Nhiều doanh nghiệp vận tải thủy ở TP HCM và một số tỉnh miền Tây đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đổi mới qui định bằng thuyền trưởng - Ảnh: TTO |
Theo ông Hoàng Văn Hùng - chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa phía Nam, theo qui định người có bằng thuyền trưởng hạng nhất phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp, hộ gia đình hành nghề vận tải thủy có truyền thống cha truyền con nối trên vùng sông nước, không có điều kiện học hành để có bằng cấp theo qui định.
Do đó, để đối phó với việc thiếu bằng cấp lái tàu, nhiều gia đình,doanh nghiệp vận tải thủy đã thuê bằng thuyền trưởng hạng nhất, hạng nhì với giá từ 3-7 triệu đồng/tháng để tránh bị phạt khi bị kiểm tra.
Mới đây nhiều doanh nghiệp vận tải thủy ở TP.HCM và một số tỉnh miền Tây đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đổi mới qui định bằng thuyền trưởng.
Theo đó, cho phép người có bằng thuyền trưởng hạng 3 được lái tàu, sà lan…. ở hạng bằng thuyền trưởng hạng 2, người có bằng thuyền trưởng hạng 2 được lái tàu ở hạng bằng thuyền trưởng hạng nhất (được lái phương tiện thủy trên 400 mã lực, tàu, sà lan trên 500 tấn, đoàn tàu lai dắt trên 1.000 tấn...).
Đồng thời, kiến nghị đưa qui định tiêu chuẩn của người có hạng bằng thuyền trưởng hạng nhất được phép lái tàu có trọng tải lớn hơn so với hiện nay.
Từ những kiến nghị trên của các doanh nghiệp và để tháo gỡ khó khăn về vận tải thủy, mới đây lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ xem xét, nghiên cứu để giải quyết vấn đề trên.
Theo ông Hoàng Văn Hùng, hiện nhiều doanh nghiệp, gia đình kinh doanh vận tải trên tuyến đường thủy đầu tư vốn sắm phương tiện thủy có sức chở lớn ngày càng nhiều để tăng sức cạnh tranh.
Vì vậy, nhu cầu người điều khiển phương tiện có bằng thuyển trưởng hạng nhì và hạng nhất cũng nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận