26/01/2020 08:06 GMT+7

Có nhà, mà chẳng thể về

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Tết cũng là lúc những bất hạnh của con người trở nên đối lập hơn bao giờ hết. Có những người nhà có đấy, có gia đình đấy, nhưng lại chẳng thể về được...

Có nhà, mà chẳng thể về - Ảnh 1.

Dãy nhà trọ khóa cửa im lìm ngày tết, chỉ có những người ở lại với nỗi niềm riêng - Ảnh: MY LĂNG

Nhà tôi ở ngay cổng Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Chiều 30 tết, ba mẹ tôi bảo dọn mâm cơm lát nữa mời mấy đứa không về quê qua ăn cho tụi nhỏ đỡ buồn. "Mấy đứa" mà ba mẹ tôi nói là mấy bạn công nhân thuê dãy nhà trọ.

Gần 20 phòng hầu hết đều khóa cửa, im lìm, vắng hoe. Chỉ có 3 phòng ở lại. Không hoa cúc, không hoa mai, không rộn ràng đi chợ mua sắm... cảm giác mùa xuân dừng bước ngoài đâu xa trước những căn phòng này. Sáng 30, nghe một phòng bật nhạc xuân mới biết người đó chắc còn đón tết.

Nhà tôi làm nhà trọ nhiều năm nay. Thường, công nhân, tết không dám về vì khoản chi phí quá cao khi về quê. Nhưng nói chuyện với 4 người ở lại tết này, mới hay đó không phải là lý do.

Họ, mỗi người một quê, mỗi người một câu chuyện, một thân phận nhưng đều chung một nỗi buồn: Tết đến xuân về là lúc sum họp thì họ lại chẳng thể về...

Đó là Mến, 26 tuổi, người Quảng Nam. Vợ quê Vĩnh Long. Mến nói mới chuyển công ty được mấy tháng thì tết, tiền cả năm làm không tiết kiệm được bao nhiêu, về quê bèo bèo cũng hết 20 triệu nên không dám về, nhường cho vợ về thăm nhà.

Còn Dũng, 35 tuổi, quê Điện Biên, làm bên cơ khí cho một số dự án trong khu công nghiệp Long Đức. "Mình chưa muốn về nên không về. Qua năm nếu thấy không ổn thì chắc là về ngoài đó luôn...", Dũng nói, kiểu nói khá mơ hồ về lý do không muốn về.

Rồi anh chàng kể từng vào Nam rồi lại về Bắc, thấy không hợp lại quyết chí quay vào, lúc đầu làm cho công ty, sau tách ra thành một nhóm riêng chuyên thầu nhận dự án. Có dự án cũng khá nhưng có dự án cũng bị lỗ nặng, cái này đắp cái kia...

Dù không nói ra, nhưng những chia sẻ của Dũng cũng đủ hiểu, người đàn ông 35 tuổi có gì đó mặc cảm vì sự nghiệp chưa thành mà không dám về quê....

Lớn tuổi nhất dãy phòng trọ là chị Sương, 40 tuổi, quê Sóc Trăng. Lấy chồng từ năm 16 tuổi. Ở tuổi 40, chị đã có sui. Con gái chị cũng lấy chồng năm 16 tuổi, theo chồng ra Hà Nội ở. Con trai chị ở quê làm ruộng.

Hỏi sao tết không về, chị thiệt tình bảo giận ông anh tranh giành đất đai ba mẹ để lại. Nhà có mấy chục công đất, ba mẹ đã chia cho các con hết. Vậy mà khi ba mất, ông anh kế chị lại kiếm chuyện đòi lấy luôn mảnh đất chị Sương đang ở cùng người mẹ già.

"Năm ngoái tui dzìa, ổng kiếm chuyện chửi bới om sòm. Mùng 1 tết không ở yên với ổng phải xách đồ ra nhà nghỉ. Năm nay tính dzìa mà ổng hăm dữ quá, tui tránh mặt cho xong. Bà má gọi điện biểu tui dzìa, khóc quá chừng", chị Sương nói, mặt buồn thiu.

Không muốn hỏi quá sâu chuyện cá nhân, nhưng người phụ nữ miền Tây thiệt tình, chất phác cứ tự kể: "Tui thôi chồng 8 năm nay rồi. Ổng gái gú dữ quá. Cặp với ông mới này cũng vậ, nhỏ hơn tui 6 tuổi. Ở với nhau 5 năm nay rồi mới phát hiện ổng cùng lúc cặp với mấy con khác nữa. Tui mệt mỏi. Tết này ổng ở với con nhỏ dãy nhà trọ gần đây nè...".

Chuyện của Dương

Dương 23 tuổi, nhỏ tuổi nhất trong số 4 người ở lại, người nhỏ như cây kẹo, ít nói, hiền khô. Hỏi sao Tết không về dù An Giang chỉ cách Sài Gòn mấy tiếng chạy xe, Dương cười buồn: Em hổng muốn về. Chị Sương nhanh nhảu nói thẳng: nó hổng hợp với cha dượng. Về ổng chửi nó hoài, ổng bả gây lộn hoài nó không muốn về.

Chị Sương cứ oang oang: tội nghiệp nó dữ lắm. Nó mồ côi cha mẹ từ nhỏ đó.

Thực ra Dương không phải mồ côi, nhưng cũng chẳng khác gì trẻ mồ côi. Vì ba mẹ vẫn còn. Nhưng từ hồi 2 tuổi, ba mẹ đã thôi nhau. Dương lớn lên, chưa một lần biết mặt ba. Tám tuổi, mẹ gửi Dương cho ông bà ngoại nuôi để đi bước nữa.

Ông ngoại Dương mất cách nay mấy năm, giờ chỉ còn bà ngoại. Không có anh em ruột, Dương chỉ có thằng em trai cùng mẹ khác cha. Bên nội chưa từng biết mặt. Bên ngoại thì chỉ khi có tiền mới là ruột rà máu mủ.

Thằng nhỏ 8 tuổi đã đi làm thuê làm mướn. Người ta thấy siêng, thấy tội, gọi Dương làm cái này cái kia, cho ít tiền mua gạo sống qua ngày. "Từ hồi 8 tuổi tới giờ em chưa năm nào ăn Tết với mẹ", Dương bảo.

Lúc ông ngoại còn sống, ngày tết cũng chỉ có ông bà là người thân quanh quẩn mấy ngày xuân. Mẹ đi thêm bước nữa. Cha dượng không thích con riêng của vợ, thấy mặt là không ưa, la mắng gây chuyện hoài. Dương sợ làm mẹ khó xử nên tránh về nhà.

Dương đi làm xa, biền biệt từ đó. Ngày tết là lúc sum họp, gia đình đoàn tụ vui vẻ, đầm ấm thì chẳng muốn về, không dám về dù có nhà, có mẹ, có bà, có em.... "Gần tết, mẹ gọi hỏi năm nay có về không, em nói không về, bả khóc. Em nhớ mẹ, muốn về nhưng cha dượng không thích nên không muốn về", Dương nói, mặt lạnh băng giấu cảm xúc...

Căn phòng trọ Dương và chị Sương thuê ở tới 4 người. Tất cả đều là công nhân công trình xây dựng. Tết này, phòng chỉ còn 2 người. Gần tết, chị Sương cầm chiếc xe cà tàng được một triệu đồng cho thằng em cùng phòng có tiền về quê ăn tết. Thằng em về, rồi tiện tay "mượn" luôn điện thoại của Dương mà không hỏi ý kiến, làm mấy ngày tết Dương không lướt mạng đọc tin tức, không chát zalo với bạn bè, buồn mà không nỡ la thằng bạn.

Có nhà, mà chẳng thể về - Ảnh 2.

(Từ trái qua) Bữa cơm mời khách ngày tết của Dương và chị Sương - Ảnh: MY LĂNG

Sáng mùng 1 tết, chị Sương nói mỗi người bưng một tô cơm nguội, miếng thịt kho trứng. Chị Sương nói năm nay coi như không có tết, không muốn đi chợ nấu món này món kia, có gì ăn đó cho nhanh.... Từ hôm gặp đến giờ, chỉ thấy chị Sương cười khi đêm giao thừa tụ lại chơi đánh bài tiến lên quẹt lọ nghẹ. Trừ lúc đó ra, chẳng thấy chị cười...

Tết của những người ở lại lầm lũi quá. Mỗi người có một nỗi đau riêng, chẳng ai giống ai. Nhưng cùng chung một nỗi đau, đó là có nhà mà chẳng thể về, dù tết là thời điểm nhà nhà, người người náo nức ngược xuôi vào Nam ra Bắc, về quê sum vầy gia đình, đón nhận yêu thương...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên