28/07/2006 06:04 GMT+7

Chuyện về người anh hùng

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - “Trước khi ra đi, anh Bang không hề biết rằng mình đã có một đứa con trai” - tiến sĩ Lê Thị Ngọt, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bang, nghẹn ngào nói.

HyOSMZyC.jpgPhóng to
Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang trước lúc xuất kích - Ảnh tư liệu gia đình
TT - “Trước khi ra đi, anh Bang không hề biết rằng mình đã có một đứa con trai” - tiến sĩ Lê Thị Ngọt, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bang, nghẹn ngào nói.

Kỳ 1: Những chiến đấu cơ kỳ lạ Kỳ 2: Lực lượng đặc biệt, nhiệm vụ tuyệt mật Kỳ 3: Hồi ức dưới tầm lửa đạn Kỳ 4: Đi tìm đồng đội

Người đại đội trưởng phụ trách các phi đội tham gia chiến dịch “cầu hàng không” trong Tết Mậu Thân luôn giành hết những hiểm nguy, khó khăn về mình, nhưng chiến tranh luôn có những nghiệt ngã như thế.

Tình đồng đội

“Tôi nhớ như in hình ảnh anh Bang sôi nổi và quyết liệt ngay từ khi nhận nhiệm vụ đặc biệt. Trước ngày xuất kích, trời miền Bắc rét căm căm. Thấy tôi đút tay túi quần vì lạnh, anh Bang hỏi: Thọ có lạnh không, lấy khăn dù của tớ quấn cổ cho ấm! Tôi từ chối.

Cho đến giờ tôi vẫn ân hận vì giá như lúc đó tôi nhận tấm khăn dù của anh Bang trao thì tôi vẫn còn giữ được hơi ấm của người đại đội trưởng quí mến, giản dị, chân tình, vô cùng thương yêu chiến sĩ của mình”. Người sĩ quan dẫn đường Trần Hữu Thọ năm xưa vẫn còn nhớ như in lúc đó là 16 giờ ngày 7-2-1968, trước khi xuất kích.

Còn với thiếu tướng Phan Khắc Hy: “Bang là một người bình tĩnh, chững chạc, thương anh em cấp dưới như ruột thịt”. Trong những đoạn tài liệu mà ông chỉ đạo viết về sự kiện này có ghi rất rõ về đại đội trưởng Nguyễn Văn Bang: “Quây quần quanh chiếc đài bán dẫn, đại đội trưởng Nguyễn Văn Bang và các chiến sĩ trong đại đội của anh lắng nghe không bỏ sót một chữ trong bản tin thời sự.

Bang đặc biệt chú ý tới chiến sự ở Trị Thiên, Huế. Theo dự cảm của người lính, nơi đây có thể là địa bàn chiến đấu sắp tới của các anh. Bang hình dung những trận đánh quyết liệt và mịt mù khói lửa ở Phú Bài, Tây Lộc, Nam Giao… Bang hiểu rằng việc sử dụng không quân sẽ được cấp trên tính toán cân nhắc như một tình huống quan trọng của toàn bộ trận đánh”.

Với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tường Long, đó là những câu chuyện không thể quên về một người bạn tri kỷ. “Bang là dân gốc Bắc nhưng từ Sài Gòn ra tập kết, tôi là dân miền Nam nên hai đứa thương nhau lắm. Bang thích kỹ thuật và say mê tham gia những thử nghiệm cải tiến máy bay IL 14 với tôi. Tôi có kinh nghiệm kỹ thuật, còn Bang dày dạn kinh nghiệm thực tiễn nhất trong đại đội.

Khi tôi muốn thử nghiệm một cải tiến nào đó đều phải hỏi hoặc bay thử nghiệm với Bang. Có một sự kiện đặc biệt mà ai cũng nhớ: đại đội trưởng Bang dám mang bom quay trở lại sân bay sau chuyến bay đầu tiên đêm 7-2-1968. Trước khi đi, Bang thông báo mật với tôi: Nếu đánh không được, tôi mang bom về để vừa đỡ phí, vừa đánh tan dư luận về việc cải tiến của mình”.

Bức ảnh ghép của gia đình người lính

lTJUXe6a.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lê Thị Ngọt - Ảnh: T.H.
38 năm sau, tiến sĩ Lê Thị Ngọt (nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN) lục tìm đưa ra một bức ảnh đen trắng chụp cả gia đình bà: hai vợ chồng và ở giữa là đứa con trai bụ bẫm.

Đó là tấm ảnh được ghép cảnh hai vợ chồng vào bức ảnh người con theo ước nguyện của người đã khuất. Bởi cho đến tận giờ ra máy bay xuất kích trong đêm định mệnh 12-2-1968, cơ trưởng Nguyễn Văn Bang vẫn không hề biết được niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình: một bào thai đang hình thành trong cơ thể người vợ trẻ.

Đứa con ấy chào đời sau khi đơn vị đã làm xong thủ tục báo tử cho gia đình. Đứa bé mang tên Quốc Khánh, bây giờ tròn 38 tuổi, hiện là chuyên viên Ủy ban Chứng khoán nhà nước tại TP.HCM.

Ông và bà đều là dân tập kết. Ông vốn quê gốc ở Hà Tây, có cha làm cai cho Pháp nhưng lại tham gia hoạt động cách mạng, bị địch phát hiện và thoát ly lên chiến khu; còn người mẹ mang các con mình vào Nam lánh nạn.

Ông theo người cậu đi làm giao liên từ năm 10 tuổi, rồi tập kết ra Bắc, hai người gặp và cưới nhau vào tháng 7-1967, năm đó ông 32 tuổi, bà 27. Bà được cơ quan cử ra nước ngoài học, còn ông chỉ ao ước: “Em ráng kiếm một đứa con trai rồi đi học cũng chưa muộn!”.

Cưới nhau trong chiến tranh, cả năm đó họ chỉ được gặp nhau vào dịp lễ Quốc khánh, ông đã dặn bà: nếu có con trai hay gái thì cũng đặt tên là Quốc Khánh cho có ý nghĩa. Đến mồng 4 Tết Mậu Thân, bà từ Hưng Yên trên đường về Hà Nội ghé đơn vị thăm ông.

Đó là những ngày ông đang tập xuất kích liên tục, từ 7 giờ sáng tới tối mịt mới trở về doanh trại. Bà chờ ông từ sáng tới chiều ở chiêu đãi sở mới gặp. Linh tính về nhiệm vụ đặc biệt mà mình sắp thực hiện, ông Bang thay đổi ý định: “Anh phải đi làm nhiệm vụ đặc biệt, em không nên mang thai. Chuyện có con mình để sau này tính!”.

Đó là lần cuối cùng họ gặp nhau. Bà về và sau ngày 12-2-1968 đột nhiên vắng bặt những lá thư của ông - một tín hiệu bất thường so với thói quen viết thư liên tục của ông. Bà chờ trong cảm giác nôn nao.

Đến tuần thứ tư, không thể chịu được sự bặt tin chồng, bà lên chiêu đãi sở, những phi công cùng đơn vị ra báo tin: “Thủ trưởng đang đi chuyên cơ đặc biệt sang Paris. Nhiệm vụ khá đặc biệt nên không liên lạc thư từ được. Chị về đi”. Bà càng hoang mang hơn và bất chợt ôm bụng, đứa con đang lớn dần trong âu lo của người mẹ.

Ngày 20-7-1968, khi cơ quan chuẩn bị đi sơ tán và mọi việc không thể giấu bà mãi, ban giám đốc ngân hàng gọi bà lên làm việc. Bà giật nảy mình khi thấy có cả đại diện đơn vị chồng mình. Báo tử! Bà ôm lấy bào thai và lặng người trong cú sốc. Ông ra đi mà không hề biết rằng đã để lại một giọt máu cho bà: đứa con trai mang tên Quốc Khánh.

Tiến sĩ Lê Thị Ngọt nhớ lại sau ngày chồng hi sinh, gia đình chưa biết tin thì có Đinh Tôn - một phi công giỏi, người bạn thân nhất của chồng - về thăm gia đình. Đinh Tôn trầm ngâm giây phút rồi nói: “Bang đi nhận máy bay chuyển loại ở Trung Quốc rồi, mấy bữa nữa tôi cũng đi gặp Bang đây!”.

Không ai trong gia đình biết đó là một lời thề quyết tử của Đinh Tôn nhằm trả thù cho bạn mình. Chỉ một tuần sau đó, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Tôn đã xuất kích không chiến và bắn rơi bốn chiếc máy bay Mỹ .

VE7x7kEG.jpgPhóng to

Bức ảnh vợ chồng cơ trưởng Nguyễn Văn Bang cùng con trai Quốc Khánh được vợ ông ghép - Ảnh tư liệu gia đình

Nhiều đồng đội còn sống của Nguyễn Văn Bang đều không vui khi biết ông chưa được truy tặng danh hiệu anh hùng, dù nghe nói đơn vị đã mấy lần làm hồ sơ đề xuất.

Trong hồi ức của mình, thiếu tướng Phan Khắc Hy đã gọi ông Bang và những phi công hi sinh trong chiến dịch “cầu hàng không” là “những anh hùng”. “Năm tháng trôi qua, nhưng gương mặt của những người anh hùng trong bốn tổ bay vẫn không phai mờ trong ký ức những chiến sĩ không quân vận tải.

Bang hồn hậu, sôi nổi, táo bạo; Ba trầm tĩnh, chín chắn, quả cảm; Kế kiên nghị, trung thực, mưu trí; Trung cởi mở, xông xáo, tự tin; Châu thông minh, tháo vát… Họ toát lên vẻ đẹp của tinh thần vô giá quên mình, xả thân vì nghĩa lớn”, thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại, và tâm tư: “Chưa phong anh hùng cho những người lính như Bang và những phi công hi sinh trong chiến dịch đó là một thiếu sót”.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên