24/01/2022 13:53 GMT+7

Cơ chế mới để thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn thất thoát diện rộng

N.AN
N.AN

TTO - Với cơ chế ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương có thể xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương đối với tội phạm tham nhũng, có thể khắc phục điểm nghẽn thu hồi tài sản tham nhũng.

Cơ chế mới để thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn thất thoát diện rộng - Ảnh 1.

Cơ chế mới trong thu hồi tài sản tham nhũng sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn thất thoát tài sản - Ảnh: N.K.

Đó là thông tin được nêu ra trong họp báo ngày 24-1 công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đầu tư, Nhà ở, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thi hành án dân sự.

Một trong những điểm đáng chú ý của luật được công bố lần này là nội dung về việc sửa đổi, bổ sung một số điều với Luật Thi hành án dân sự, ngăn chặn tình trạng tham nhũng trên cơ sở mở ra cơ chế thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng ở địa phương.

Theo đó, khi cơ quan thi hành án nhận bản án thì có cơ chế ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương để xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương khi các tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ở nhiều địa phương khác nhau.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng cơ chế này được kỳ vọng khắc phục "điểm nghẽn" thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo ông Hà, dù thời gian gần đây có tiến bộ hơn, song việc thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, trung bình chỉ đạt 10%. Một trong những điểm nghẽn là do cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong Luật Thi hành án dân sự hiện nay bắt buộc phải thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác.

"Chẳng hạn một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý thì theo cơ chế cũ, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản sẽ kéo dài 3 năm. Luật sửa đổi lần này bổ sung cơ chế mới cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương. Như vậy, sẽ xử lý nhanh và triệt để hơn, khắc phục điểm nghẽn trong thời gian qua", ông Hà phân tích.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo - cũng nhấn mạnh, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định ủy thác thi hành án từng phần dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

"Quy định cũ buộc phải chờ địa phương này xong thì mới được ủy thác thi hành án ở địa phương kia. Trong thời gian đó, kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản. Thực tế thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua rất thấp", ông Hiếu nói và cho biết với cơ chế mới, Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đối với việc đánh giá tác động các chính sách với dự án luật vừa được công bố, khi đây là lần đầu tiên có dự án luật sửa đổi 9 luật với các vấn đề hoàn toàn khác nhau, ông Hiếu cho biết, việc một luật sửa nhiều luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

"Theo quy định của luật thì kỹ thuật này áp dụng cho một số tình huống cấp bách, đã được nhận thức rõ, đánh giá tác động kỹ lưỡng và các vấn đề nằm trong các lĩnh vực có quan hệ xã hội gần nhau", ông Hiếu nói, song cũng cho rằng cần thận trọng một luật thông qua nhiều luật cần được hạn chế tối đa vì đây là "kỹ thuật phức tạp chứ không đơn giản".

Theo đó, những vấn đề được lựa chọn sửa đổi là những vấn đề bất cập lớn, đã được phát hiện nhận thức rõ, "không thể không sửa để khắc phục các vướng mắc"; các chính sách đều đã được các bộ ngành đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định chi tiết. Các chính sách cũng được tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khá cụ thể.

Hoàn thiện hợp nhất tại một văn bản

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho hay để hoàn thiện văn bản luật, sau khi luật được công bố, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành hợp nhất các luật tại một văn bản hợp nhất để các tổ chức, cá nhân sẽ đọc, tra cứu nội dung của luật.

Đồng thời, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, cập nhật đầy đủ thông tin tới doanh nghiệp và người dân, cập nhật các quy định đã được sửa đổi, bổ sung.

Dự án luật sửa đổi 9 luật vừa được Quốc hội thông qua ngày 11-1 tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo

TTO - Liên quan tới bê bối tại vụ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á, chiều tối 30-12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã có thông báo báo chí về chủ trương chỉ đạo xử lý vụ việc này.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên