04/12/2014 08:36 GMT+7

​Có loại được công chức thoái hóa, biến chất?

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Chính phủ vừa ban hành nghị định 108 quy định việc tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội...

Các thí sinh trong một kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2013 tại TP.HCM. Tổ chức nghiêm túc các kỳ thi tuyển góp phần có được đội ngũ công chức đạt chuẩn - Ảnh: Quang Định

Hi vọng với nghị định này, quyết tâm làm trong sạch bộ máy sẽ trở thành khả thi.

Trước đây đã có rất nhiều đề án, nghị định về tinh giản biên chế, nhưng sau bốn đợt tinh giản, số lượng công chức trong bộ máy không giảm mà lại tăng gần 25%.

Còn nhiều băn khoăn

Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau năm năm thực hiện, năm 2012 tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người.

Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Kiểm điểm lại việc thực hiện nghị định 132 cho thấy đa số người tinh giản là những người tuy chưa đủ tuổi nhưng muốn được nghỉ theo diện vẫn được hưởng các chế độ... Còn đối tượng không làm được việc, thậm chí thoái hóa biến chất vẫn “bám trụ”, không giảm được bao nhiêu.

Nghị định 108 lần này quy định việc tăng giảm biên chế ở các cơ quan phải bảo đảm nguyên tắc cứ giảm được mười người thì chỉ được nhận mới năm người, nên có thể sẽ khắc phục trường hợp tinh giản mà cuối cùng chẳng giảm được ai.

Chúng ta hi vọng nghị định 108 sẽ trao “gươm” cho người đứng đầu, chúng ta kỳ vọng vào kết quả do những người được giao thẩm quyền quyết định giảm biên chế mang lại. Chỉ có vậy mới nâng được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân sẽ đẩy lùi tệ tham nhũng, loại ra khỏi bộ máy những công chức thoái hóa, biến chất.

Tuy nhiên, nếu những ai tâm huyết, theo dõi thường xuyên tình hình thời sự về công tác tổ chức không khỏi còn nhiều điều băn khoăn.

Thứ nhất, hô hào lâu nay đã quá nhiều mà tình hình của bộ máy thay đổi quá chậm, thậm chí có chiều hướng đáng lo ngại hơn.

Thứ hai, lâu nay chỗ yếu của chúng ta là chưa có kế hoạch tổng thể, biện pháp tổ chức thực hiện dài hơi, khoa học, căn cơ, để đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn, xóa bỏ các tệ tham nhũng, quan liêu làm trong sạch bộ máy từ trung ương đến địa phương.

Nếu không có kế hoạch, biện pháp triển khai từ trung ương đến địa phương thì cũng sẽ như mọi lần, có hô hào kêu gọi nhưng dần dần mọi chuyện sẽ lãng quên, đâu sẽ vào đó, tình hình sẽ vẫn như cũ...

Có thực tế, nếu hỏi bất kỳ một người có trách nhiệm nào đó câu hỏi: “Ở đơn vị đồng chí, để loại ra khỏi cơ quan những công chức thoái hóa thì bắt đầu phải làm những việc gì, tiến hành ra sao, có hi vọng đạt kết quả được không?”, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rất chung chung, cùng hàng loạt kêu ca khó khăn như: cơ chế, hoàn cảnh, biện pháp, bước đi, quyền hạn trách nhiệm... được nêu ra.

Cũng đúng thôi, rất dễ xây dựng chân dung một công chức thoái hóa, nhưng khó nhất là trong từng đơn vị “áp chân dung” này cho ai. Bất cập hiện nay là tuy có Luật cán bộ, công chức nhưng chưa đề cập đến hành vi công vụ sai phạm đến đâu thì buộc thôi việc.

Mặt khác, cơ quan sử dụng công chức hầu như không toàn quyền xử lý sai phạm công chức, đặc biệt là khi xử lý hình thức buộc thôi việc...

Điều này đưa đến kỷ cương trong nền hành chính không nghiêm, chưa làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế trong cơ quan mình. Điều này dẫn đến phổ biến là tình trạng nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả bao che, phe cánh... dẫn đến việc tinh giản biên chế không quyết liệt, trong bộ máy vẫn còn nhiều người không làm được việc, thoái hóa, biến chất.

Cần những giải pháp mạnh

Tại cuộc họp thứ nhất ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đặt vấn đề: “Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhưng thật sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào”.

Một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền hành chính trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ...

Gần đây, việc thực hiện đề án “Xác định vị trí việc làm” là một trong những giải pháp của đề án tinh giản biên chế. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó.

Ở đây, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ cán bộ công chức làm cơ sở để đánh giá, đồng thời tăng cường thanh tra công vụ. Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới có cơ sở để đánh giá, loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm. Cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức...

Kinh nghiệm các nước và nước ta cho thấy chế độ biên chế, tuyển dụng suốt đời tạo sự ỷ lại, sức ỳ, trì trệ đối với lực lượng lao động của các cơ quan công quyền.

Còn rất nhiều giải pháp nhưng chỉ xin đưa ra một số giải pháp, cũng chính là mong muốn từ Chính phủ, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương cả hệ thống chính trị trên cương vị của mình, trong tổ chức mình, sớm đề ra giải pháp khắc phục căn bệnh xuê xoa, không nghiêm khắc, không cương quyết.

Có như vậy mới mong quyết tâm làm trong sạch bộ máy trở thành khả thi.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên