Rất mong được chuyên mục cung cấp một số thông tin về chuyên ngành đào tạo này như: chương trình khung, nhu cầu nhân lực và cơ hội việc làm, cơ hội được nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp ĐH...
( P.T.T.H)
Công nghệ hóa học (trong đó có chuyên ngành công nghệ hóa dầu) là một trong những ngành nghề có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển công nghiệp Việt Nam trong những năm tới. Để giúp bạn hiểu thêm về ngành học này, chúng tôi xin cung cấp một số dữ kiện liên quan:
Về kiến thức: Sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, về ngoại ngữ, tin học, kiến thức cơ bản về hóa học, kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ hóa học ở bậc đại học.
Về kỹ năng: Sinh viên được trang bị kỹ năng thực hành, thực nghiệm về hóa học cơ bản và công nghệ hóa học, có khả năng tham gia trong công tác giảng dạy và bước đầu có tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Về năng lực: Cử nhân công nghệ hóa học có đủ năng lực để đảm nhận công tác nghiên cứu ở các trung tâm, các viện nghiên cứu, làm cán bộ kỹ thuật ở các nhà máy, xí nghiệp, làm việc ở các công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh, có khả năng ứng dụng các quá trình công nghệ hóa học vào sản xuất, đảm nhiệm công tác giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc có thể tiếp tục học tập ở các chương trình đào tạo sau đại học.
Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 136 tín chỉ, trong đó: khối kiến thức chung (không tính các môn học giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng - an ninh): 30 tín chỉ, khối kiến thức khoa học xã hội và nhân văn: 2 tín chỉ; khối kiến thức cơ bản chung của nhóm ngành: 68 tín chỉ; khối kiến thức cơ sở ngành: 18 tín chỉ; khối kiến thức chuyên ngành: 11 tín chỉ; khóa luận tốt nghiệp: 7 tín chỉ.
Về chương trình khung cho chuyên ngành công nghệ hóa dầu bao gồm các môn học: Hóa học dầu mỏ, Công nghệ lọc dầu, Công nghệ hóa dầu, Xúc tác lọc hóa dầu, Phụ gia khai thác, vận chuyển và bảo quản dầu mỏ, Các sản phẩm dầu mỏ, Công nghệ sản xuất nhiên liệu dầu và khí, Công nghệ chế tạo monome và các hóa chất cơ bản từ dầu mỏ, Các quá trình oxy hóa hidrocacbon từ dầu mỏ, An toàn và bảo vệ môi trường trong công nghiệp dầu khí, Công nghệ hidro xử lý các sản phẩm dầu khí, Công nghệ tách hidrocacbon trong lọc hóa dầu, Kinh tế dầu khí...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tìm việc làm ở các đơn vị kinh tế chuyên ngành dầu khí hoặc các sản phẩm từ dầu khí hiện đang phát triển rất mạnh ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và nhiều địa phương khác; làm công tác giảng dạy, đào tạo ở các trường đại học, trường dạy nghề hoặc Viện nghiên cứu.
Ngoài ra, sinh viên có thể theo học các khóa nâng cao như đào tạo Cao học, Nghiên cứu sinh tại các trường ĐH, Viện nghiên cứu dầu khí trong và ngoài nước.
Chúc bạn thành công!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, XKLĐ, kỹ năng nghề nghiệp, quyền lợi của người lao động... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn
Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận