Phóng to |
Chân dung Winston Spencer Churchill |
Một vài sáng tác của ngài Churchill hiện đã có giá hàng triệu USD trên thị trường tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, với tài viết văn của ông, Churchill còn nhận được giải thưởng Nobel về văn học năm 1953.
Tháng 7 năm nay, bức tranh sơn dầu Phong cảnh Chartwell với bầy cừu, khổ 193 x 161cm, mà sir Winston Spencer Churchill thể hiện vùng đất quê nhà của ông vào đầu thập niên 1940, đã được bán tại nhà Sotheby’s ở Luân Đôn với cái giá đáng kinh ngạc: 1 triệu bảng Anh (theo thời giá hiện nay khoảng trên 2 triệu USD), cũng là giá kỷ lục đối với tranh của họa sĩ tài tử Winston Churchill; gần gấp đôi giá bức Quang cảnh vùng Tinherir do ông vẽ, mô tả một vùng sa mạc ở xứ Marốc. Bức tranh được tặng cho đại tướng Mỹ George C. Marshall này đã bán được với giá 612.800 bảng Anh cũng tại nhà Sotheby’s ở London vào tháng 12-2006.
Vào ngày 13-12 tới đây, cũng tại London, nhà Sotheby’s sẽ tổ chức bán đấu giá bức tranh vẽ phong cảnh thành phố Marrakech ở tây nam Marốc, mà thủ tướng Churchill đã tặng cho tổng thống Mỹ Harry S. Truman vào năm 1951. Tranh được chính bà Margaret Truman Daniel, con gái ông Harry Truman, giao cho nhà Sotheby’s bán đấu giá. Và cũng chính bà Margaret Truman Daniel đã mang món quà tặng quý giá ấy từ tòa nhà số 10 đường Downing ở London (dinh thủ tướng Anh) về cho thân phụ của mình.
Bức tranh Marrakech được tổng thống Mỹ cho mượn trưng bày tại Hội chợ triển lãm thế giới (World Fair) năm 1965 và đó cũng là lần cuối nó xuất hiện trước công chúng nên chắc chắn buổi đấu giá tới đây sẽ thu hút sự quan tâm của giới sưu tập nghệ thuật cũng như các nhà chuyên môn. Marrakech được ước tính sẽ đạt cái giá 300.000 - 500.000 bảng Anh.
Phóng to | |
Phong cảnh hồ Como | Hoa trong bình xanh |
“Không vẽ tranh, không sống nổi”
Ngoài sự nghiệp chính trị, sir Winston Spencer Churchill là người say mê hội họa; ông theo đuổi nỗi đam mê này - mà ông gọi một cách giản dị là “thú tiêu khiển” - suốt cuộc đời mình. Vốn là một người mạnh mẽ về thể chất và phải làm việc không ngừng trong một giai đoạn đầy biến động của nước Anh nói riêng và thế giới nói chung, với ông vẽ tranh là cách tốt nhất để thư giãn, tìm lại sự quân bình cho tâm hồn, như ông từng nói: “Nếu không dành thời gian vẽ tranh, tôi không thể sống nổi; tôi không thể chịu đựng nổi bao điều căng thẳng”.
Thế nên, vị thủ tướng của nước Anh đi đâu cũng mang theo màu, cọ, khung tranh, giá vẽ… để có thể ghi chép ngay bằng màu sắc những vẻ đẹp trần gian mà ông bắt gặp ở nhiều nơi trên Trái đất này. Những mê say có thực và những tác phẩm ông vẽ được giới chuyên môn nhìn nhận đúng mức, hoàn toàn không mang cái hơi hướm bợ đỡ lãnh tụ; chính vì vậy mà người họa sĩ nghiệp dư, coi vẽ chỉ để tiêu khiển, đã hết sức xúc động khi ông nhận được danh hiệu thành viên danh dự của Viện hàn lâm nghệ thuật hoàng gia Anh vì những đóng góp thực sự của ông cho nghệ thuật tạo hình.
Thật ra, Churchill đã đến với hội họa từ rất sớm, vào mùa hè năm 1915, giữa lúc ông đang gặp những thất bại trên chính trường. Sau này ông viết hồi ký, kể lại rằng: khi đó, “Thần Hội họa đã đến cứu giúp tôi”. Trong mấy chục năm vẽ tranh, Winston Churchill đã sáng tác được khoảng 500 bức, một số lượng đáng nể đối với một kẻ cầm cọ nghiệp dư. Khiêm tốn, không bao giờ tự nhận mình là họa sĩ, ngài Winston Churchill lại có thú vui là tặng tranh ông vẽ cho những nhân vật ông yêu mến, coi đó là một tặng phẩm mang dấu ấn cá nhân nhất. Các tổng thống Mỹ Truman, Roosevelt và Eisenhower, các nhà quý tộc Anh Montgomery, Lloyd-George và tướng George C. Marshall ở trong số những người nhận được các tặng vật nghệ thuật bày tỏ tình cảm và sự quý trọng của thủ tướng Winston Churchill.
Phóng to |
Marrakech |
Phóng to |
Phong cảnh Miami |
Trở lại với bức tranh Marrakech. Churchill làm thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1940 -1945 và sau đó là nhiệm kỳ 1951 -1955, trong khi ông Truman làm tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ liên tiếp 1945 - 1953. Hai ông gặp nhau lần đầu tại Hội nghị Postdam 1945 (cùng với lãnh tụ Joseph Stalin của Liên bang Xô viết hồi đó) sau khi chế độ phát xít Đức cáo chung, để quyết định về tương lai của châu Âu khi cơn ác mộng Thế chiến thứ II đã qua đi. Giữa hai nhà lãnh đạo phương Tây có mối quan hệ gắn bó không chỉ về mặt chính thức mà còn cả trong chỗ riêng tư như bè bạn, và tình thân ấy càng nảy nở sau khi ông Churchill từ giã chính trường năm 1955.
Vào tháng 6-1951, Churchill mời bà Margaret, con gái tổng thống Truman, dùng bữa trưa tại nhà số 10 phố Downing, và ngỏ ý muốn tặng bức tranh Marrakech cho gia đình bà. Bức tranh sau đó đã được treo trên tường ngôi nhà riêng của gia đình ông Truman ở Independence, bang Missouri, cho tới khi ông Truman qua đời vào năm 1972; sau đó nó được treo trong căn hộ của bà Margaret ở New York.
Marrakech mê hoặc Churchill
Phóng to |
Ngài thủ tướng vẽ tranh |
Cùng với món quà là những dòng thư tay ông Churchill gửi cho ông Truman: “Bức tranh này được treo ở Viện hàn lâm nghệ thuật năm ngoái, và nó là bức tranh coi được hơn cả trong số những gì tôi đã vẽ. Nó mô tả quang cảnh tuyệt đẹp của núi Atlas ở Marrakech.Tôi đã thuyết phục người tiền nhiệm của ngài (tổng thống Roosevelt) ngắm nhìn quanh cảnh ấy trước khi ông rời Bắc Phi sau Hội nghị Casablanca năm 1943. Ngài Roosevelt đã lên đỉnh một tòa tháp cao, đúng vào lúc cảnh hoàng hôn tuyệt mỹ hiện ra”.
Khi nhận món quà, ông Truman đã viết thư phúc đáp: “Tôi không thể tìm lời lẽ nào thích hợp để diễn tả sự cảm kích của tôi trước bức tranh đẹp về núi Atlas do ngài vẽ. Tôi sẽ quý trọng món quà này chừng nào tôi còn sống và nó sẽ là một trong những tài sản quý giá nhất tôi để lại cho Margaret khi tôi qua đời”.
Bức Marrakech được vẽ vào khoảng năm 1948, và đây còn là một trong những nơi ông Churchill thích nhất khi vẽ phong cảnh. Ông bị mê hoặc bởi cảnh sắc sa mạc lạ lẫm, bởi khí hậu, sắc màu và ánh sáng của vùng đất này. Churchill gần gũi với Marốc từ giữa thập niên 1920 nhưng chỉ thật sự nắm bắt được vẻ đẹp của xứ sở Bắc Phi này từ khi đến dự Hội nghị Casablanca và cũng từ đó ông vẽ nhiều tranh phong cảnh đất nước Marốc, những bức tranh được giới chuyên môn đánh giá là ở trong số các tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp cầm cọ của ngài Churchill.
Frances Christie, chuyên gia về mỹ thuật Anh thế kỷ XX của nhà Sotheby’s, nhận định về bức Marrakech sắp được đấu giá: “Giá tranh của ngài Churchill tăng lên trên thị trường nghệ thuật vài năm trở lại đây là một ngoại lệ. Chúng tôi thật cảm động khi mang một trong những tác phẩm quan trọng, hoàn chỉnh nhất của ngài đến phòng đấu giá vào lúc mà sự quan tâm đối với “thú tiêu khiển” của Winston Churchill mạnh hơn bao giờ hết. Marrakech không chỉ có một lai lịch phi thường mà nó còn là một mẫu mực về những tác phẩm đẹp nhất của Churchill, đồng thời nó giới thiệu về một đề tài mà ông hết sức yêu mến”.
Phóng to |
Phong cảnh Chartwell |
Tác phẩm của ngài Winston Churchill từng có mặt ở nhiều gallery và các phòng triển lãm ở châu Âu, Canada, Úc, Nhật, Mỹ. Muốn xem tranh ông, có thể đến Viện hàn lâm nghệ thuật hoàng gia Anh và gallery Tate ở London, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Smithsonian ở Washington D.C, Bảo tàng nghệ thuật Dallas (Texas), và Bảo tàng nghệ thuật Sao Paolo ở Brazil; nhưng nhiều nhất vẫn là 350 bức được bày tại nhà tưởng niệm Churchill ở Chartwell, quê hương ông, cũng là một chủ đề lớn trong sáng tác của vị thủ tướng yêu hội họa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận