô Oanh cho hội quán mà cứ nơm nớp sợ cô la. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ nhiệm hội quán Đến với nhau, kể: “Cô la dữ lắm. Cô luôn nhắc: các em biết điều gì mà nhân viên xã hội không được nghĩ đến không, chính là việc phục vụ bản thân.
Hồi hội quán mới thành lập, chị Xuyến (bạn thân của cô Oanh, cũng hoạt động xã hội như cô ở Lào) có tặng 500 USD. Mấy chị em bàn nhau đi mua một chiếc camera nhỏ để ghi lại các hoạt động của hội quán và của cô Oanh. Mua về, khoe với cô, ai ngờ chẳng được khen mà còn bị la một trận. Cô bảo: còn nhiều việc khác cần tiền hơn, sao đi mua camera để quay phim bản thân mình”. Chị Ngọc rưng rưng: “Bị cô la cũng thấy hối hận, nhưng nếu không có cái camera ấy, những hoạt động của hội quán hai năm qua không ghi lại được thì rất tiếc, nhất là từ nay không còn cô...”.
Từ nay không còn cô, hơn cả một điều đáng tiếc. Không còn những bài viết sắc sảo triết lý mà dào dạt tình người trên mặt báo, không còn những lời dạy ngắn gọn như những câu phương ngôn: Hạnh phúc - phải lựa chọn, Dạy con ý thức cộng đồng: cha mẹ phải là “người mẫu”, Quản lý thời gian là làm chủ bản thân... Không còn nữa mái tóc bạc trắng và nụ cười đôn hậu trên những tuyến xe buýt đi từ Hóc Môn đến mọi ngóc ngách của thành phố này...
Nhưng những bài học của cô vẫn còn mãi. Giúp để tự giúp, nhân viên xã hội phải ngày càng bé đi để những người được giúp đỡ ngày một lớn thêm... Những học trò của cô đã nhớ và càng thấm thía khi cô đã thanh thản ra đi chỉ sau vài ngày lâm bệnh, không vướng bận, không nuối tiếc. Chị Ngọc, chị Nên, chị Minh Thư cùng nghẹn lời: “Bên chúng tôi luôn có cái bóng thật lớn của cô. Nhưng cô luôn đẩy chúng tôi lên, thu mình lại...”.
Nay cô Oanh đã đi rồi. Những nỗi đau đáu về phát triển con người, phát triển cộng đồng mà cô đã chọn 60 năm trước khi còn là một du học sinh, còn để lại cho những người tiếp nối.
Bà Nguyễn Thị Oanh sinh ngày 25-12-1931 tại Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Tốt nghiệp cử nhân xã hội học năm 1955 tại Mỹ. Học thạc sĩ về phát triển cộng đồng tại Philippines. Trưởng phòng học vụ của Trường quốc gia Công tác xã hội Sài Gòn: 1971-1973. Sau 1975: bà tham gia Hội Trí thức yêu nước, Hội Tâm lý, có vai trò quan trọng trong việc thành lập nhóm nghiên cứu công tác xã hội, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng hiện nay. Ngoài việc giảng dạy tại các trường đại học, bà làm cố vấn cho nhiều chương trình, dự án, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Bà qua đời lúc 12g50 ngày 1-5-2009 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 9g ngày 2-5-2009 tại tư gia, số 40/10A tổ 8, ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Thánh lễ an táng tổ chức tại tư gia lúc 8g sáng thứ ba, ngày 5-5-2009. Lễ truy điệu lúc 9g sáng thứ ba, ngày 5-5-2009, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Theo ý nguyện của cô Oanh, gia đình không nhận vòng hoa, tiền phúng điếu được sử dụng thành lập một quỹ học bổng. |
Biết là bệnh tình chị quá nặng nhưng tôi không khỏi bàng hoàng khi hay tin chị mất. Hình như chị có linh cảm bệnh chị khó mà qua khỏi kỳ này! Chị thấy khó thở, mệt, khác hẳn những lần trước. Chị cố vượt qua, giấu không cho ai biết, sợ phiền mọi người. Nhưng cuối cùng vì khó thở, chị đành phải nhờ các em, các học trò đưa đi cấp cứu. Khi được tin, tôi cùng các bạn y dược sĩ Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe tức tốc có mặt tại Hoàn Mỹ. Chị đi chụp CT chưa về. Trao đổi với bác sĩ trực, tôi biết không xong rồi. Tràn dịch màng phổi. Dịch tiết. Đã rút hơn 300ml máu không đông. CT về thì đã rõ. Đã di căn. Không ai hở môi cho chị biết, nhưng chỉ cần thấy mọi người cười nói như không có chuyện gì quan trọng thì chị đã ngờ. Tôi hỏi chị sao bệnh mà không cho chúng tôi hay. “Mới mệt nhiều tuần này thôi. Chị vốn chẳng ưa đi nhà thương. Bày đặt lắm!” - chị nói. Tôi cười thì cũng như chị hay trách người ta giải quyết các vấn đề xã hội mà chẳng thèm tham khảo ý kiến những nhà xã hội học vậy mà, đến khi mọi chuyện trật lất hết rồi mới kêu ca. Hôm thứ hai, các bác sĩ hội chẩn, rồi chuyển chị về Chợ Rẫy. Mọi người cũng đã chuẩn bị cho một tình huống xấu. Các học trò chị, đàn em chị luân phiên túc trực, chăm sóc. Ai cũng thương mến chị hết lòng. Chị sống độc thân mà như có một gia đình lớn. Hơn ba chục năm nay chúng tôi vẫn được chị sát cánh hỗ trợ trong công tác giáo dục sức khỏe, trong huấn luyện mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng, nhân viên y tế cơ sở, các ban ngành đoàn thể và cả sinh viên y khoa. Cũng vậy, chúng tôi tích cực hỗ trợ chị trong đào tạo huấn luyện mạng lưới công tác xã hội, khoa phụ nữ học, hội quán Đến với nhau... Nhưng đóng góp lớn nhất của chị, theo tôi, chính là những bài báo nảy lửa, đầy nhiệt tâm, đầy trách nhiệm của một công dân, một trí thức cho sự phát triển đất nước trong một giai đoạn chuyển biến nhiều khó khăn, nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Phải nói nhờ chị mà mạng lưới công tác xã hội hình thành và phát triển, đi vào hoạt động chuyên nghiệp; nhờ chị mà ngành giáo dục đại học có thêm một “mã” để đào tạo ngành công tác xã hội rất cần thiết cho hôm nay. Cho nên không lạ, bên cạnh chị, trong phòng cấp cứu này, ngoài nhóm công tác xã hội còn có nhóm y tế là những bạn bè, đàn em, học trò thân thương của chị. Hình như tôi cảm thấy gọi chị là “chị” chưa đủ, mà gọi chị bằng “bà thầy” thì cũng chưa phải. Chị nhìn mọi người đang đứng xung quanh. “Đời tôi sống cũng vui mà chết cũng vui” - chị nói. Mắt hấp háy. Trưa nay tôi được tin chị mất. Tôi không ngạc nhiên vì tiên lượng đã rõ. Nhưng hình như nhanh quá thì phải. Chị Oanh, thôi vui nhé! Các bạn bè, đàn em, học trò chị vẫn đang tiếp nối con đường của chị. Trời bỗng đổ một cơn mưa nặng hạt chiều nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận