20/04/2017 10:04 GMT+7

​Cố lên Tèo ơi

TÚ HỢI
TÚ HỢI

TTO - Tèo thân mến, “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”.

Ngay từ bé, chẳng nói dóc, khoác lác làm gì, nói thật, tớ đã thấm nhuần hai lời răn dạy ấy từ máu tủy. Nhờ thế, mặc kệ ai than phiền, than thân trách phận, nhìn đời bằng con mắt bi quan thì tớ đây vẫn “khỏe re như con bò kéo xe”.

Ối dào, dạo nọ báo chí la toáng lên cái vụ các em học sinh ở vùng nọ, lúc đến trường phải phải đu dây qua sông. Nhìn thấy sợi dây mỏng mảnh như tơ mành, phía dưới cuồn cuộn nước chảy xiết, ai nấy trợn tròn mắt nghĩ tầm xàm nếu đứt dây thì sao? Ối dào, khéo lo. Thì cũng chẳng sao cả. 

Ấy cũng là dịp các em tập bơi, phát huy khả năng thích ứng với sông nước trong tình huống éo le nhất. Mà cũng phải thôi, sau này, biết đâu các em còn va chạm nhiều thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. 

Chẳng hạn, ngay lúc  trời mưa to, giông tố ầm ầm, lũ lụt tơi bời bỗng dưng mấy ông thủy điện cao hứng xả lũ thì sao? Chẳng lẽ, lúc đó, ngồi bó chân chịu trận để nước cuốn trôi à?

Thế đấy, tình huống nào cũng có cái tốt, cái hay của nó cả. Chẳng việc gì phải bi quan đâu. 

Tèo à!

Vừa rồi vụ mấy chục cái biệt thự xây dựng trái phép tại Sơn Trà (Đà Nẵng), chẳng hiểu ra làm sao thiên hạ lại nháo nhào phê bình, đòi kỷ luật người này kẻ nọ. Tức cười thiệt. Họ xây dựng thì kệ họ. Chẳng có gì mà phải ầm ĩ cả lên.

Ca dao xưa có câu: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Thương cha nhớ mẹ nước mắt và lộn cơm”, nay chẳng may biệt thự mọc đầy trên đó, thì ta lại ngắm mây bay qua trí tưởng tượng vậy. Mà nhà bác học Einstein từng bảo rằng, trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức, chẳng lẽ Tèo quên rồi sao?

À, chút xíu nữa lại quên, Tèo còn nhớ cái vụ thu phí đường bộ của dự án BOT không? Thiên hạ phản ứng dữ quá trời. Phản ứng như thế là còn thiển cận lắm.

Này nhé, trạm thu phí mọc ra chằng chịt là để làm gì? Xin thưa, ông bà ta bảo: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”, vì thế khi đóng tiền cứ nghĩ đang làm từ thiện, cứu người. Lối suy nghĩ độ lượng ấy khiến lòng nhẹ nhàng, chẳng việc gì phải nghĩ ngợi lăn tăn cho mệt đầu. 

Lại nữa, tớ ngạc nhiên quá khi hay tin rằng, Tèo đang chuyển sang ăn chay vì sợ thực phẩm bẩn, không khéo ung thư dễ như bỡn. Lại khéo lo. Vừa rồi, tớ có đọc bài thơ cực kỳ lạc quan phổ biến rầm trời trên in-tẹc-net, tớ chép lại như lời động viên gửi đến Tèo sự lạc quan đây:

“Sáng điểm tâm tô bún/ Có ướp tí hàn the/ Xong uống ly hóa chất/ Được gọi là cà phê/ Trưa ghé tiệm cơm bụi/ Ăn bột nở trộn cơm/ Lợn siêu nạc kho trứng/ Trứng nhân tạo vàng ươm/ Chiều nấu cơm hạt nhựa/ Với thịt bò “lên đời”/ Heo tẩm thuốc Trung Quốc/ Thành miếng bò đỏ tươi/ Làm tô canh rau muống/ Tưới dầu nhớt xanh um/ Thêm tí cồn pha nước/ Mặt cũng đỏ bừng bừng/ Tối bạn rủ đi nhậu/ Uống hóa chất ủ men/ Khô mực cao su nướng/ Vẫn tê tái say mèm/ Bốn mươi khám tổng quát/ Bác sĩ cấp văn bằng/ Ung thư giai đoạn cuối/ Ra đồng nằm ngắm trăng”.

Còn gì vui hơn hả Tèo, vì hiện nay, giá đất đang tăng lên vùn vụt, tấc đất tấc vàng. Ấy thế, Tèo vẫn hiên ngang một cách thong dong “Ra đồng nằm ngắm trăng” thì phong lưu, phú quý ai bằng?! 

Nè, Tèo ơi!

Thư này không nhằm ngoài mục đích động viên bạn hãy cố lên. Cố lên mà lạc quan, yêu đời mà sống. Nếu Tèo vẫn còn nghĩ ngợi xa gần, tớ chỉ còn cách khuyên cậu nên học tập theo chàng AQ của văn hào Lỗ Tấn vậy. Dù trong tình huống nào, hắn ta cũng chuyển bại thành thắng rất vẻ vang.

Chẳng hạn: “Hắn giơ tay phải lên, ra sức đánh trên má mình luôn hai cái tát, thấy đau nhức nhối. Đánh xong, hắn cảm thấy trong lòng hòa dịu lại, hình như mình là người đánh, còn kẻ bị đánh lại là một người khác; chẳng bao lâu, hắn cũng lại mường tượng như chính mình đã đánh một người nào, mặc dầu còn đau nhức nhối, hắn cũng thư thả nằm xuống với cái dáng hả hê đắc thắng. Thế là hắn ngủ thẳng” (1).

Sự đời ngẫm cho cùng, chỉ đơn giản vậy thôi. Cố lên Tèo ơi.

----------------

(1) Phan Khôi dịch.

TÚ HỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chuyên đề