24/12/2013 07:30 GMT+7

Cỏ có còn xanh…

NGÔ THỊ PHÚNG (Phú Yên)
NGÔ THỊ PHÚNG (Phú Yên)

AT - Người ta nói người miền Trung hay lo có lẽ không sai, chính vì cái thời tiết khắc nghiệt đã tạo nên tính cách con người ở đây như vậy. Nghĩ mà thương quê mẹ miền Trung, dải đất có đường viền cong cong nhô ra biển, Phú Yên quê mình nằm lọt thỏm giữa hai ngọn đèo cao ngất là đèo Cù Mông và đèo Cả hằng năm hứng chịu không biết bao nhiêu là cơn bão lụt. “Trời hành cơn lụt mỗi năm”.

H6w61xVC.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thành Trung

Hồi còn sống, mỗi khi thấy chúng tôi chuẩn bị hạt giống rau hoa gieo trồng cho vụ tết, ông tôi thường cảnh báo: “Phải qua hăm ba tháng mười đó nghen các cháu!”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Ông ơi! qua hăm ba tháng mười là hết lụt hả ông?”. “Ừ, Ông tha mà bà chẳng tha, trời làm cây lụt hăm ba tháng mười đó cháu!”. Rồi ông ngậm ngùi nhắc lại trận lụt năm Giáp Tý 1924 ở Phú Yên quê tôi, cũng cái ngày hăm ba oan nghiệt ấy, trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn như thế nào! “Cả tỉnh ngập chìm trong biển nước, còn xã Hòa Đồng gần sát xã mình đó, chết hết bảy thôn”. Ông lắc lắc đầu, lặng thinh không nói nữa, có lẽ ông không muốn nhắc lại hồi ức đau buồn mà ông đã chứng kiến. Cái mong mỏi đất Phú trời Yên của tiền nhân thời xa xưa đi mở đất sao mà xa đến vậy.

Ông tôi đã thành người thiên cổ, chắc ông không ngờ ngày nay lũ lụt bất thường đâu chỉ đến ngày hăm ba tháng mười âm lịch. Còn tôi chẳng hình dung nổi trận lụt năm Giáp Tý khủng khiếp như thế nào nhưng trận bão lụt kinh hoàng năm 2009 thì tôi đã từng trải qua. Trước ngày bão lũ, trời vẫn trong veo không một gợn mây, trong khi đó loa phóng thanh xã oang oang báo động cơn bão sắp đổ bộ vào Phú Yên lúc 10 giờ. Anh tôi bảo: “Mấy ông nhà đài cứ lo xa, thời tiết đẹp thế này thì làm gì có bão”. Ba tôi rầy anh tôi vì cái tính vô tư rồi hối thúc mọi người phát quang cây cối, nhanh tay chằng néo nhà cửa… phòng chống bão, vậy mà khi bão đến vẫn không ai kịp trở tay.

Đó là vào lúc gần trưa, cơn bão đột ngột ập đến. Rồi gió, gió rít lên từng hồi. Nhìn qua khe cửa, hàng cây ngã rạp theo chiều gió, hàng tre bao bọc quanh nhà bị gió bẻ gãy từng cây nghe như súng nổ, mái tôn hàng quán nhà dì Tư bị gió quật xuống văng lên bay như cánh buồm trên không trung. Trời đất như nổi cơn đau, gió cứ vật vã, hổn hển, gầm gào cuồn cuộn đổ xô xuống, trận sau mạnh hơn trận trước. Đất trời cũng nghiêng ngả quay cuồng gào thét dữ dội. Hình như có cái gì đó đang va vào nhau. Chết rồi! Mái ngói bị gió lật rơi loảng xoảng. Chú Tư nhà bên hét to, tiếng chú bạt trong gió tôi nghe tiếng được tiếng mất: “Các cháu ơ…i, đội mũ bảo hiểm lên kẻo miểng ngói văng trúng đầu”. Mái tôn sau nhà tôi đập ùng oàng như sấm rền. Ba tôi cùng mấy thanh niên vạm vỡ trong xóm đang cột dây thừng lên đòn tay neo giữ, vậy mà mái tôn vẫn cứ nhấp nhỏm. Bỗng đòn tay trở mình gãy rắc, ai nấy đều thót tim. Ba tôi hét khản cả giọng: “Ra ngoài mau kẻo chết cả lũ”. Bão cứ hoành hành như vậy hơn bốn tiếng đồng hồ. Gió cứ chà đi xát lại, làng xóm xác xơ.

Vậy mà vừa dứt cơn bão, đã nghe tiếng mọi người í ới gọi nhau xem ai có cần gì giúp đỡ. Đêm ấy, lũ bắt đầu lên, nước cứ dâng từ từ. Cả làng không điện không nước, trong nhà ai cũng thắp ngọn đèn dầu tù mù. Trống ngoài thôn cứ thúc liên hồi sợ mọi người ngủ quên ngập chìm trong nước. Té ra chẳng có ai ngủ được, tiếng eng éc của heo khi được dời lên chỗ cao, tiếng gà nháo nhác từng bầy, tiếng bò rống khi nửa đêm bị dựng dậy đưa lên đồi… Hồ cá nhà anh Tâm theo con nước chảy hết ra đường. Mới đầu anh ngạc nhiên là cá ở đâu theo lũ về nhiều thế, té ra cá ao nhà mình, vậy là vốn lãi mất sạch.

Hôm sau nước rút dần, bầu trời sau cơn bão yên bình đến lạ, chỉ có vết tích của trận bão lũ đi qua là còn in hằn trên khắp thôn cùng ngõ xóm. Những ngấn nước phù sa như một vạch kẻ trên bờ tường,hàng cây ngoài ngõ. Ba mẹ tôi ngồi nhìn bức tường dưới chân đổ sụp, mái nhà trống huơ trống hoác chết sững. Của cải một đời người chắt chiu dành dụm thoáng chốc đội nón ra đi. Chú Tư đến bên nhỏ giọng an ủi: “Thôi, còn người là còn của, vợ chồng bay sức dài vai rộng gây dựng lại mấy hồi, ông trời rồi cũng thua mình thôi!”. Bứt một cọng cỏ chú đưa lên miệng nhai rồi nói tiếp: “Cây cỏ sống được mình sống được, lo gì!”.

Cũng thật là lạ lùng, trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên như vậy, bão lũ triền miên, xóm làng xác xơ như qua cơn ốm thập tử nhất sinh, chỉ có đồng cỏ sau nhà là xanh mươn mướt vươn mình trong mưa bão như bất chấp mọi thiên tai. Cái giống cỏ tây ấy cao quá đầu người có sức sống mãnh liệt, cứ bình thản vượt lên mà tồn tại, trời càng bão lũ càng mướt xanh một màu. Cả làng tôi đã sống nhờ vào đàn bò và cánh đồng cỏ như vậy đó, không ai nghĩ đến chuyện bỏ làng ra đi. Từ những mất mát tưởng chừng không gượng dậy được, con người đã tìm ra được lẽ sống: Cây cỏ sống được, con người sống được.

Đứa em tôi đi học xa nhà, đến mùa mưa lũ đứng ngồi không yên, tin nhắn cứ dồn dập bay về: “Ở quê nhà, cỏ có còn xanh?”.

1xkpqRpJ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGÔ THỊ PHÚNG (Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên