Tác phẩm này dự tranh Gấu vàng - hạng mục quan trọng nhất của một trong ba LHP hàng đầu thế giới.
Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong bộ phim Cha và con và... - Ảnh: T.T.D. |
Đạo diễn Phan Đăng Di, hai diễn viên chính Đỗ Thị Hải Yến, Lê Công Hoàng và các thành viên khác của đoàn phim sẽ hiện diện trên thảm đỏ của Berlinale Palast trong buổi công chiếu lần đầu tiên trên toàn thế giới ngày 13-2 tới.
Họ đến Berlin mang theo không chỉ niềm vui, niềm tự hào về lần xuất hiện tự tin đầu tiên của một sản phẩm điện ảnh VN tại hạng mục quan trọng nhất của LHP quốc tế Berlin (diễn ra từ ngày 5 đến 15-2), mà còn là áp lực của niềm hi vọng về giải thưởng đến từ công chúng trong nước.
Một dấu ấn thành công
Xét một cách khách quan, đã nhiều năm nay mới lại có một danh sách 19 phim tranh giải LHP Berlin được đánh giá cao với nhiều phim nổi trội ngay từ khi được công bố. Sự xuất hiện trở lại của đạo diễn gạo cội Terrence Malick với tác phẩm thứ bảy trong sự nghiệp làm phim của ông Knight of cups - bộ phim mang đậm tính triết học về sự tồn tại giữa thực và ảo.
Nhà làm phim người Iran Jafar Panahi là vị khách được mong mỏi ở Berlin từ nhiều năm nay nhưng ông bị cấm xuất cảnh. Lần này, ông gửi tới Berlin bộ phim mới nhất của ông mang tên Taxi, ngay cả trong thời gian ông bị quản chế và cấm làm phim trong vòng 20 năm.
Truyện phim xoay quanh một người lái xe taxi (do chính Panahi thủ vai) và những tình huống trò chuyện với hành khách trên đường ở thủ đô Tehran. Dự báo đây là bộ phim mang tính chính trị cao nhất của phần tranh giải Berlinale năm nay.
Ngoài hai bộ phim trên, còn 16 phim khác sẽ là “đối thủ” mạnh của Cha và con và..., trong đó có một phim Trung Quốc Nhất bộ chi dao (Gone with the bullets) - đạo diễn Khương Văn, diễn viên Thư Kỳ và một phim Nhật Chuyến đi của Chasuke - đạo diễn Sabu.
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền điện ảnh châu Á có truyền thống được vị nể và đều từng mang về tượng gấu ở năm trước và trong lịch sử. Năm ngoái, bộ phim Trung Quốc Bạch nhật diễm hỏa (Black coal, thin ice) đã được vinh danh Gấu vàng, dù trước đó Boyhood (Mỹ) được giới phê bình đặt cược cao cho giải này.
Xác suất cầm tượng gấu cho đại diện VN trong một mùa phim mạnh như năm nay vì vậy không lớn, và hẳn là tùy thuộc một phần không nhỏ vào “duyên số”.
Thật ra Cha và con và... đã được mang tới LHP Berlin hai năm trước khi đang trong quá trình tìm kiếm đầu tư. Vào tháng 6-2013, Quỹ hỗ trợ điện ảnh World Cinema Fund (WCF) của Berlinale quyết định giúp đỡ 40.000 euro.
Và lần này, bộ phim trở lại Berlin để khoe trái ngọt và được WCF trang trọng giới thiệu là dự án duy nhất lọt vào vòng tranh giải chính thức của Berlinale trong số các dự án được quỹ tài trợ trong hai năm qua.
Ông Vincenzo Bugno - đồng quản lý WCF - nhấn mạnh rằng đây không phải là một điều kiện tài trợ, mà các nhà làm phim được hoàn toàn tự do đưa phim trình chiếu đầu tiên toàn thế giới ở nơi nào họ muốn. Tuy vậy, sự ra mắt của Cha và con và... ở nơi phim lần đầu tiên đủ hình hài kịch bản dường như là một duyên tiền định.
Cho dù cuối cùng ban giám khảo sẽ trao Gấu vàng cho Cha và con và... hay không, sự hiện diện của VN đã là một dấu ấn thành công quan trọng của một nền điện ảnh tuy lâu năm nhưng về thành quả quốc tế vẫn còn là lính mới.
Diễn viên Thùy Anh trong dự án phim ngắn Another city của Phạm Ngọc Lân - Ảnh: ĐPCC |
Và Một thành phố khác
Phạm Ngọc Lân nổi bật trong giới làm phim ngắn VN với Chuyện mọi nhà (2011) - bộ phim tài liệu về những phận người khác nhau trong xã hội được liên kết qua sóng phát thanh - một phương tiện truyền thông tưởng chừng như đã không còn chỗ đứng.
Với phim này, Lân từng dự tranh giải khu vực YxineFF 2012 và tới các LHP quốc tế như Visions du Réel (Thụy Sĩ), CPH-DOX (Đan Mạch). Lân đến Berlin lần này để dự Berlinale Talents - một chương trình dành cho các nhà làm phim trẻ đến từ khắp thế giới.
Đặc biệt hơn, dự án phim ngắn của Lân - Another city (Một thành phố khác) được chọn làm một trong chín dự án của Short Film Station (Ga phim ngắn) - nơi các nhà làm phim trẻ có thể kết nối và tìm kiếm cơ hội đưa dự án trên giấy thành hiện thực thông qua quá trình trao đổi với chuyên gia để hoàn thiện kịch bản và giới thiệu dự án trước các nhà sản xuất phim ngắn quốc tế. Phim được Nguyễn Hoàng Điệp sản xuất với sự tham gia của Thùy Anh trong vai chính.
Another city sẽ là phim truyện ngắn đầu tiên của Lân, sau một số phim tài liệu và video. Lân đã chuẩn bị cho dự án trong suốt năm qua và hiện đang trong quá trình tìm tài trợ. Nếu tiến triển tốt, phim sẽ được quay vào mùa hè năm nay.
Đến Short Film Station lần này, Lân hi vọng sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện kịch bản, có người làm nhạc và hậu kỳ cho phim. “Sẽ thật tuyệt vời nếu tôi tìm được đồng sản xuất tại châu Âu bên cạnh nhà sản xuất phía VN là chị Điệp, nhưng chắc khó” - Lân tự đánh giá.
Ba gương mặt trẻ Dịp diễn ra LHP Berlin hằng năm, Viện Goethe thường tổ chức một chương trình tham quan tìm hiểu về LHP, trường quay, quỹ hỗ trợ... cho các nhà làm phim trẻ tới từ các nước đang phát triển. Năm nay, có tới ba gương mặt VN được chọn cho chương trình này gồm Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Mỹ Trang và Nguyễn Thị Thắm. Trinh Thi là nhà làm phim tài liệu, người sáng lập và điều hành Doclab Hà Nội. Mỹ Trang là nhà biên kịch, cô nhận được giải thưởng từ trại sáng tác HANIFF (LHP quốc tế Hà Nội) năm 2014 và sẽ mang kịch bản dự án phim truyện dài của cô tới Berlin với mong muốn tìm hiểu cơ hội từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh. Còn Thắm là cái tên được nhắc đến rất nhiều trong năm vừa qua với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014) - bộ phim tài liệu chiếu bán vé được phát hành độc lập bởi Blue Productions đã thu hút tới 30.000 lượt người xem cả nước. Trong danh sách tranh giải Gấu vàng tại Berlinale năm nay, The pearl button (Chiếc khuy ngọc trai) của nhà làm phim người Chile Patricio Guzmán là phim tài liệu duy nhất. Khi biết tin này, Thắm hào hứng cho biết: “Đây là nguồn cổ vũ lớn lao cho những nhà làm phim tài liệu độc lập như tôi, vốn dĩ luôn cảm thấy e dè và yếu thế hơn phim truyện. Với cá nhân tôi, chỉ có phim hay hoặc dở chứ không phân biệt thể loại và phong cách. Tuy nhiên, khi nhìn vào cục diện phát triển chung, rõ ràng phim tài liệu kén người xem hơn và là một sân chơi ít “xôm tụ” hơn phim truyện. Do đó, đôi khi tôi cảm thấy mình ở “chiếu dưới” và đi “bên lề”. Quả thật tôi vô cùng hạnh phúc và thấy mình như được tiếp sức”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận