11/10/2021 09:44 GMT+7

Có bao nhiêu cầu thủ châu Á ở châu Âu?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Câu hỏi này đang dần trở thành một thông số phản ánh sức mạnh thực thụ của các nền bóng đá châu Á.

Có bao nhiêu cầu thủ châu Á ở châu Âu? - Ảnh 1.

Son Heung Min (phải) khó lòng giữ được phong độ khi trở về tuyển Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Trên thực tế, cách suy nghĩ đó khá chính xác. Trong hai thập niên qua, bốn đội tuyển châu Á thường xuyên giành vé dự World Cup (là Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Úc) đều là những nền bóng đá có nhiều ngôi sao xuất ngoại.

Mạnh lên từ ngày xuất ngoại

Xu hướng đưa cầu thủ sang châu Âu thi đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu từ cuối thập niên 1990. Nhưng phải đến sau World Cup 1998, các cầu thủ Hàn Quốc và Nhật Bản mới thực sự được nhiều CLB châu Âu chú ý đến. Hidetoshi Nakata hay Ahn Jung-Hwan là những cái tên nổi bật trong thế hệ tiên phong đó.

Trong đội hình Hàn Quốc tham dự World Cup 2002 có 2 cầu thủ chơi bóng ở châu Âu là Ahn Jung-Hwan (Perugia) và Seol Ki-Hyeon (Anderlecht), còn Nhật Bản có đến 4 là Kawaguchi (Portsmouth), Inamoto (Arsenal), Nakata (Parma), Shinji Ono (Feyenoord). Từ khi các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc ồ ạt sang châu Âu chơi bóng, thành tích của cả hai cũng đi lên. Họ không vắng mặt ở kỳ World Cup nào từ năm 1998 đến nay và gặt hái thành tích tốt ở Asian Cup, Asiad...

Bóng đá Iran có chính sách tiếp cận châu Âu sớm nhất. Từ những năm 1990 đã có gần chục cầu thủ Iran chơi bóng ở châu Âu, với những cái tên nổi bật như Ali Daei (từng khoác áo Bayern Munich), Azizi, Bagheri... Từ năm 2006 đến nay, họ chỉ vắng mặt một kỳ World Cup (2010). Trong khi đó, Úc vốn được xem là "nền bóng đá Tây phương ở châu Á" khi sở hữu rất nhiều ngôi sao chơi bóng ở Premier League.

Saudi Arabia là đại gia châu Á hiếm hoi kiên quyết nói không với việc sang châu Âu chơi bóng. Kết quả là họ vắng mặt liên tiếp ở World Cup 2010 và 2014, và trắng tay ở Asian Cup lẫn Asiad từ sau năm 2000.

Con dao 2 lưỡi

Nhờ tiếp cận bóng đá châu Âu, trình độ cầu thủ Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển rõ rệt, giúp họ khẳng định vị thế hai nền bóng đá số 1 châu lục. Nhưng những gì diễn ra ở vòng loại World Cup 2022 lại đang cho thấy kết quả ngược lại, khi cả hai đội tuyển được phủ kín bởi những ngôi sao chơi bóng ở châu Âu lại cực kỳ chật vật.

Ở bảng B, Nhật Bản mới chỉ giành được 3 điểm sau 3 lượt trận, đối mặt nguy cơ lỡ hẹn World Cup 2022 khi bị Saudi Arabia và Úc (cùng 9 điểm) bỏ xa. Ở bảng A, Hàn Quốc tuy có 7 điểm nhưng trên thực tế cũng chơi nhạt nhòa như Nhật Bản. Dù chưa phải chạm trán các đối thủ mạnh nhất nhưng chủ nhà Hàn Quốc đã "trầy vi tróc vảy" trước Iraq, Lebanon và Syria.

Sự nhạt nhòa của các ngôi sao trở về từ châu Âu là tâm điểm. Trước Syria, Son Heung Min đã ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 cho Hàn Quốc. Nhưng chừng đó là chưa đủ so với những kỳ vọng CĐV nhà đặt nơi anh. Dù sao Son cũng đã có bàn thắng, còn Hwang Hee Chan (CLB Wolverhampton) - người được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của Son trên đất Anh - càng gây thất vọng hơn. Suốt cả trận, anh chỉ để lại dấu ấn với những pha bỏ lỡ vô duyên.

So với Hàn Quốc, số lượng cầu thủ chơi bóng ở châu Âu của Nhật Bản nhiều gấp 3 lần, với chỉ vỏn vẹn 5/25 tuyển thủ đang chơi bóng trong nước. Nhưng những Tomiyasu, Yoshida, Minamino, Endo... đều gây thất vọng. Sự quá tải có thể là một nguyên nhân quan trọng khiến những ngôi sao trở về từ châu Âu chơi không đúng với phong độ.

Hai thập niên trước, thế hệ những Nakata, Ahn Jung-Hwan, hay đến cả Park Ji Sung huyền thoại vẫn chưa phải là trụ cột không thể thay thế ở các CLB châu Âu. Khi trở về đội tuyển, họ hoàn toàn có thể cống hiến với thể lực sung mãn nhất. Còn lúc này, những Tomiyasu, Yoshida, Son Heung Min hay Hwang Hee Chan đều là trụ cột ở CLB. Điều này khiến họ phải nỗ lực cày ải ở CLB.

Kế đến là việc phải di chuyển giữa hàng loạt giải đấu, với rất nhiều quy định về cách ly, kiểm tra sức khỏe, hạn chế tập luyện trong mùa dịch. Ngay cả Messi cũng không thể chơi đúng phong độ khi trở về tuyển quốc gia. Vì vậy, việc có bao nhiêu cầu thủ chơi bóng ở châu Âu vào lúc này có thể lại trở thành chuyện đau đầu hơn là thế mạnh.

Lo ngại về tần suất chấn thương

Trong khoảng 9 năm đầu chơi bóng chuyên nghiệp, Son chỉ 6 lần dính chấn thương. Nhưng trong 3 năm qua, ngôi sao của Tottenham đã dính số lượng chấn thương tương tự với hầu hết là những chấn thương gân khoeo.

Tương tự, Hwang Hee Chan cũng đã dính chấn thương đến 8 lần từ năm 2018 đến nay.

Giải vô địch Saudi Arabia: Giải vô địch Saudi Arabia: 'Miền đất hứa' mới của châu Á

TTO - Toàn bộ các tuyển thủ Saudi Arabia mà tuyển VN sắp đối đầu đều đang chơi bóng trong nước. Nhưng không phải vì thế mà họ bị đánh giá thấp hơn những đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên