23/05/2014 07:30 GMT+7

Cô học trò xin làm tạp vụ nay là "Viên phấn vàng"

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Nhà cô giáo Nhữ Thị Hoa, nhân vật trong bài “Cô học trò xin làm tạp vụ” (Tuổi Trẻ 22-5), nhỏ nhắn, bộn bề sách vở và khuất sâu trong con hẻm nhỏ tại khóm Tân Bình, P.An Hòa, TP Sa Đéc (Đồng Tháp).

Cô học trò xin làm tạp vụGiáo viên và học sinh thay nhau làm “tạp vụ”Ngôi nhà của tình thầy trò

xYebkKcc.jpgPhóng to
Cô Nhữ Thị Hoa (phải) kèm cặp một học sinh học toán - Ảnh: Th.Tú

Với nụ cười hiền, gần gũi cùng đôi mắt sáng và phong thái nói chuyện tự nhiên, nhắc lại câu chuyện “quét rác” năm xưa với vẻ tự hào, cô Hoa nói: “Những việc đã làm khiến tôi vô cùng xúc động và trưởng thành hơn”.

Bốn năm quét dọn một ngôi trường

"Về chuyên môn, cô Hoa luôn chia sẻ với đồng nghiệp để cùng tiến bộ. Với học sinh thì rất trách nhiệm, gần gũi, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ từng học sinh yếu đến học sinh giỏi nên em nào cũng quý mến, phụ huynh rất tin tưởng"

ThầyNGÔ THÀNH DUNG

Cô kể hôm đó Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc tổ chức buổi giao lưu với những cựu học sinh tiêu biểu.

Mục tiêu của buổi giao lưu là khơi gợi lòng tự hào về mái trường, về những anh chị học sinh đi trước đã thành công trong học tập và cuộc sống với các em học sinh đang theo học. Khi buổi nói chuyện gần kết thúc, tự dưng cô muốn chia sẻ với các em về câu chuyện của mình.

“Đó là năm học lớp 8, lúc đó trường không thuê được nhân công dọn dẹp vệ sinh do không có nhiều kinh phí. Cùng lúc đó, hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn. Gia đình có năm chị em, mình là con thứ tư trong gia đình. Nhà không ruộng đất, nghề thợ mộc của ba không đủ nuôi sống gia đình. Mẹ phải tảo tần làm đủ việc như cấy lúa, làm cỏ thuê... để nuôi đàn con” - cô Hoa bồi hồi nhớ lại.

Đưa tay chấm đuôi khóe mắt đỏ hoe vì những kỷ niệm xưa chợt ùa về, cô Hoa kể tiếp: “Người chị lớn phải nghỉ học giữa chừng để phụ mẹ làm lụng nuôi em.

Mình học lớp 8, còn anh trai học lớp 10, em gái út học lớp 3 và nhà chỉ có hai chiếc xe đạp cọc cạch, hư suốt. Nhiều hôm phải đi nhờ xe bạn bè đến lớp. Do đó khi biết được chuyện đang thiếu người dọn dẹp vệ sinh ở trường, mình đăng ký ngay.

Một trăm ngàn một tháng lúc đó không nhiều với một gia đình khá giả, nhưng với mình số tiền lúc đó khá lớn, phần nào giúp trang trải chi phí cho việc học, ba mẹ nhẹ đi một nỗi lo”.

Hết năm học lớp 9, sang học lớp 10 rồi lớp 11 ở Trường THPT Sa Đéc, cô học trò tên Hoa ngày nào vẫn tiếp tục công việc tạp vụ tại Trường THCS Võ Thị Sáu.

Sau mỗi buổi học tại trường THPT, Hoa lại tất tả chạy về ngôi trường THCS ấy để vén đôi tà áo dài, xách nước, cầm chổi, quét dọn, hoàn thành công việc vệ sinh như đã hứa với các thầy cô. Mãi đến đầu năm lớp 12, học trò Nhữ Thị Hoa mới dừng công việc tạp vụ để tập trung cho việc học.

“Nếu không có cô Phan Thị Ngọc Dung (lúc đó là phó hiệu trưởng THPT Sa Đéc) thấy hoàn cảnh của mình và yêu cầu gia đình để cô cưu mang, hỗ trợ học hết năm 12 thì chắc mình không dám bỏ công việc quét dọn đó” - cô Hoa nói, đôi mắt lại đỏ hoe, chớp chớp.

“Viên phấn vàng” hôm nay

Công việc nào cũng có giá trị

* Điều gì đọng lại trong cô khi mình từng là người quét rác ở ngôi trường xưa?

- Cô Nhữ Thị Hoa: Tôi nghĩ công việc nào cũng có giá trị, miễn sao mình kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình. Thông điệp này tôi thường nhắc nhở những đứa em trong nhà và ngay khi lên bục giảng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở học trò.

* Câu chuyện quét rác trước đây nhiều đồng nghiệp không biết, ngay cả thầy hiệu trưởng cũng không. Nay nhiều người đã đọc được câu chuyện này cô có cảm thấy “thẹn thùng” không?

- Tôi nghĩ câu chuyện này mới với một số người nhưng không lạ với nhiều người. Trong quá trình dạy học, tôi từng uốn nắn nhiều em học sinh về hành vi xả rác bừa bãi. Mỗi lần như vậy, tôi đều đem câu chuyện quét rác của tôi ngày xưa nói cho học trò biết nên bây giờ có thêm nhiều người khác biết cũng chẳng thấy thẹn thùng gì.

Quá trình học ở THPT gần như Hoa không biết học thêm là gì. Hè năm học lớp 11, Hoa xin phụ giúp việc nhà cho cô hiệu phó Phan Thị Ngọc Dung. Thấy hoàn cảnh và sự chăm chỉ của Hoa nên cô Dung yêu cầu gia đình để cô cưu mang và giúp đỡ em hết năm học lớp 12.

Lúc lên ĐH, Hoa chọn Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp cho gần nhà, giảm bớt chi phí.

Trong khi bạn bè dành phần lớn thời gian rảnh rỗi đời sinh viên để sinh hoạt vui chơi thì Hoa lại tiếp tục bươn chải mưu sinh bằng cách tìm mối dạy kèm.

“Cái khó không bó cái khôn mà tôi cho rằng cái khó ló cái khôn khi mình biết sống” - cô Hoa tâm sự. Bởi theo cô Hoa, vì luôn ý thức được rằng gia đình mình khó khăn nên phải cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất. Cũng nhờ đó mà cô Hoa đã có đủ kiến thức, sự trải nghiệm, kinh nghiệm và bản lĩnh cuộc sống để đứng vững trên bục giảng.

Năm 2004 ra trường, cô được phân công về Trường THPT Sa Đéc. Năm đầu cô Hoa được xếp dạy môn toán lớp 10, năm sau lớp 11 và năm sau nữa lớp 12. Khi nhận dạy lớp cuối cấp, cô Hoa không khỏi lo lắng.

Nhưng nhờ tính chăm chỉ, chí cầu tiến, học hỏi từ thầy cô đi trước nên cô Hoa dễ dàng vượt qua áp lực. Ngay trong năm đầu tiên dạy lớp 12, cô Hoa đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”.

“Với giải thưởng ấy tôi lại càng không ngừng cố gắng trau dồi thêm kiến thức, chuyên môn để thực hiện tốt công việc, tiếp bước các thầy cô của mình truyền đạt kiến thức cho các em đạt kết quả tốt nhất” - cô Hoa cười nói.

Thầy Vũ Hoài Triệu, giám khảo kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2007, cho biết trong kỳ thi đó có nhiều giáo viên lớn tuổi, cô Hoa có lẽ là người trẻ nhất nhưng lại gây cho thầy ấn tượng nhất.

“Nếu như các giáo viên khác tính toán từng phút, từng giây cho từng phần của bài giảng để chứng minh mình dạy tốt thì cô Hoa giảng dạy một cách vô tư, đầy nhiệt huyết, đặc biệt là không để ý gì đến giám khảo mà chỉ để ý đến học trò của mình. Điều đó đã thuyết phục được tôi và hai giám khảo khác đến từ Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Sư phạm Đồng Tháp. Bây giờ tôi đã về hưu, nay nghe chuyện cô Hoa từng quét rác hồi đi học, tôi càng cảm thấy mừng và rất tự hào vì mình đã có quyết định đúng” - thầy Triệu bộc bạch.

Không giấu vẻ tự hào và khâm phục, thầy Ngô Thành Dung, hiệu trưởng Trường THPT Sa Đéc, cũng chia sẻ: Do mới về trường vài năm nên không biết được câu chuyện cô Hoa từng quét rác khi còn là cô bé học trò.

Tuy nhiên, việc cô Hoa không có ý giấu câu chuyện xưa mà còn tự hào với công việc đã làm khiến thầy rất khâm phục, đó là điều rất đáng quý.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    C\u00f4 h\u1ecdc tr\u00f2 xin l\u00e0m t\u1ea1p v\u1ee5\u201d (Tu\u1ed5i Tr\u1ebb 22-5), nh\u1ecf nh\u1eafn, b\u1ed9n b\u1ec1 s\u00e1ch v\u1edf v\u00e0 khu\u1ea5t s\u00e2u trong con h\u1ebbm nh\u1ecf t\u1ea1i kh\u00f3m T\u00e2n B\u00ecnh, P.An H\u00f2a, TP Sa \u0110\u00e9c (\u0110\u1ed3ng Th\u00e1p)." />