08/04/2013 13:29 GMT+7

Có một Sài Gòn trên bến dưới thuyền

VIỄN SỰ - NGỌC ẨN
VIỄN SỰ - NGỌC ẨN

TT - Nhiều bến tàu sẽ được mở để phục vụ du lịch và các tuyến buýt trên sông. Tàu thuyền sẽ lại tấp nập, cá tôm rồi sẽ sinh sôi... Cảnh nhếch nhác, ô nhiễm, tù đọng của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ.

sqaw0w4s.jpgPhóng to
Giải đua thuyền truyền thống TP.HCM mở rộng năm 2012 trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Ảnh: Minh Đức

8 giờ sáng một ngày đầu tháng 4-2013, cầu Chà Và nối từ quận 5 qua quận 8 có đến hàng trăm phương tiện lưu thông. Nhờ lòng cầu rộng thênh thang, với nhánh rẽ được bố trí khoa học nên dù xe đông vẫn không xảy ra ùn tắc ở điểm giao cắt. Phía dưới, trên con kênh Tàu Hủ, ghe chở trái cây, hàng bông, đồ sành sứ từ miệt Bến Tre, Long An lên, từ Bình Dương, Đồng Nai xuống theo ngả cầu số 2 hay từ Bến Nghé lướt đi theo con nước vừa lên. Nhịp sống đang dần trở nên quen thuộc mỗi sớm, mỗi chiều ấy trên dòng kênh Tàu Hủ từng là chuyện quá xa vời chỉ mới 10 năm trước trên chính dòng kênh này.

Ám ảnh dòng kênh đen

Có lẽ không ai hiểu và từng nếm trải nỗi cơ cực từ kênh Tàu Hủ bằng khách thương hồ - những chủ ghe đã chọn dòng kênh này để mưu sinh. Đang giờ nước lớn, thòng chiếc gàu múc nước từ kênh lên tưới cây, ông Hai Phương, chủ một ghe bông kiểng cặp bến Bình Đông, nói: “Hồi xưa chỉ cần thò cái chân xuống là mua thuốc xức cả tháng, chứ ai dám nghĩ tới chuyện tưới kiểng”.

Từ Sa Đéc đi ghe về kênh Tàu Hủ bán kiểng từ những năm sau giải phóng, ông Hai Phương nhớ hồi đó kênh Tàu Hủ chỉ có đường vô mà không có đường ra. Tuyến thủy lộ thông thoáng từ Tàu Hủ ra Bến Nghé, về Khánh Hội thênh thang bây giờ từng bị tắc lại vì những khu ổ chuột lấn ra. Ghe, thuyền muốn đi Bình Dương, Đồng Nai phải chạy vòng qua ngả cầu số 2, chui qua cầu Nhị Thiên Đường để ra sông Sài Gòn theo đường vòng, xa hơn mười mấy cây số. Ông Ba Được, một chủ ghe chở đồ sành sứ từ Long An, cũng nhớ đoạn từ cầu số 2 lên tới bến Bình Đông nơi neo ghe chỉ có 2 cây số mà đi mất cả tiếng đồng hồ vì cứ vài phút lại phải gỡ rác quấn vô chân vịt. “Rác nhiều tới không nhìn thấy nước đâu nữa, tiền dầu, tiền sửa máy hao dữ lắm” - ông Ba Được kể.

Ngoài việc cải tạo dòng kênh, cùng với tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, những cây cầu sắt già nua, ọp ẹp từng là nỗi ám ảnh của người dân hai bờ kênh Tẻ vì nạn kẹt xe cũng lùi vào dĩ vãng. Ông Trần Văn Đào, một người chạy xe ôm dưới cầu Chà Và, nói nhờ cầu thông đường thoáng, giờ sáng sáng ông có thể tà tà chở vợ từ quận 5 qua quận 8 bán cá. Thong thả nhấp ngụm cà phê rồi lại quay về chân cầu đón khách, khỏi phải dậy từ khi trời chưa ló dạng như hồi trước.

Và không chỉ những người dân lao động như ông Đào mới cảm nhận được sự “thong thả” ấy. Lãnh đạo UBND quận 8 vẫn kể lại chuyện giờ đã thành chuyện tiếu lâm khi lúc trước mỗi lần đi họp ở TP, họ phải dậy từ 4-5 giờ sáng, đi bộ qua cầu Chà Và, có tài xế chờ sẵn phía chân cầu ở quận 5, mới mong né được kẹt xe để khỏi trễ họp (!).

Âm hưởng hiện đại

Bến Bình Đông (quận 8) vẫn giữ được những nét cổ kính, từ những ụ neo thuyền, những hàng me tây cổ thụ tỏa bóng, đến những kiến trúc có từ thời Pháp. Chợ hoa tết bến Bình Đông, nơi người mua có thể gặp trực tiếp những nhà vườn từ miền Tây lên, cũng được hỗ trợ để trở thành nét đặc trưng của quận 8 trong dịp tết. “Giữ nét xưa nhưng phải đưa cả âm hưởng, hơi thở cuộc sống hiện đại vào dòng kênh Tàu Hủ” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, phó chủ tịch UBND quận 8, nói.

“Âm hưởng hiện đại” mà ông Vũ nói ấy của kênh Tàu Hủ bây giờ đã dần nên vóc dáng. Đó không chỉ là một đại lộ cặp dọc bờ kênh, những cây cầu lớn cho xe cộ nối liền hai bờ, đủ độ tĩnh không cho tàu thuyền qua lại, mà phải trên cả dòng kênh - trên mạch nước đã lưu chuyển từ xa xưa, từ những ngày Tàu Hủ - Bến Nghé được khai thông làm mạch lưu thương chính cho Sài Gòn.

Một trong những kế hoạch sẽ triển khai đó là mở tuyến du lịch đường sông trên kênh Tàu Hủ. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết đến rằm tháng 4 tới, lần đầu tiên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ có hai tàu du lịch chạy trên sông, mỗi tàu chở 30-40 khách. “Dù nước chưa thật sự trong nhưng cảnh quan, đời sống cư dân hai bên bờ kênh Tàu Hủ sẽ tạo ra nét riêng so với những du thuyền chạy trên sông Sài Gòn” - ông Vũ nói.

Còn xa hơn, ông Nguyễn Xuân Nam, phó phòng lữ hành Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, cho biết tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong năm tuyến du lịch đường sông trọng điểm của TP. Hiện đang đề xuất xây hai cầu tàu trên đoạn kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để giúp khách cập bờ tham quan chợ ẩm thực quận 8 và chợ Bình Tây.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, dọc bờ kênh bây giờ đã là đại lộ hiện đại nên những bến thủy nội địa, bốc dỡ hàng hóa sẽ dần được gom về một mối tại cảng Phú Định trong tương lai gần để phát huy tối đa hiệu quả của công trình chỉnh trang đô thị.

Du lịch và buýt trên sông

Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM đã và đang nâng cấp cải tạo các tuyến kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, kênh Đôi và kênh Tẻ, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị và môi trường sạch đẹp trên các tuyến kênh này. UBND TP.HCM đã giao cho một đơn vị du lịch nghiên cứu mở tuyến du lịch tham quan cảnh sông nước từ trung tâm TP đến các chùa cổ ở Q.5, Q.6. Đồng thời, mở các tuyến du lịch từ trung tâm TP đi kênh Bến Nghé, Tàu Hủ ra kênh Tẻ về các tỉnh miền Tây.

TP cũng đã chọn tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để phát triển tuyến buýt từ Q.6 về bến Bạch Đằng, Q.1. Từ bến Bạch Đằng sẽ phát triển nhiều tuyến buýt trên sông hoặc tuyến du lịch như từ bến Bạch Đằng đi khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), từ bến Bạch Đằng - đến đền Bến Dược, Củ Chi.

Trong khi Công ty Quản lý công trình cầu phà có kế hoạch mở tuyến phà cổ (loại phà xưa) chạy từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đến bến phà Cát Lái và đi một số điểm du lịch ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Dự án môi trường lớn nhất

Ông Trần Quang Phượng - nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, người đã gắn bó hàng chục năm với dự án cải thiện môi trường nước - cho biết cuối những năm 1990 lãnh đạo TP đã thấy rõ tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trên các kênh rạch. Thế nhưng, để giải quyết vấn đề trên cần có kinh phí rất lớn nên TP đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận vay vốn ODA của Nhật Bản thực hiện các dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ, dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè...

Năm 1999, báo cáo khả thi dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM - lưu vực kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ hoàn thành, mở đầu cho việc triển khai thi công xây dựng công trình có quy mô cải thiện môi trường lớn nhất TP. Dự án này góp phần cải thiện môi trường trên một lưu vực có diện tích 2.150,7ha thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình và huyện Bình Chánh.

Dự án gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2001-2008 với tổng mức đầu tư 4.163,9 tỉ đồng, trong đó 84,7% là vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước; giai đoạn 2 triển khai từ năm 2008-2013 với tổng mức đầu tư 11.281 tỉ đồng.

Có 2.537 hộ dân và 36 cơ quan đơn vị nằm trong phạm vi dự án thuộc các quận 4, 8 thuộc diện di dời, giải tỏa. TP đã triển khai xây dựng 10 khu chung cư tái định cư ở các quận 4, 7 và 8.

TnhheHBM.jpgPhóng to
Nhà ổ chuột ven kênh Tàu Hủ đoạn qua địa phận phường 10, quận 8 (ảnh chụp tháng 5-2008) - Ảnh: T.T.D
zjfvvGFO.jpgPhóng to
Đường Bến Vân Đồn, Q.4 (phải) được thông xe vào tháng 2-2013 chạy dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé song song với đại lộ Võ Văn Kiệt
apkcYwH8.jpgPhóng to
Bất chấp biển báo cấm tắm, một số trẻ em vẫn thường nhảy từ cầu Mống xuống tắm ở kênh Tàu Hủ - Bến Nghé
1ai6E4uy.jpgPhóng to
Người dân câu cá tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Ảnh: Minh Đức
VIỄN SỰ - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên