Trước đó, năm 2020, nhạc rap lên ngôi với sự thắng lợi của hai chương trình Rap Việt. Năm 2021, xu hướng âm nhạc chữa lành được chú trọng với những ca khúc vỗ về cảm xúc trong giai đoạn đời sống biến động vì bệnh dịch.
Vai trò của nhà sản xuất được chú trọng
Trước kia, những người quyết định thành công của một sản phẩm là nhạc sĩ, ca sĩ. Còn giờ đây nhà sản xuất âm nhạc (producer) đóng vai trò quan trọng không thua kém. Có ý kiến nói đây là thời đại của các producer - người kể chuyện bằng những bản phối.
Khán giả giờ đây không chỉ tập trung vào phần ca từ, giai điệu hơn là phần hòa âm phối khí nên ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác thường đóng vai trò chủ đạo. Khi nhu cầu giải trí ngày càng phát triển, khán giả muốn nhiều hơn thế nữa, đặc biệt là các bản phối nhạc.
Anh Cường Chu - người quản lý đứng sau thành công của ca sĩ Tăng Duy Tân - cho rằng một bài hát thành công cần đáp ứng đủ các yếu tố: ca sĩ, nhạc sĩ và beat maker (thường được gọi là "producer" ở Việt Nam, nhưng cần hiểu thêm đây là người phụ trách dự án âm nhạc và phát triển cũng như lên ý tưởng, sản xuất hoàn thiện bài hát).
Những năm gần đây, trong thế chân vạc ca sĩ - nhạc sĩ - nhà sản xuất, yếu tố nhà sản xuất đóng góp quan trọng cho sự thành công của một bài hát và khán giả dần nhìn nhận vai trò của nhà sản xuất một cách rõ ràng hơn.
"Từ 2019 đến nay, những bài hát nổi trội lên nhờ vào giai điệu bắt tai với phần sản xuất âm nhạc mang dấu ấn cá nhân riêng biệt. Một bài hát có nhiều phiên bản khác nhau là sự so sánh, đối chiếu công khai về trình độ và tài năng của producer.
Tôi nhận khá nhiều lời đề nghị kết nối hợp tác âm nhạc đối với các producer cụ thể, đặc biệt là những đề nghị hợp tác, đặt hàng từ các nước trên thế giới như Nga, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Đối với những đặt hàng này họ chỉ nhấn mạnh cần đúng producer.
Tín hiệu này rất tích cực cho âm nhạc Việt Nam, nếu như khác biệt ngôn ngữ là "rào cản" thì ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam có thể thông qua các producer tài năng tiếp cận đến khán giả thế giới", ông Khoa Tất, nguyên giám đốc âm nhạc TikTok Việt Nam, nhận định.
Một năm sôi nổi hơn
Thị trường âm nhạc đa dạng hơn với nhiều ca khúc mang màu sắc mới giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng bên cạnh thể loại quen thuộc như ballad.
Hoàng Thuỳ Linh mở màn 2023 với MV Hạ phỏm - Nguồn: Hoàng Thùy Linh
Ballad vẫn chiếm thị phần không nhỏ và được một bộ phận nghệ sĩ, khán giả ưa chuộng. Nhưng nếu nhìn vào thành tích của các ca khúc ballad trong năm qua, có thể thấy thể loại này không còn chiếm thế thượng phong như những năm trước đó.
Ông Khoa Tất dự đoán trong năm 2023, ba thể loại âm nhạc sẽ "lên ngôi" là EDM pha với giai điệu dân gian, pop (funky pop, city pop), house (disco - tech house):
"Theo tìm hiểu của cá nhân tôi, ba loại âm nhạc này chạy đà khá tốt. Điểm chung của các dòng nhạc có khả năng bùng nổ năm 2023 sẽ có các điểm sau: truyền tải năng lượng và nội dung tích cực, tăng tính chất giải trí và đời sống thực".
Nhà sản xuất TDK (Trần Dũng Khánh) - nhà sản xuất có nhiều sản phẩm thành công kết hợp với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền - dự đoán:
"Mình không có một đáp án cụ thể nhưng nhìn chung, xu hướng sắp tới vẫn sẽ là sự pha trộn giữa các thể loại chứ không tập trung vào một thể loại nhạc cụ thể như EDM hay rap như vài năm trước. Nếu 2022 vẫn là nơi của những bài hát cảm giác êm dịu vừa phải thì 2023 sẽ là không gian cho những bài nhạc sôi nổi, đột phá hơn".
Tín hiệu tích cực cho nhạc Việt
Đã có nhiều sản phẩm nhạc Việt gây ấn tượng tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... như Hai phút hơn (Pháo, Masew), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng MasterD), See tình (Hoàng Thùy Linh, DTAP)...
Nhà quản lý Cường Chu cho rằng hiện tượng các sản phẩm âm nhạc Việt được chú ý cũng như có các thành tích cao trên bảng xếp hạng âm nhạc các nước khác nhau là dấu hiệu nhạc Việt đang từng bước khẳng định được vị thế của mình không thua kém gì âm nhạc các nước phát triển ngành giải trí khác.
Trước những hoài nghi liệu đó là những hiện tượng "ăn may", ông Khoa Tất phủ nhận mối nghi này: "Tôi nhận định đây không phải là hiện tượng "ăn may".
Chúng ta không được "lạc quan tếu" nhưng lại càng không được "tự ti" trong suy nghĩ về nội lực. Tôi lạc quan vì hiện tại vẫn đang đón nhận nhiều đề nghị hợp tác, kết nối từ các đối tác nước ngoài đối với các sản phẩm âm nhạc Việt Nam".
Nhà sản xuất TDK cùng khẳng định hiện tượng nêu trên là tích cực, nhưng chưa thể vội khẳng định nhạc Việt đang vươn mình ra quốc tế: "Đó là tín hiệu cho thấy rằng âm nhạc Việt Nam vẫn có tiếng nói chung với khu vực, nhưng cũng chưa thể vội cho rằng như thế là đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế.
Điều đó cần nhiều năm nữa để đánh giá và nhiều nỗ lực của cả một ngành công nghiệp âm nhạc. Mà Việt Nam chưa thực sự có một ngành công nghiệp âm nhạc. Theo tôi, TikTok hay các mạng xã hội vẫn là nền tảng giải trí tổng hợp, không phải chuyên về âm nhạc nên chưa thể đánh giá được tác động sâu rộng của âm nhạc Việt đối với thị trường quốc tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận