Diễn viên Chile Luis Gnecco vào vai Neruda trong phim - Ảnh: IMDb |
Song tác phẩm đáng chú ý nhất của ông với những người yêu điện ảnh, quan tâm thế sự là phim khác.
Đó là bộ phim ra mắt năm 2016 cùng lúc với Jackie, mang tên Neruda - nhà thơ lớn của Chile, giải Nobel văn học 1971, đồng thời là biểu tượng đấu tranh chống độc tài, áp bức. Neruda là một bộ phim mà Larrain giới thiệu như phim “phản tiểu sử” (anti-biopic).
Trailer phim Neruda |
“Bất kính là một hình thức của kính trọng”
Trong cuộc đời của Pablo Neruda (1904-1977), Pablo Larrain chọn năm 1948 - thời điểm thế giới bước vào Chiến tranh lạnh. Ở Chile, tổng thống Gonzalez Videla đắc cử nhờ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và thượng nghị sĩ Neruda, nhưng sau đó quay lại ra lệnh bắt giữ Neruda.
Cùng với vợ là họa sĩ Delia del Carril, Neruda phải khởi đầu cuộc sống bí mật trong nước, trốn tránh sự lùng sục của lực lượng an ninh, cho đến khi vượt dãy núi Andes đi lánh nạn ở nước ngoài.
Đó cũng là thời điểm Neruda sáng tác những bài thơ nổi tiếng nhất của tập Bài ca chung (Canto general) - kiệt tác sử thi và đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.
Trên cơ sở các sự kiện có thật trong tiểu sử của nhà thơ, Pablo Larrain tạo nên một cấu trúc phim phức hợp đa chiều, đan xen hiện thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật.
Bộ phim được xây dựng như trò chơi ú tim giữa Neruda và thanh tra Oscar Peluchonneau - người được Videla giao nhiệm vụ truy lùng ông: nhà thơ bị rượt bắt luôn để lại những tập sách làm chỉ dấu thách thức người rượt bắt.
Trò trốn tìm - được nhìn từ cặp mắt của thanh tra Peluchonneau và qua lời tự sự off (ngoài hình) của ông - biểu lộ nhiều diện mạo khác nhau của Neruda.
Một bên là con người thần tượng được nhân dân tôn sùng, là thơ đấu tranh hay thơ tình yêu được xướng lên trên các công, nông trường, trong những nhà tù, nhà thổ...
Bên khác là lối sống trác táng, đam mê lạc thú của Neruda, là một ngã cá nhân tự kiêu, tự vẽ hào quang cho chính mình. Là cách biệt giữa thói quen quý tộc của ông và đời sống nhân dân lao động mà ông là người phát ngôn (!).
Bộ phim có vẻ như muốn phá vỡ huyền thoại, hạ bệ thần tượng, nhưng vấn đề phức tạp, nhập nhằng hơn bởi đó là góc nhìn và cách kể về Neruda của thanh tra Peluchonneau - góc độ đối nghịch về chính trị.
Còn quan điểm của đạo diễn có lẽ chứa trong lời nói ông đặt vào miệng nhân vật nhà thơ: “Bất kính là một hình thức của kính trọng”.
Đầy đặn và sâu đậm
Là tên của một nhân vật thật, từng lãnh đạo cảnh sát điều tra của Chile, Oscar Peluchonneau trong phim lại là nhân vật do biên kịch Calderon hư cấu.
Đạo diễn Larrain còn cho viên thanh tra tự hỏi “Phải chăng tôi là hư cấu?”. Bởi càng rượt đuổi Neruda, viên thanh tra càng bị ông ám ảnh đến mức nhất hóa dần với nhà thơ.
Vào cuối phim, khi Pablo Neruda tới Paris và kể trò trốn tìm giữa ông và Peluchonneau - từ thủ đô Santiago ra đến thành phố biển Valparaiso và lên đỉnh núi phủ tuyết của dãy Andes, người xem ngờ ngợ cả hai nhân vật này, viên thanh tra và nhà thơ, là sáng tạo văn học của Neruda.
Giữa người rượt đuổi và người bị rượt đuổi hình thành một thể thống nhất. Người truy lùng cần người bị truy lùng để tồn tại.
Và ngược lại, người bị truy lùng cần người truy lùng để khẳng định mình. Đây là tư tưởng then chốt mang màu sắc triết học.
Về nghệ thuật, đạo diễn Pablo Larrain cho chúng ta chìa khóa tác phẩm, khi xác định “đây là bộ phim phong cách Neruda hơn là bộ phim về chính Neruda”. Đối với một nhà thơ, không có cách vinh danh nào cao hơn.
Một đặc tính khác, đạo diễn đôi khi cố tình quay lóe sáng như để nhắc đây chỉ là điện ảnh.
Với cấu trúc nhập nhằng hỗn phức, không phân biệt hư cấu và hiện thực, thực tại và huyền thoại, chính trị và thơ văn, lịch sử và nghệ thuật; Neruda có thể làm người xem lần đầu bỡ ngỡ.
Dù sao với một tác phẩm đầy đặn và sâu đậm như Neruda, cần xem lại lần hai. Đó là “khuyết điểm” duy nhất của bộ phim.
Pablo Larrain và những chọn lựa nghệ thuật táo bạo Neruda là phim thứ bảy của đạo diễn Pablo Larrain. 40 tuổi, ông khẳng định kỳ tài điện ảnh qua những chọn lựa nghệ thuật vô cùng táo bạo. Trước Neruda, độc đáo nhất là NO - phim về cuộc trưng cầu ý dân Chile năm 1988 của nhà độc tài Pinochet. Bằng cách kết hợp các sự kiện lịch sử có thật với nhân vật hư cấu, NO - giải Art cinema award ở Cannes 2012, ứng viên chung kết Oscar 2013 phim nước ngoài hay nhất - kể lại sự chấm dứt chế độ Pinochet. Chuyện rằng 15 năm sau khi lật đổ đẫm máu chính phủ dân chủ của tổng thống Allende, tướng Pinochet chấp nhận tổ chức trưng cầu ý dân nhằm kéo dài chế độ độc tài quân phiệt. Trong gần một tháng, phe cầm quyền và phe đối lập dân chủ được vận động cử tri trên truyền hình 15 phút/ngày. Nhà quảng cáo trẻ phi chính trị René Saavedra được liên minh đối lập giao thực hiện các mẩu phim kêu gọi bỏ phiếu “Không”. Thay vì bêu xấu tội ác của chế độ Pinochet, Saavedra chủ trương vận dụng phương pháp tiếp thị để khơi gợi ham muốn của dân chúng về một ngày mai tươi vui. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận