16/07/2004 06:02 GMT+7

Có một "dòng phù sa tình thương" đang chảy…

TRẦN TRIỀU (SV năm 3 ĐH DL Văn Hiến, TP.HCM)
TRẦN TRIỀU (SV năm 3 ĐH DL Văn Hiến, TP.HCM)

TT - Người dân phường An Khánh, quận 2, TP.HCM ít ai không biết đến nhóm nhạc Phù Sa của anh Nguyễn Trung Phước (12/7F Lương Định Của).

rcYyV8mL.jpgPhóng to
Các thành viên của nhóm nhạc Phù Sa Trẻ
TT - Người dân phường An Khánh, quận 2, TP.HCM ít ai không biết đến nhóm nhạc Phù Sa của anh Nguyễn Trung Phước (12/7F Lương Định Của).

Trên một mảnh đất và trong một gia đình, ngoài hai con của mình, anh Phước còn đang đỡ đầu cho 18 người em - là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đến từ Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, An Giang, Bến Tre...

Trong 7-8 năm qua anh đã đón biết bao lượt bạn trẻ đến nương tựa, học một nghề rồi trưởng thành ra đi, lượt người khác lại đến...

Chuyện về ông chủ Phù Sa

Anh lớn lên ở Sài Gòn. Năm 1979, gia đình dời về miền Tây sinh sống, anh nhất quyết đòi ở lại. 16 tuổi đời, một mình giữa đất Sài thành, anh bắt đầu cuộc sống “bụi đời”. Với sức vóc nhỏ bé, anh đi làm bốc vác ở chợ Bà Chiểu chỉ để được trả một nắm xôi cuối buổi. Chính những ngày tháng vật lộn với cái đói anh mới nghiệm ra rằng thất học và thất nghiệp là thiệt thòi lớn. Không được đến trường, anh tìm mọi cách để tự học.

Ngoài những giờ đai vác nhọc nhằn, anh vào thư viện và đọc ngấu nghiến mọi loại sách. Khi thư viện đóng cửa anh mới chịu về, lại tìm ra vỉa hè hay công viên nằm ngủ. Thế nhưng ý nguyện sống cầm cự qua ngày để được đọc sách của anh cũng không được toại nguyện: một băng nhóm du côn buộc anh thôi việc, anh không đồng ý và sau đó phải chịu liên tục những trận đòn thập tử nhất sinh.

Sau ba năm vất vưởng, anh xin đi làm xí nghiệp, tham gia lực lượng thanh niên xung phong rồi về lại Sài Gòn, lập gia đình. Anh sống bằng nghề viết báo nhờ năng khiếu văn chương từ nhỏ và nhờ chính những kiến thức mà anh thu lượm được từ những ngày ở thư viện. Anh cũng đưa lần lượt năm người em ruột dưới quê lên nuôi cho ăn học.

Máu đam mê chưa thỏa, anh lại theo học lớp sáng tác ở Nhạc viện TP.HCM. Năm 1997 anh đến phường An Khánh, quận 2, TP.HCM (lúc bấy giờ vùng đất ven sông Sài Gòn này còn hoang vắng và chỉ là một vùng đầm lầy) cùng một người bạn mướn mặt bằng mở lớp dạy nhạc lấy tên “Phù Sa” - cái tên như lời anh Phước giải thích là “những người yêu nhạc tập hợp lại thành một dòng phù sa đẹp”.

Lớp học chỉ là gian nhà tranh vách lá, người đến theo học rất đông mà người bỏ dở dang cũng không ít. Rồi thầy trò lập cả hội quán để biểu diễn và... thất bại. Nhưng anh vẫn thương những học trò khó khăn, có cả những trường hợp từng mắc lỗi lầm, lòng anh quyết tâm bảo bọc và nuôi dạy họ.

Năm 1999, gia đình vợ trao cho vợ chồng anh một số vốn. “Chàng rể ngông” suy tính: số tiền này mua một căn nhà nho nhỏ cho gia đình cũng đủ nhưng học trò anh sẽ ở đâu? Vậy nên anh mang tiền mua cả cồn đất hoang sơ gần 500m2 ở An Khánh. Đêm đó vợ anh khóc, chưa dám về sống chung. Trong căn chòi lá, một thầy và bảy học trò học nhạc, học văn hóa, cải tạo đất, dựng nhà.

Anh đi làm đêm không đủ trang trải, nhiều lúc phải ăn khoai mì thay cơm, có khi hết cái ăn, chiếc máy cassette nhỏ được thầy trò đưa đi cầm không biết bao nhiêu bận. Anh không dám kể với vợ nhưng chị cũng thấu cảnh, thương chồng, chị dọn về ở bên anh (chị tên Phan Kim Quý - là giáo viên Trường trung học Sư phạm mầm non TP.HCM).

Những hy vọng cứ thế lớn lên. Tùng (Bến Tre), Sơn (Nghệ An), Long (Quảng Ninh)… - lứa học trò ấy giờ đã trưởng thành và có việc làm ổn định trong một số dàn nhạc, có người đã lập gia đình nhưng vẫn sống quanh anh. Còn Nhạc (Quảng Ngãi) thì được anh nuôi để theo học ĐH Kinh tế và hiện nay làm kế toán ở Quảng Ngãi.

Như là chuyện cổ tích…

IzAUdTMR.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Trung Phước

“Lớp nhạc tình thương” ngày càng đón nhận nhiều học viên mới, những thanh niên vào đời trắc trở, có đam mê âm nhạc. Ông chủ Phù Sa vẫn đánh nhạc “sô”, dàn dựng chương trình từng đêm qua hàng trăm quán xá, đơn vị dành dụm nuôi học trò.

“Nhà tình thương” dần dần mọc lên thành “quần thể” gồm nhiều căn nhà để vừa dạy nhạc vừa là chỗ sinh hoạt cho 20 người. Anh vạch ra kế hoạch lấy ngắn nuôi dài. Trong nhà, những người đến trước dạy những người đến sau, những người có tay nghề vững có thể đi “tác nghiệp”(chơi nhạc) bên ngoài, trích một chút quĩ để nuôi sống nhau.

Nhã (quê Quảng Ngãi) cho biết: “Quỹ luôn trong tình trạng thâm hụt và thầy bỏ tiền túi ra nuôi anh em là chuyện thường. Ở đây, thầy cô coi anh em như con ruột của mình”. Vợ chồng anh Phước còn đứng ra vay tiền và đăng ký mua sáu chiếc xe gắn máy cho những học trò có nhu cầu làm việc, lo cả việc hỏi vợ, đám cưới.

Khó mà tả hết sự đầm ấm và niềm vui ở đây. 18 con người đến từ 18 miền quê khác nhau nhưng trông họ như anh em. Mọi thành viên thay phiên nhau đi chợ và dọn vệ sinh nhà cửa. Việc học cũng được lớp trưởng lên lịch hẳn hoi. Nhóm nhạc Phù Sa Trẻ cũng đã được thành lập (năm 2000) để nâng tính chuyên nghiệp của nhạc công và thường “chạy sô mệt nghỉ”.

Hoàng Hà - quê Nghệ An, tay guitar bass của nhóm - khoe: “Bây giờ thì mình có thể yên tâm vì vứt đi đâu cũng sống được. Học thầy Phước chỉ một thời gian ngắn nhưng khả năng chơi đàn của tụi mình chẳng kém sinh viên nhạc viện đâu nha!”.

Tham gia tích cực phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, các hội thi văn nghệ quần chúng trong những năm gần đây Phù Sa của đơn vị phường An Khánh đã đoạt nhiều giải thưởng. Phong trào thể dục thể thao cũng được cả nhà hưởng ứng tích cực và 18 anh em cũng trở thành đội bóng của phường.

Anh Phước đã được Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM mời thỉnh giảng môn dàn dựng chương trình. Khát vọng của anh còn là cho ra đời một trường trung học chuyên nghiệp dân lập đầu tiên về chuyên ngành nhạc trẻ mà ở đó học sinh sẽ được chú trọng về thực hành. Anh sẽ giữ lại chính những người mình từng cưu mang để cùng xây dựng trường.

Hiện nay Phù Sa có bốn thanh niên đã thi đậu ĐH tại chức ngành văn hóa và nhiều thanh niên khác đang được nâng cao trình độ chuyên nghiệp về âm nhạc. Hi vọng chuyện cổ tích này sẽ đẹp mãi, ấm áp mãi trong cuộc sống đang rất cần những dòng phù sa yêu thương...

TRẦN TRIỀU (SV năm 3 ĐH DL Văn Hiến, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên