07/11/2013 02:34 GMT+7

"Cô làm hư con cô rồi..."

CAO CƯỜNG
CAO CƯỜNG

TT - Giữa trưa, trung tâm hỗ trợ sinh viên một trường đại học công lập ở TP.HCM tiếp một phụ huynh từ miền Bắc vào. Gặp nhân viên trung tâm, vị phụ huynh khẩn khoản nói: “Con cô mới tốt nghiệp trường mình. Giờ cháu... chẳng biết làm gì cả. Mấy cháu xem có việc gì làm giới thiệu giúp”.

Rồi phụ huynh kể thêm, năm trước khi bạn bè cùng lớp con mình tìm nơi thực tập, chuẩn bị hồ sơ, ngược xuôi liên hệ công ty thì con của cô... khỏe re. “Cô có mấy người bạn làm doanh nghiệp nên gửi con vào thực tập. Là công ty quen của mẹ nên trong ba tháng hầu như cháu chẳng phải đụng đến việc gì, cũng chẳng cần đến cơ quan. Cuối cùng cháu vẫn được chứng nhận thực tập tốt về chuyên môn, đạo đức” - phụ huynh kể lại.

Khi nghe nhân viên bảo thực tập là thời gian để sinh viên ứng dụng những kiến thức từ nhà trường vào thực tế, là cơ hội để tìm hiểu thêm môi trường làm việc, cách ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh thở dài: “Cô cứ tưởng thực tập là... đi chơi”. Ngẫm nghĩ một lát, vị phụ huynh thở dài: “Cô đã làm hư con cô rồi”. Có điều dù thừa nhận đã “làm hư con” nhưng vị phụ huynh vẫn lặn lội cả ngàn cây số vào nhờ trường xin việc cho con mình. “Từ nhỏ đến giờ cháu chẳng làm gì. Bữa cơm, áo quần đều có bố mẹ lo nên giờ sợ cháu không làm được. Mấy cháu xem có việc gì đó nhẹ nhàng thì giúp cô”.

Chẳng biết sau khi được mẹ xin việc cho, bạn tân cử nhân 22 tuổi nọ có làm quen được với công việc của mình khi mẹ lo đến tận răng. Thực tế câu chuyện “làm hư con” của vị phụ huynh này không phải cá biệt trong cuộc sống hôm nay khi có những bạn đến tuổi vào đời vẫn được bố mẹ “ủ quá kín”. “Giờ còn sức khỏe mình còn lo được, không biết khi mình không còn ai lo cho nó” - một phụ huynh ở TP.HCM ngày ngày xúc từng chén cơm, giặt từng cái áo cho đứa con trai đã là sinh viên năm thứ nhất lo lắng bảo vậy.

Chợt nghĩ đến câu chuyện của tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - trưởng khoa báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - kể trên mạng xã hội trong mùa sinh viên nhập trường năm nay: “Nhìn cảnh cả cha cả mẹ từ quê miền Trung bỏ việc đưa con vào nhập học, mình vẫn cố đóng vai lạnh lùng đưa lời khuyên rằng hãy để tụi nhỏ cơ hội tự sắp xếp cho cuộc sống của mình...Yêu thương của cha mẹ dành cho con cái chẳng bao giờ là đủ. Chỉ mong các bạn nhỏ luôn nhận ra cách mà ba mẹ đã yêu thương mình”.

Vâng, cha mẹ nào lại chẳng yêu thương, lo lắng cho con nhưng đôi khi “hãy cho tụi nhỏ cơ hội tự sắp xếp cuộc sống của mình”.

CAO CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên