03/06/2019 09:25 GMT+7

Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: 'Sự học chưa bao giờ là muộn'

HÀ THANH - NAM TRẦN
HÀ THANH - NAM TRẦN

TTO - Mẹ qua đời vì tai nạn giao thông, cô bé phải bỏ học vì nghèo khó đã cùng chị quyết định hiến tạng mẹ làm lay động lòng người ngày ấy đã quay lại trường học và đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với cô, sự học chưa bao giờ là muộn.

Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: Sự học chưa bao giờ là muộn - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Lương tiếp tục được đến trường nhờ sự động viên và hỗ trợ của các thầy cô - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày mẹ mới mất, em chưa dám nghĩ đến chuyện học tiếp, nhưng học lớp 12 em nghĩ ra làm công nhân thì cuộc đời vô nghĩa lắm. Em phải cố gắng học thôi

NGUYỄN THỊ LƯƠNG

Hai năm sau kể từ ngày chị Nguyễn Thị Liễu mất, trong căn nhà mới ở làng chài Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh được cất lên nhờ chính quyền, nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm, ba cô con gái của chị đang dìu nhau qua những ngày gian khó nhất cuộc đời.

'Người nhận cũng mong chờ như chúng tôi'

Hai năm qua, nỗi đau mất mẹ chưa một lần nguôi ngoai trong tâm trí mấy chị em gái côi cút: Nguyễn Thị Sáng (21 tuổi), Nguyễn Thị Lương (19 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thụy (3 tuổi).

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, nhưng chưa bao giờ hai chị em Sáng, Lương hối hận với quyết định hiến tạng mẹ cho y học.

Sáng nhớ, chính giây phút chờ tin mẹ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), trên màn hình tivi đang chiếu một chương trình về hạnh phúc của người được hiến tạng. Nghe bác sĩ nói về chuyện hiến tạng, cô đã đưa ra một quyết định dũng cảm: hiến tạng mẹ cho y học.

"Giây phút chờ đợi, tôi mong điều kỳ diệu đến với mẹ nhưng nó không xảy đến. Bác sĩ nói những người chờ nhận ghép tạng cũng mong chờ như chúng tôi vậy" - Sáng kể, mắt rướm lệ.

Ở làng chài Cẩm Nhượng, việc hiến tạng người là điều gì đó còn quá mới mẻ, thậm chí có người nói ra nói vào "lấy mất cái gì ở trên trần thì dưới suối vàng cũng mất cái đó".

"Họ nói về mẹ nhưng tôi nghĩ chẳng quan trọng, họ nói chi kệ họ. Hai năm qua nghĩ đến thời điểm đó vẫn thấy mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi hối hận", Sáng quả quyết.

'Hiến tạng mẹ mong cứu người khác'

TTO - Lúc bác sĩ bảo mẹ không qua khỏi, Sáng đã ngã quỵ nhưng cũng nhanh chóng xốc lại tinh thần, đưa ra quyết định: hiến tạng của mẹ cho y học, với mong muốn cứu sống những người khác.


Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: Sự học chưa bao giờ là muộn - Ảnh 4.

Không còn mẹ, ba chị em dìu nhau đi qua gian khó - Ảnh: NAM TRẦN

Rơi nước mắt khi nhớ đến giây phút mẹ gặp tai nạn, Lương - cô con gái thứ hai kể lúc đó ba mẹ con đang bồng bế nhau đi mua cục pin. Lương đi trước, không biết mẹ bồng em đi phía sau bị xe tông…

"Em không biết chuyện chi xảy ra, quay lại thì chộ (thấy - PV) mẹ nằm đó. Lúc mẹ ở bệnh viện, em phải ở nhà trông em út thì chị Sáng gọi về hỏi chuyện hiến tạng mẹ, em bị sốc nên không nói gì. Hôm sau, cả chị họ cũng vào bệnh viện, sau khi hỏi ý kiến cậu ruột, chúng em quyết định hiến tạng mẹ", Lương nhớ lại.

"Không cha không mẹ như đờn đứt dây"… Mẹ qua đời, bố có gia đình mới từ lâu, ba chị em Sáng quyết định về quê mẹ, sinh sống trên mảnh đất mẹ sinh ra, những lúc khó khăn đành cậy nhờ người cậu ruột.

Ông Nguyễn Tiến Đường luôn động viên các cháu sống tốt mỗi ngày. Biết các cháu sốc vì chuyện mẹ, ông khuyên ở đời có người thích cũng có người không thích mình, có người dèm pha thì mặc kệ, miễn mình sống tốt.

"Hiến tạng cứu sống được người khác là việc làm tốt, tôi động viên cháu đó là điều ai cũng nên làm. Đằng nào mẹ cũng không sống lại được, mình giúp được người nào thì giúp. Cứ đặt vô trường hợp người được nhận, mình sẽ hiểu gia đình người ta mừng thế nào", ông Đường nói.

Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: Sự học chưa bao giờ là muộn - Ảnh 5.

Cô con gái cả Nguyễn Thị Sáng cáng đáng việc chăm em thay người mẹ đã khuất - Ảnh: NAM TRẦN

Học để cuộc đời không vô nghĩa

Về quê, chị cả Sáng chưa tìm việc làm, cô thay mẹ chăm em út còn nhỏ dại Ngọc Thụy (3 tuổi) và để em gái thứ hai Nguyễn Thị Lương nối lại đường học hành.

Lương sinh ra ở Đắk Nông, về quê mẹ sinh sống là cả một quyết định khó khăn vì phải thích nghi ở lớp học mới, thầy cô, bạn bè mới.

Ngày trước, học hết lớp 10, Lương phải theo mẹ và chị vào Bình Dương ở phòng trọ trông em cho mẹ đi làm. Những lúc rảnh, cô đi phụ rửa bát thuê cho các nhà hàng, quán ăn. Học lực khá giỏi, được học lớp chọn nhưng Lương đành bỏ dở việc học cũng vì gia cảnh quá khó khăn.

Nay trên mảnh đất quê mẹ, được thầy cô động viên miễn giảm tiền học phí và mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng, Lương chọn đi học lại dù muộn hơn bạn bè cùng trang lứa. Với cô, sự học chưa bao giờ là muộn.

Tổng kết năm học lớp 11 Nguyễn Thị Lương đạt 8,1 điểm, năm 12 Lương được chuyển sang học lớp nâng cao.

Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: Sự học chưa bao giờ là muộn - Ảnh 6.

Khó khăn nhất là cô em gái Ngọc Thụy còn nhỏ dại, những lúc em ốm đau không có bàn tay mẹ chăm sóc - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày đi học, tối đến Lương vừa trông em vừa tranh thủ ôn bài. Đêm nào bé Thụy nhớ mẹ quấy khóc thì đêm đó Lương không có thời gian học, sáng sớm hôm sau mới tranh thủ ôn lại kiến thức. 

"Không có mẹ ở cạnh vất vả lắm, Thụy còn nhỏ dại, có hôm em ốm hai chị em không biết làm thế nào chỉ biết đưa em vô bệnh viện. Có hôm đi học bị bạn đánh, Thụy về khóc đòi mẹ, hai chị em không biết làm thế nào cũng ngồi khóc", Lương tâm sự.

Thời điểm này cô gái nhỏ càng vất vả gấp bội chuẩn bị cho giai đoạn nước rút với kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

"Dừ em cố gắng học xong lớp 12, thầy cô động viên em đi học. Em đã đăng ký hồ sơ thi Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ngày mẹ mới mất, em chưa dám nghĩ đến chuyện học tiếp nhưng học lớp 12 em nghĩ ra làm công nhân thì cuộc đời vô nghĩa lắm. Em phải cố gắng học thôi", Lương nói.

Cô bé hiến tạng mẹ cứu người: Sự học chưa bao giờ là muộn - Ảnh 7.

Nhìn thấy chị cả vất vả, Lương nói sẽ cố gắng học để thoát cảnh làm công nhân khổ cực - Ảnh: NAM TRẦN

Nộp xong nguyện vọng xét tuyển đại học, cô gái 19 tuổi dự tính nếu được đi học tiếp sẽ vừa học vừa làm để trang trải tiền học phí. Song mối lo lắng trước mắt là "chị Sáng trầm tính", lo đi học xa thì một mình chị Sáng lo toan việc nhà và chăm em nhỏ rất vất vả.

"Chị vất vả nhiều rồi, thấy chị vất vả em chỉ biết cố gắng học thật tốt", Lương hứa như chắc nịch.

Biết nguyện vọng của Lương muốn đi học nhưng ông Đường vẫn trăn trở vì điều kiện gia đình không cho phép. Trong khi bé út Ngọc Thụy còn nhỏ dại, các cháu cũng chưa có thu nhập gì ngoài tiền hỗ trợ mỗi tháng 1,3 triệu đồng.

"Gia đình kinh tế khó khăn không đủ ăn nhưng nếu cháu muốn đi học thì tùy vào quyết định của cháu. Mong muốn trước mắt là cháu nỗ lực phấn đấu, chịu khó học, đừng bỏ học để người ta coi khinh", ông Đường nói.

'Như mẹ có con cũng vất vả rứa thôi'

photo-5

Từ ngày mẹ mất, Sáng trầm tính và ít nói hơn trước - Ảnh: NAM TRẦN

Bước sang tuổi 21 nhưng chị cả Sáng người nhỏ thó, nụ cười họa hoằn lắm mới xuất hiện trên gương mặt những lúc dành thời gian ở bên chơi đùa với em gái út.

Ngày còn mẹ, Sáng với mẹ như "hình với bóng", hầu như mẹ luôn ở cạnh bên cô con gái lớn. Nay một tay cô gái trẻ chăm sóc hai em còn nhỏ, đôi vai dường như oằn xuống...

"Nhiều khi vất vả cũng như người mẹ có con cũng vất vả như rứa thôi. Tôi đưa hai em về lại đây có cậu đi đi lại lại, cho em Lương học xong lớp 12 là để em tự đưa ra quyết định của mình. Đến đâu, tôi sẽ xoay đến đấy", Sáng chia sẻ.

HÀ THANH - NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên