16/01/2013 04:40 GMT+7

Có cần xây 57 rạp chiếu phim?

KIẾN MINH
KIẾN MINH

TT - Xung quanh đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa”, cùng với câu chuyện xây mới 51 nhà hát (“Đề án trong mơ?” - Tuổi Trẻ ngày 15-1), kế hoạch xây mới 57 rạp chiếu phim cũng là một tham vọng... đáng băn khoăn.

10.800 tỉ đồng cho các công trình văn hóa: đề án trong mơ?

Đầu tư rạp phim gặp nhiều khó khăn

LmoxW684.jpgPhóng to
Megastar - hệ thống rạp phim thuộc sở hữu của Tập đoàn CJ Hàn Quốc - hiện giữ vị trí bá chủ trong “làng” rạp phim Việt với 10 cụm rạp. Trong ảnh: rạp chiếu phim Megastar ở tòa nhà CT Plaza Q.Tân Bình, TP.HCM- Ảnh: Thuận Thắng

Chưa cần nghĩ xa hơn, chỉ nhìn vào vài điều khoản triển khai kế hoạch, người ta sẽ thấy ngay khả năng giải quyết một số vấn đề tồn tại của ngành điện ảnh. Chẳng hạn như việc xây mới hai trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có 8-10 phòng chiếu. Sự có mặt của hai trung tâm này rõ ràng sẽ giải tỏa được những bức xúc lâu nay của lãnh đạo ngành điện ảnh trong việc bị nhiều hệ thống rạp chiếu hiện đại của tư nhân và nước ngoài từ chối làm địa điểm cho các liên hoan phim, sự kiện kỷ niệm... do ngành đứng ra tổ chức. Hay chuyện nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật cho 49 rạp chiếu sẽ là tin vui lớn cho các doanh nghiệp chiếu bóng quốc doanh đang rệu rã vì đã mất một phần bao cấp giữa lúc cơ sở vật chất xuống cấp hư hỏng. Bởi “bầu sữa chung” được dự kiến bơm thêm cho toàn bộ đề án lên tới con số 10.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỉ đồng.

Nguy cơ của một “thực thể” kỳ dị

Nếu động thái này diễn ra từ nửa cuối thập niên 1990, khi ngành sản xuất phim và chiếu bóng trong nước lâm vào cảnh kiệt quệ sau cơn bạo phát bạo tàn của dòng phim mì ăn liền, hẳn là điện ảnh Việt hôm nay đã có một câu chuyện khác. Nhưng vì nó diễn ra muộn màng - sau hơn một thập niên chứng kiến khu vực tư nhân nhờ chủ trương xã hội hóa đứng lên chiếm lĩnh ngành sản xuất phim, rồi cùng với nước ngoài xây dựng các rạp chiếu hiện đại theo mô hình cụm rạp (cineplex), sự hồi sinh của cái đã và đang chết khiến điện ảnh nội địa có nguy cơ đứng trước một “thực thể” kỳ dị.

Cùng với 57 rạp được Nhà nước đầu tư xây mới, người ta hiện chưa rõ cơ chế nào để chúng có thể khớp được vào “cỗ máy” thị trường chiếu bóng đang lớn mạnh từng ngày hay trở thành một nguy cơ phá vỡ cấu trúc thị trường? Bởi nếu những “rạp nhà nước kiểu mới” ra đời như những cụm rạp hiện đại, cao cấp, thì những cụm rạp do tư nhân và nước ngoài vốn cũng đang lớn mạnh cần phải được đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Hoặc nếu không, chúng cần phải làm nhiệm vụ lấp đầy khoảng trống - mà vì lợi nhuận nên khu vực tư nhân và nước ngoài đã bỏ qua - đó là rạp phim phục vụ phân khúc người bình dân ở các đô thị lớn và khu vực nông thôn.

Động thái nào cho lĩnh vực phát hành?

Một điểm khác gây ngạc nhiên không kém là chủ trương hiện đại hóa và xây mới hàng chục rạp chiếu của Nhà nước lại không đi kèm bất cứ động thái nào trong việc can thiệp vào lĩnh vực phát hành, vốn là khu vực chính tạo ra nguồn phim để nuôi sống rạp chiếu. Ba trong số năm nhà phát hành lớn nhất trên thị trường hiện nay (Megastar, Lotte, Platinum) đồng thời sở hữu ba hệ thống có số lượng cụm rạp nhiều nhất. Hai nhà phát hành còn lại thuộc về khu vực tư nhân (Galaxy, BHD) đang loay hoay vừa phát triển hệ thống rạp, vừa sản xuất phim. Guồng máy đang vận hành này đã tạo diện mạo màn ảnh Việt mà người ta thấy hôm nay: chiếm số lượng áp đảo là các phim nhập từ khắp nơi, phần lớn là Hollywood, rồi tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...; chen chân mỗi tháng trung bình 1-2 phim nội với nội dung chiều chuộng thị hiếu tối đa.

Rõ ràng, đã đến lúc người ta không thể nhìn nhận sự phát triển của một nền điện ảnh quốc gia chỉ trên số lượng và sự phân bổ các rạp chiếu hiện đại. Nên chăng đây cũng là thời điểm then chốt để tạo ra cơ hội vàng thúc đẩy ngành sản xuất phim trong nước, bên cạnh việc kiểm soát chặt hơn số lượng phim nhập.

Đầu tư cho con người quan trọng hơn

Theo tôi, Nhà nước không cần phải xây rạp vì rạp là khâu cuối trong chuỗi làm phim hay chính là kinh doanh điện ảnh. Khâu này nên để cho thị trường tự điều chỉnh và chỉ những người làm phim, những người sản xuất phim sẽ là người biết rõ họ cần bao nhiêu rạp và họ sẽ phải làm việc đó.

So sánh với Hàn Quốc chẳng hạn, tất cả những gì Hàn Quốc làm là theo một nguyên tắc cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm, nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được. Ví dụ họ sẽ bỏ tiền xây những trường quay lớn, nhưng xây để cho thuê và họ sẽ thu tiền lại. Cái lớn nhất mà ta vẫn nhắc đi nhắc lại về bài học điện ảnh từ Hàn Quốc chính là việc đầu tư cho con người, thì cái này dường như ở ta lại chưa được quan tâm. Một kinh nghiệm khác có thể nhìn từ Pháp, các rạp lớn ở Pháp hầu như được xây bởi tư nhân nhưng đến một thời điểm khi nhu cầu bão hòa, một số rạp trở nên vắng khách thì nhà nước sẽ đứng ra mua lại một số rạp để trao lại cho những hội của những người yêu điện ảnh ở các địa phương.

Ở VN, nhu cầu thực tế của khán giả hiện tại là gì? Họ đang xem phim thương mại vậy thì đó là một công việc kinh doanh thuần túy, bởi thế tôi nghĩ việc xây rạp cũng nên để cho tư nhân làm. Trong trường hợp Nhà nước muốn khuyến khích nghệ thuật thì có thể học kinh nghiệm từ Pháp. 10.800 tỉ đồng mà Nhà nước đang muốn đầu tư thì hiện tại điều quan trọng nhất là dành cho con người, cho đào tạo...

Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI

KIẾN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên