18/08/2017 12:26 GMT+7

Chuyện tình Nguyễn Ánh lên sân khấu

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tối 18-8, đoàn 3 nhà hát Trần Hữu Trang sẽ ra mắt vở cải lương Chân mệnh (tác giả: Lâm Thị Huyền Trân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt). Vở khai thác mối tình của Gia Long Nguyễn Ánh và công chúa Ngọc Bình.

Minh Trường (vai Nguyễn Ánh), Quế Trân (vai công chúa Ngọc Bình) trong vở Chân mệnh - Ảnh: LINH ĐOAN
Minh Trường (vai Nguyễn Ánh), Quế Trân (vai công chúa Ngọc Bình) trong vở Chân mệnh - Ảnh: LINH ĐOAN

Đây là vở diễn tốt nghiệp khóa đạo diễn K2 Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM của đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Bình. Với bài tốt nghiệp này, Bình đạt điểm thủ khoa và gây ấn tượng với nhiều người trong giới.

Chúng tôi đưa Chân mệnh về nhà hát vì nhận thấy đây là vở diễn tốt, đầu tư chỉn chu. Điều quan trọng hơn là chúng tôi khuyến khích các đạo diễn trẻ có tấm lòng với cải lương

Đạo diễn QUỐC KIỆT (trưởng đoàn 3 nhà hát cải lương Trần Hữu Trang)

Một chuyện tình còn nhiều tranh cãi

Chân mệnh chọn thời điểm lịch sử VN khá rối ren vào thế kỷ 18. Ngọc Bình là con vua Lê Hiển Tông - em gái cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân.

Trong khi Ngọc Hân kết duyên cùng vua Quang Trung Nguyễn Huệ thì Ngọc Bình được chọn làm vợ Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, con trai Nguyễn Huệ và hoàng hậu Bùi Thị Nhạn), làm chánh cung hoàng hậu nhà Tây Sơn khi vừa 12 tuổi.

Nhà Tây Sơn suy yếu, Cảnh Thịnh bị Nguyễn Ánh đánh đuổi và tiêu diệt. Nguyễn Ánh gặp Ngọc Bình và xao động bởi nhan sắc và sự đoan chính, dịu dàng của nàng...

Nếu chuyện tình giữa Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa đã được khai thác và trở nên quen thuộc trong nhiều vở cải lương, kịch nói và điện ảnh thì mối tình ngang trái của Ngọc Bình có vẻ lặng lẽ hơn.

Điều đó gây tò mò cho đôi bạn tác giả Huyền Trân và đạo diễn Thanh Bình (giảng viên khoa sân khấu Trường Nghệ thuật văn hóa TP Cần Thơ).

Vì không muốn làm lại những kịch bản cũ, cả hai suy tính mãi và quyết định viết luôn một kịch bản mới, khai thác một chuyện tình còn nhiều tranh cãi với cái nhìn ấm áp, nhân văn.

Sau đó, Trân xúi Bình đến gặp soạn giả Hoàng Song Việt, một trong những soạn giả cải lương đắt sô nhất hiện nay, để nhờ chuyển thể.

Dù không có nhiều hi vọng nhưng Bình vẫn liều đến gặp, thật bất ngờ sau khi đọc kịch bản, Hoàng Song Việt đồng ý chuyển thể và gợi ý: “Vở này chỉ có Quế Trân đóng mới ra tinh thần, cốt cách của công chúa Ngọc Bình!”.

Và đúng vậy. Quế Trân rất nền nã khi vào vai công chúa Ngọc Bình. Nét mặt sang cả, vóc dáng gầy gầy đó cứ làm người xem nhói tim trước cảnh một bà hoàng bị bỏ lại ở thành Phú Xuân.

Trình thức biểu diễn của Trân ngày càng nhuần nhuyễn, sự chuyển biến tinh tế trên từng biểu cảm của gương mặt, ánh mắt làm người xem rưng rưng với nỗi niềm của một hoàng hậu giữa thời loạn lạc.

Minh Trường cũng rất "tình" và ca hay khi vào vai Nguyễn Ánh. Đạo diễn đã dụng công xử lý để Nguyễn Ánh - Ngọc Bình có những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng, để người ta thấy khi tình yêu thăng hoa thì những mưu toán chính trị dường như vô nghĩa...

Ngoài câu chuyện khá mới mẻ, Chân mệnh tạo thiện cảm bởi cảnh trí đẹp, sang trọng.

Đây cũng là bài thi tốt nghiệp Thiết kế sân khấu của sinh viên Lê Thị Nhật Hân.

Trang phục đẹp, thẩm mỹ và phù hợp với từng nhân vật.

Diễn viên đảm nhiệm tuyến chính có nghề như NSƯT Quế Trân (công chúa Ngọc Bình), Chuông vàng vọng cổ Minh Trường (Nguyễn Ánh), Lê Thanh (Nguyễn Huỳnh Đức), Nhã Thi (Mai Thị)...

Minh Trường và Quế Trân trong vở Chân mệnh - Ảnh: LINH ĐOAN

Mạnh dạn khai thác câu chuyện lịch sử

Đạo diễn trẻ Thanh Bình xúc động nói: “Lần đầu dàn dựng một vở cải lương trọn vẹn, tôi thấy mình may mắn vì nhận được rất nhiều.

Tác giả, soạn giả và một số anh em tình nguyện không nhận catsê để giảm phần nào kinh phí cho vở. Nhiều anh chị quan tâm góp ý chỉnh sửa để vở diễn hoàn thiện hơn”.

Tỏ vẻ thích thú với vở diễn, nhưng NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc vẫn còn tiếc nuối: “Đây là vở diễn có đầu tư, nghiêm túc và theo tôi khá hấp dẫn.

Tuy nhiên, do các bạn còn trẻ và mới mẻ nên còn những hạn chế. Nếu kịch bản sâu sắc hơn, khai thác gai góc hơn, có lẽ vở diễn ấn tượng hơn.

Tôi khuyến khích các bạn mạnh dạn viết, khai thác lịch sử, nhưng để viết hay và thuyết phục rất cần kiến thức sâu rộng, vững chãi để có cách lý giải, cách nhìn nhận mới thật xác đáng”.

Một điều đáng tiếc nữa là có lẽ để chiều theo thị hiếu, vở có một lớp diễn người dân trên đường lánh nạn trong cảnh đất nước loạn lạc.

Vào vai người dân phần nhiều là các diễn viên trẻ từ các game show, sân khấu kịch. Sự tung hứng của các bạn có thể tạo tiếng cười nhưng màu sắc bị “chỏi”, lạc tông với nét tinh tế của vở diễn.

Tiếng cười không duyên dáng và không phải màu sắc hài của cải lương.

Một điểm trừ của Chân mệnh và có lẽ cũng là kinh nghiệm để đạo diễn nghiên cứu, kiểm soát tốt hơn tổng thể vở diễn cho những tác phẩm tiếp theo.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên