Tôi tới tiệm “photo - đánh máy” nào cũng bị từ chối hoặc hét giá 4.000 - 5.000 đồng/trang mà size chữ 14 to sụ - tính ra quyển sách 200 trang tới 2 triệu đồng! Bí quá tui lên mạng “sợt” thì tìm được mấy chỗ nhận đánh máy thuê, mừng hết lớn!
Anh chàng nhận đánh máy thuê tên Trần Khoa, sinh viên năm cuối ĐH Công nghiệp TP.HCM. Khoa ví von nghề tay trái của mình là nghề gõ thuê, vì là sinh viên nên muốn có khách phải chịu giá rẻ: đánh chữ Việt bình thường là 2.000 đồng/trang, tiếng Anh 3.000 đồng/trang, toán và các công thức biểu đồ là 4.000 đồng/trang, nếu toán bằng tiếng Anh thì giá là 5.000 đồng/trang... Khách hàng của Khoa thường là dân văn phòng nhờ đánh các văn bản, danh bạ điện thoại, luật làm việc trong công ty, người viết truyện bằng tay. Làm hai năm nay nên “tay nghề” của Khoa cũng cải thiện rõ rệt, một buổi Khoa đánh được 25-30 trang và không cần nhìn bàn phím vẫn đánh rào rào.
Khoa kể, công việc này cũng vất vả lắm chứ không hề nhẹ nhàng như mọi người vẫn tưởng. “Nhiều lúc khách cần gấp, mình phải thức đêm đánh cho xong, đến nỗi sáng hôm sau ngồi học mà chữ cứ ám đầy đầu. Năm ngoái, khi mình còn xài máy tính để bàn chứ chưa mua laptop, mấy lần gõ được cả 20 trang bỗng… cúp điện hoặc máy hư, thế là mất sạch vì quên bấm “save”, ngồi gõ lại mà ấm ức gần chết! Có khi gõ nhiều quá, tay muốn đơ luôn, mắt thì đau cộm vì cứ chăm chăm nhìn màn hình suốt”. Cũng không hiếm trường hợp bị khách lật kèo, như có lần anh chàng hoàn thành xong tập sách chạy đi giao thì… “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được” hoặc “Trời ơi, sao em đánh ra nhiều trang vậy, có dùng mánh gì không, co chữ giãn chữ chi nhiều vậy, muốn tăng tiền hả?” trong khi đã giao hẹn dùng size chữ 13 thông thường. Những trường hợp này Khoa đành ôm cục tức quay về với xấp văn bản làm… kỷ niệm. Hỏi sao không lấy trước ít tiền cọc cho chắc ăn, Khoa trả lời: “giá trị hợp đồng có bao nhiêu đâu mà cần cọc”.
Dân đánh máy thuê ớn nhất là những bản viết tay chữ như “rồng bay phượng múa” nhưng rồng phượng dị dạng quá nên nhìn lòi con mắt không đọc được. Mới đầu anh chàng còn nể nể, nhận về rồi cắn răng gõ, nhưng sau này rút kinh nghiệm từ chối thẳng luôn. Gặp những bản scan mờ, những quyển sách in đã lâu mà chữ nhỏ như kiến bò cũng ngán, “nhưng nhiều khi không nỡ từ chối vì khách hàng là những người lớn tuổi, nếu mình không nhận, chỗ khác cũng không nhận thì khổ cho họ” - Khoa bộc bạch. Cũng có những lúc anh chàng bị hớ khi nhận văn bản chỉ lướt sơ rồi hợp đồng giá cả, tới hồi lật ra gõ lại mới thấy… chu choa phức tạp quá nên phải thỏa thuận lại giá tiền. May mà khách hàng cũng đồng ý. Nguyên tắc của việc đánh máy thuê là không được sai chính tả nhưng lúc còn tỉnh táo thì đó là chuyện thường, đến khi mệt quá cứ gõ nhầm chữ, bữa sau dò lại sửa cũng “đắm đuối”!
“Sướng nhất là khi nhận những bản truyện ngắn viết tay của các tác giả nổi tiếng, hoặc có tuổi mà chưa có tiếng, vừa đánh vừa đọc thích lắm. Có những truyện tác giả để đăng trên mạng, dân mạng chưa được đọc nhưng mình nhận đánh máy nên được đọc trước. Có truyện từ đời xửa đời xưa, mình vừa đọc vừa học được nhiều điều hay.” - anh chàng hào hứng kể.
Có chút thâm niên nên Khoa cũng có những mối ruột, như anh kỹ sư công trình ở quận 1, tháng nào cũng nhờ đánh máy hợp đồng, các điều luật an toàn lao động… vừa có tiền đều đặn vừa khỏe re vì đơn giản dễ đánh. Đánh máy cho mấy chị làm văn phòng cũng được cưng vì mấy chị rất dễ tính, có khi còn “thưởng” thêm chút đỉnh. Khoa tính ra mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng, đủ trang trải chi phí ăn học ở thị thành. Anh chàng kết luận: “Với sinh viên phải lo học thì việc gõ thuê này là vừa sức, vừa có niềm vui”.
Tuổi Trẻ Cười số 498 ra ngày 1/5/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận