Tấn Trường vượt qua những ngày tháng thất vọng nhờ gia đình bên cạnh, trong đó có mẹ - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Chứng kiến khán giả chỉ trích con mình, cảm giác tôi buồn lắm. Nhưng tôi cũng phải ráng cố gắng cân bằng cảm xúc. Mẹ mà, là điểm tựa của con, cho con tựa vào, phải giữ bình tĩnh và khuyên cho con mình vững hơn.
Mùa giải 2019 chỉ mới bắt đầu, nhưng bà Phan Thị Kim Miên đã phải hai lần nếm trải cảm giác đau đớn khi chứng kiến CĐV chửi con trai mình không tiếc lời là bán độ.
Nước mắt mẹ cầu thủ bóng đá
Lần đầu tiên là hồi tháng 3, khi Tấn Trường mắc sai lầm khiến B.Bình Dương thua 1-3 ngay trên sân nhà trước Ceres Negros (Philippines) ở lượt thứ 2 bảng G AFC Cup 2019. Còn lần thứ hai là ở vòng 8 V-League 2019 hôm 5-5 vừa qua, khi Tấn Trường lao ra phá bóng hụt giúp Hà Nội có bàn gỡ hòa 2-2 ở những giây bù giờ cuối cùng.
Như giọt nước làm tràn ly, các CĐV B.Bình Dương đã không giữ được bình tĩnh. Họ chửi rủa nặng nề, thậm chí có CĐV quá khích còn lao đến gây sự với Tấn Trường khi anh cùng đội từ sân ra xe buýt. "Tôi đứng từ xa, thấy người ta kiếm chuyện với con thì luýnh quýnh hết trơn, vội gọi con trai lớn (anh trai Tấn Trường) chạy đến coi em làm sao" - bà Miên chia sẻ.
Cha bỏ đi từ khi Tấn Trường còn rất nhỏ, nên bà Miên một tay làm lụng nuôi ba đứa con thơ và dành hết tình thương vào chúng. Thấy Trường mê bóng đá, bà cho vào đội năng khiếu Đồng Tháp rồi theo chân con đi cổ vũ suốt ở các giải trẻ.
Mẹ thủ môn Tấn Trường trên khán đài sân Gò Đậu
Tấn Trường lên đội một Đồng Tháp, rồi chuyển nhượng về CLB Sài Gòn Xuân Thành và B.Bình Dương, bà vẫn giữ thói quen đến các sân cỏ phía Nam xem và động viên con. Bà tâm sự: "Một mình nuôi con vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dạy con đến ngày khôn lớn.
Mẹ là chỗ dựa của con, nên tôi quyết định đi cổ vũ cho Trường từ những ngày đầu theo bóng đá đến giờ. Trận nào tôi cũng đi, chỉ có sân ở các tỉnh miền Trung hay phía Bắc thì tôi không đi được vì sức khỏe không cho phép".
Tấn Trường đã cùng CLB Sài Gòn Xuân Thành rồi B.Bình Dương giành nhiều danh hiệu quốc gia trong bao năm qua. Là mẹ, bà Miên rất vui vì điều đó. Nhất là khi cùng con mừng danh hiệu vô địch. Nhưng những tháng ngày đi cổ vũ bóng đá của người mẹ này không phải lúc nào cũng toàn niềm vui. Nó có cả nỗi buồn nghẹn đắng khi Tấn Trường sau những trận bắt thật hay thì cũng có những trận... tệ chưa từng thấy. Tệ đến nỗi khán giả la toáng lên là "bán độ".
Bà Miên và con trai của Tấn Trường trên khán đài sân Gò Đậu xem Tấn Trường thi đấu - Ảnh: N.K.
Vẫn luôn tin tưởng con trai
Bà cho biết Tấn Trường buồn lắm sau trận hòa Hà Nội 2-2. Thấy con buồn, bà Miên an ủi con: "Khán giả đối xử với con như thế nào thì cũng phải mạnh mẽ lên. Con cố gắng tập trung hơn nữa. Ai cũng mắc sai lầm, con phải nghe mẹ cố gắng lên để đừng mắc sai lầm nữa".
Tấn Trường trong mắt của nhiều người có thể bị xem là bán độ sau những sai lầm. Còn với bà Miên, bà vẫn tin vào đứa con trai của mình. Bà nói: "Sau trận thua Ceres Negros, khán giả hô hào "Tấn Trường bán độ". Nhưng tôi tin không bao giờ có.
Tôi nói với nó: Con à, bên ngoài người ta nói con bán độ. Nhưng mẹ tin ở con. Mình không làm điều gì tiêu cực thì không có gì phải buồn. Con còn nhớ sự cố khi còn khoác áo CLB Sài Gòn Xuân Thành không, con cũng mắc sai lầm và bị khán giả hô hào bán độ. Khi đó, con cũng quá buồn, quá khổ sở, con nói con muốn bỏ cuộc. Con đã nỗ lực đứng dậy sau những sai lầm thì hãy tiếp tục cố gắng để trở lại".
Chứng kiến chấn thương suýt chết của hậu vệ Thiện Đức (B.Bình Dương) trong trận đấu với Hà Nội ở vòng 8 V-League 2019, bà Miên càng thêm lo lắng cho nghề cầu thủ nói chung và cho con trai mình nói riêng. "Khán giả nhiều khi đâu có hiểu hết được sự tập luyện vất vả của cầu thủ và họ thi đấu trên sân mệt mỏi hoặc rủi ro như thế nào" - bà trăn trở.
Bà Miên lên TP.HCM sống cả chục năm nay. Không ở nhà con trai lớn, bà chỉ ở với đứa cháu đang học tại TP.HCM để giúp đỡ thêm cho cháu, như từng là chỗ dựa cho con khi còn nhỏ. Cơn bệnh nặng không lâu trước đây buộc bà phải bỏ ăn chay trường để có sức khỏe như mong muốn của Tấn Trường.
Bà kể: "Trường có hiếu lắm. Khi tôi bệnh, nó bảo mẹ ơi, mẹ không thương con thì cũng phải thương cháu. Mẹ phải ăn mặn trở lại để có sức khỏe. Tôi nghe vậy thì thay đổi, chỉ ăn chay 10 ngày trong tháng. Thấy tôi không khỏe, Trường khuyên tôi bớt đi làm từ thiện, để nó làm thay. Và nó đã làm thay tôi ba năm nay".
Chuyến đi lạc "nhớ đời" ở Lào
Trước trận chung kết SEA Games 2009 tại Lào, bà Phan Thị Kim Miên cùng với anh trai Trường và Liên - bạn gái và giờ là vợ của Trường - sang Lào để cổ vũ. Ở khách sạn, 4h30 sáng bà Miên dậy đi tập thể dục rồi đi lạc luôn đến gần 10h mà vẫn không tìm được đường về khách sạn. Không biết tiếng Lào, không đem tiền gì theo, cũng không nhớ tên khách sạn đang ở, nên bà cứ đi bộ với hi vọng tìm được người Việt nào để nhờ dẫn về lại nơi ở.
May mà bà cũng gặp được một nhóm người Việt. Bà nhớ lại: "Hỏi chuyện mới biết nhóm CĐV này sang Lào cổ vũ, còn tôi là mẹ của Tấn Trường. Thế là họ dẫn tôi đến khách sạn đội tuyển VN ở để gặp Tấn Trường. Gặp nhau mà mẹ con nghẹn ngào vì mọi người cũng đang đi tìm tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận