Cô Vũ Vương Anh Đào và các học sinh lớp 10A1 Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh trong giờ dạy môn sử - Ảnh: Như Hùng |
“Ở trường ít học sinh chọn ban C, nên tôi hun đúc tình yêu sử và chọn học sinh đi thi học sinh giỏi lịch sử cũng từ những em khối A, B” - cô Đào bộc bạch.
8g40, lớp 10A1 bước vào giờ sử “Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15”. Chỉ trong 45 phút nhưng cô trò phải đi từ cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê, cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược cho đến phong trào đấu tranh chống quân Minh và khởi nghĩa Lam Sơn.
Kiến thức ngồn ngộn, thời gian ít ỏi và những quy định khắt khe của kế hoạch giảng bài vẫn không làm cho bài giảng của cô Anh Đào tại lớp 10A1 hôm đó khô khan, mà hết sức sinh động, thu hút.
Cả lớp với 45 học sinh được chia làm bốn nhóm, cô giáo cho hai phút để hội ý, lấy thông tin từ sách, báo, Internet... để nói ngắn gọn về bối cảnh lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 10. Trên bảng, bản đồ Đại Cồ Việt với kinh đô Hoa Lư được vẽ thành lược đồ chống Tống xâm lược năm 981.
Từ đó, học sinh biết được đường đi của quân xâm lược Tống, biết được sơ đồ chiến thuật và các trận đánh chiến lược của quân dân nhà Tiền Lê như ải Chi Lăng, cửa sông Bạch Đằng. Cách làm này giúp học sinh dễ dàng hình dung được chiến thuật đánh chặn, phục kích, chia hai cánh quân như hai gọng kìm của vua Lê Hoàn, bảo vệ nền độc lập của Đại Cồ Việt năm 981...
Nói về những giờ giảng của cô Đào, em Nguyễn Thụy Phương Anh, lớp 10A1, cho biết: “Giờ sử của cô Đào lúc nào cũng khiến chúng em có nhiều cảm xúc và hiểu bài sâu sắc. Có những lúc chúng em xúc động đến muốn khóc, nhưng cũng có lúc trào dâng cảm giác căm hờn”.
Còn nam sinh Vũ Phước Nguyên thì phấn chấn với bài giảng nhiều phương pháp của cô Đào: “Hồi cấp II, giờ sử chúng em toàn học chay. Giờ được xem bản đồ động, xem những thước phim tài liệu qua máy chiếu... nên chúng em rất dễ hình dung chiến lược, chiến thuật của mỗi trận đánh quân xâm lược. Học hiểu luôn tại lớp nên thấy sử thú vị lắm”...
Cô Đào giải thích thêm: “Môn sử tích hợp được nhiều môn học lắm, từ thơ văn, địa lý đến cả các môn tự nhiên. Thấy phù hợp là tôi đưa vào bài giảng để học sinh biết linh hoạt trong sử dụng kiến thức và tư duy”.
Là giáo viên lịch sử đã 20 năm, cô Đào cho biết môn lịch sử là môn học rất dễ thấm vào tâm hồn học sinh, nhưng để giỏi sử thì cần thiết phải được bắt đầu bằng đam mê. Chính đam mê đã dẫn lối cho nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu chọn ban A, ban B làm khối thi đại học, nhưng lại đăng ký thi học sinh giỏi môn lịch sử, rồi đoạt những giải cao.
Một học sinh giỏi toán, một ngày được cô giáo sử đề nghị vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn lịch sử; rồi một học sinh học rất khá môn lý, ngày khác cũng được cô giáo sử để ý, chọn thi học sinh giỏi môn lịch sử. Những chuyện này là hết sức bình thường trong Trường THPT Võ Thị Sáu.
“Giáo viên sử có lợi thế là được dạy khá nhiều lớp trong khối. Vì vậy, trong những giờ dạy của mình, khi chấm bài kiểm tra, tôi phát hiện ra những học sinh có đam mê với môn sử. Thế là chọn thôi” - cô Đào cười nói.
Truyền lửa cho học sinh Nhận xét về những giờ dạy sử của cô Đào, ông Lê Văn Phước, hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, cho biết điểm gây ấn tượng mạnh nhất khi đến dự những giờ dạy của cô Đào là cô dạy rất nhiệt tâm, dạy với một tình yêu luôn nóng hổi. Do vậy, cô Đào đã truyền được ngọn lửa yêu lịch sử cho học sinh. Cô không truyền đạt khô khan, đọc chép mà biết cách kết hợp giữa phân tích, dùng hình ảnh, sưu tầm tài liệu, đưa học sinh đi tham quan... để các tiết dạy thêm phần hấp dẫn, cuốn hút. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận