02/03/2020 18:01 GMT+7

Có nên thu phí đối thoại, hòa giải tại tòa án?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Đây là ý kiến băn khoăn của một số đại biểu ở hội thảo góp ý cho dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức chiều 2-3.

Có nên thu phí đối thoại, hòa giải tại tòa án? - Ảnh 1.

Các đại biểu góp ý kiến tại hội thảo - Ảnh: T.L.

Việc tiến hành hòa giải, đối thoại được quy định thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của tòa án.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích của dự thảo luật là để giúp giảm tải số lượng công việc của tòa án. Nhà nước đảm bảo việc thanh toán chi phí hòa giải, đối thoại từ ngân sách nhà nước để khuyến khích người dân lựa chọn phương thức này.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng nên tính đến việc phải thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án sau khi hòa giải thành. Theo các chuyên gia, khi thí điểm có thể không thu phí, nhưng đã luật hóa thì nên tính đến việc thu phí. Lý do: việc thu phí để hỗ trợ, đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa. Tất nhiên mức thu sẽ mang tính hỗ trợ, chứ không được quá cao.

Nhận định việc hòa giải thành có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên tại hội thảo, nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi trước báo cáo của các tòa án. Bà Văn Thị Bạch Tuyết (thành ủy viên, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho biết kết quả hòa giải thí điểm rất cao. Ví dụ ở Hải Phòng, tỉ lệ hòa giải thành trên 90%). Tuy nhiên, trên thực tế việc hòa giải thành có tỉ lệ khá thấp. Bà Tuyết đặt vấn đề báo cáo thí điểm có đúng với thực tế, có “khả quan” quá hay không?

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn luật sư TP.HCM) lưu ý việc hòa giải, đối thoại tại tòa án làm giảm tải công việc, chứ không thay hoạt động của tòa án. Nhiệm vụ của các hòa giải viên là giảm tải công việc của tòa án, chứ không phải làm thay hoạt động xét xử của tòa án.

Về tiêu chuẩn của hòa giải viên, luật sư Trâm đề nghị bỏ nội dung người hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Lý do: đây là tiêu chuẩn rất chung chung, không cụ thể nên rất dễ tạo kẽ hở cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên