16/04/2005 05:43 GMT+7

Có không khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng?

KHIẾT HƯNG - BÙI QUANG
KHIẾT HƯNG - BÙI QUANG

TT - Cát Bà vừa tổ chức lễ đón danh hiệu khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới. Nhưng cùng được Tổ chức Văn hóa - khoa học và giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận danh hiệu KDTSQ thế giới với Cát Bà còn có khu châu thổ sông Hồng (CTSH) nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình.

e5RCPZlg.jpgPhóng to
Một góc vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng - Ảnh: K.Hưng
TT - Cát Bà vừa tổ chức lễ đón danh hiệu khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới. Nhưng cùng được Tổ chức Văn hóa - khoa học và giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận danh hiệu KDTSQ thế giới với Cát Bà còn có khu châu thổ sông Hồng (CTSH) nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Điều ngạc nhiên là chính những người đáng lẽ phải biết thông tin này lại khẳng định chưa hề có KDTSQ CTSH!

Người nói có, kẻ nói không

Ông Nguyễn Hoàng Trí, thư ký thường trực Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển (MAB) thuộc UNESCO VN, cho biết tháng 12-2004 UNESCO đã công nhận hai KDTSQ của VN là Cát Bà và CTSH. Cả hai khu này đều được ký công nhận vào ngày 2-12. Theo ông Trí, UNESCO đánh giá rất cao khu CTSH bởi đây là KDTSQ đầu tiên của VN có sự liên kết giữa hai tỉnh, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

KDTSQ CTSH nằm trên địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định) và Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) với phần diện tích chính là vườn quốc gia Xuân Thủy và khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Sau khi UNESCO chính thức công nhận KDTSQ CTSH, mặc dù UNESCO VN chưa thông báo cho lãnh đạo hai tỉnh nhưng trước đó, theo ông Trí, khi UNESCO công nhận trên nguyên tắc, UNESCO VN đã có công văn thông báo tới hai địa phương này.

Thế nhưng, cả ông Trần Minh Oanh - chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - và ông Bùi Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi được hỏi về KDTSQ CTSH. Ngỡ chúng tôi nhầm địa chỉ, ông Oanh nói: “KDTSQ thế giới à? Có thấy ai nói gì đâu? Đấy là ở Hải Phòng chứ”. Ông Dũng thắc mắc: “Đã bao giờ nghe nói về chuyện được công nhận là KDTSQ thế giới đâu. Cái này ai ký vậy?”.

Tưởng các ông lãnh đạo tỉnh “quan liêu”, chúng tôi liên lạc với giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình - cơ quan trực tiếp quản lý vườn quốc gia Xuân Thủy. Ông Trần Đình Cao, giám đốc sở, cũng ngạc nhiên không kém trước thông tin vườn quốc gia Xuân Thủy và khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được công nhận là KDTSQ thế giới.

Ông Cao khẳng định chắc nịch rằng không có chuyện công nhận đó, cũng như chưa bao giờ ông nghe nói tới chuyện đề nghị UNESCO công nhận vườn quốc gia Xuân Thủy và khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là KDTSQ CTSH. Thậm chí ông Cao còn thắc mắc: “Mục tiêu của KDTSQ là gì?”. Khi hỏi liệu còn ai nắm được thông tin này ở tỉnh, ông Cao nói: “Sở không biết thì chẳng ai biết cả”.

Nguy cơ bị phá hủy

KDTSQ CTSH có tổng diện tích 105.557ha, trong đó vùng lõi (khu bảo vệ nghiêm ngặt) là toàn bộ khu vườn quốc gia Xuân Thủy. Xuân Thủy cũng chính là khu bảo tồn đất ngập nước đầu tiên của VN và Đông Nam Á được UNESCO công nhận.

CTSH được xem là khu đất ngập nước được rất nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm bởi hằng năm có khoảng 100 loài chim trên thế giới di cư về đây trú đông. Đặc biệt, khu vực này hiện có 1/5 số cò mỏ thìa trên toàn thế giới.

Theo ông Đỗ Quang Tùng - phòng bảo tồn, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - nguyên tắc lập hồ sơ KDTSQ là phải tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các nhà khoa học, của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban ngành liên quan để lấy ý kiến. Trong hồ sơ gửi UNESCO phải có ý kiến của Chính phủ đồng ý chuyển một vườn quốc gia, khu bảo tồn thành KDTSQ. Để có được sự đồng ý này không thể nào tỉnh không biết.

Tuy nhiên, ông Trí cho biết trong quá trình lập hồ sơ cho KDTSQ CTSH, MAB chỉ tổ chức các cuộc họp giữa các nhà khoa học với đại diện bốn huyện nằm trong khu vực KDTSQ và đại diện vườn quốc gia Xuân Thủy, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chứ không có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh.

Hồ sơ của KDTSQ CTSH cũng không có sự cam kết của lãnh đạo tỉnh Nam Định và Thái Bình. Lý do, theo ông Trí, là bởi việc để UNESCO công nhận cần làm sớm hơn so với việc phải có sự cam kết của tỉnh (?).

Việc hình thành các KDTSQ nhằm thực hiện chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, đối với CTSH, ông Trí cho rằng việc công nhận này chỉ mang ý nghĩa “đánh bóng thương hiệu” bởi CTSH là một khu hoang sơ, cơ sở hạ tầng yếu kém, đường giao thông không thuận tiện nên việc phát triển du lịch chỉ là mơ ước trong tương lai. Chính ông Bùi Tiến Dũng cũng thừa nhận CTSH không có lợi thế về phong cảnh như Cát Bà, mặc dù Thái Bình đang rất muốn các doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch sinh thái vào khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Rõ ràng sự khác biệt trong cách hành xử giữa KDTSQ CTSH và Cát Bà như thời gian qua cũng xuất phát từ sự khác biệt về tiềm năng du lịch. Nếu Cát Bà là một trung tâm du lịch thu hút một lượng khách rất lớn, được ưu ái quảng bá rầm rộ thì CTSH vẫn chẳng được mấy ai biết đến.

Ông Trí cho hay thách thức với CTSH hiện nay cực kỳ lớn bởi đây là vùng cửa sông ven biển nên nó chịu tất cả tác động từ thượng nguồn, tác động khô hạn, ngập lụt, ô nhiễm... đến nhận thức của người dân. Ngoài ra, sự khai thác kinh tế không tuân theo những qui định về bảo tồn đang có nguy cơ phá hủy sự đa dạng sinh học của CTSH, khi mà ngay cả những nhà quản lý cũng chưa biết và chưa hiểu hết giá trị đích thực của KDTSQ.

KHIẾT HƯNG - BÙI QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên