|
“Có lẽ vì khi tôi lớn, ông đã già, khoảng cách thế hệ quá nhiều để xoá bỏ. Có lẽ vì tôi không đủ yêu thương... Để từ đó, tôi đã nhận ra rằng: Cháu sẽ mang tình yêu ông dành cho cháu, chia sẻ tới tất cả mọi người xung quanh. Vì cho đi là nhận lại, phải không ông?”- Đặng Đức Anh - lớp 9A trường Hà Nội - Amsterdam đã viết như thế trong bài tham gia cuộc thi viết Chuyện kể về ông bà em.
Xuất sắc giành giải nhất, Đặng Đức Anh xúc động chia sẻ: “Lúc ông còn sống, em ít khi được cùng bố mẹ về quê chơi với ông. Khi ông bị ốm nặng, ông được bố mẹ đưa lên thành phố chăm sóc nhưng vì bận học hành mà em không có nhiều thời gian chăm sóc ông. Ngày ông qua đời, cảm xúc lúc đó đối với em vẫn là “cơn gió nhẹ thoảng qua mặt hồ”... Nhưng, sau đó, em về quê và cảm giác hẫng hụt ùa về... Tất cả đều là những trang nhật ký em đã ghi lại từ sau chuyến về quê ấy... Đúng thứ 7 tuần này là giỗ đầu của ông. Em sẽ dâng phần thưởng này lên ông...”
Được phát động ở quy mô không lớn - tại 4 trường: trường Hà Nội - Amsterdam, trường Phan Đình Phùng, trường quốc tế Việt Anh, trường quốc tế Liên hợp quốc và chỉ trong gần một tháng, thế nhưng ban tổ chức đã nhận được hơn 403 bài dự thi gửi về.
Không chỉ tràn đầy yêu thương, mỗi bài viết còn là lời thức tỉnh về những vô tâm không chỉ trong con trẻ mà trong cả những người lớn về những khoảng cách vô hình giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng bị kéo dài khi ai ai cũng đổ lỗi cho sự bận bịu học hành, mưu sinh hoặc sự “không hợp gu” về quan niệm sống....
“Tôi hoài cảm về quá khứ, chua xót vì mình chưa làm được nhiều điều cho bố mẹ mình. Từ những bài viết này, tôi mong các em hãy lấy đó là hành trang đi suốt cuộc đời mình" |
Nghệ sỹ saxophone Quyền Văn Minh - đại sứ thiện chí của sự kiện Không khoảng cách |
Nguyễn Ngọc Mai Lan - lớp 11D1 - trường THPT Phan Đình Phùng cho rằng: “Chúng ta vẫn nghĩ ông bà chúng ta là cổ hủ lạc hậu, quan niệm ấy thật không nên, không phải. Ông bà chúng ta đã sống và trải qua thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, họ có sự tinh ý và nhạy bén mà ngay cả bố mẹ chúng ta cũng phải nể phục, và dù tuổi trẻ có nhanh nhẹn và hiện đại hơn, thì tuổi trẻ cũng nên cần và nên hiểu, ông bà chúng ta không phải là chậm tiến hơn so với chúng ta…”
Đỗ Nhã Hoàng Hoa - lớp 7B - trường Hà Nội - Amsterdam thì chia sẻ: “Sống với bà, tôi mới thấy món quà lớn nhất tôi dành cho bà là những lúc tôi để thời gian lắng nghe bà kể chuyện, thậm chí nghe bà than vãn. Và tôi cũng nhận ra, người già cần phải được quan tâm nhiều hơn, không chỉ là cơm ngon hay sữa đắt. Người già là những người đã từng trẻ, đã từng là thanh thiếu niên, họ đã sống hết cuộc đời để có những thứ người trẻ hôm nay đang hưởng thụ. Vì thế, thật bất công cho người già khi bị lãng quên, bị ruồng bỏ, bị con cái hắt hủi…”
Vì vậy, nhiều phụ huynh, khách mời đến dự đều có chung cảm xúc khi đọc những bài viết của các em. Mọi người bỗng nhiên cùng lặng lẽ “hoài niệm” về ông bà, cha mẹ của mình...
Cuộc thi viết Chuyện kể về ông bà và em do Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) và tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HelpAge International) tổ chức nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2015. Giải nhất của cuộc thi được trao cho em Đặng Đức Anh, học sinh lớp 9A trường Hà Nội - Amsterdam. Giải nhì được trao cho hai em là Nguyễn Hạnh Trang, học sinh lớp 9E trường Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Tường Vy Linh, học sinh lớp 12Q1, trường Phan Đình Phùng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải thưởng cho 4 em đạt giải Ba và 18 em đạt giải khuyến khích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận