30/07/2011 07:33 GMT+7

Chuyện tình của một nhà tình báo

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - Ấy là mối tình của nhà tình báo Trịnh Hoài Châu và bác sĩ Đỗ Thị Nga. Suốt 14 năm xa cách, ông hoạt động tình báo giữa lòng địch, bà vào chiến khu làm y tá trong quân y miền Đông, không một dòng tin về nhau.

02so7vNZ.jpgPhóng to
Bữa cơm tối của gia đình ông Trịnh Hoài Châu và bà Đỗ Thị Nga - Ảnh: T.T.D.

Thế nhưng sợi dây tình cảm luôn vượt qua không gian, thời gian gắn kết hai người để tới ngày hòa bình họ gặp lại nhau và thành chồng thành vợ.

Tình đầu ngày xuống đường

Dáng vóc nhỏ nhắn, đôi mắt tinh anh ngời sáng trên khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười rất tươi, dù mái tóc đã bạc trắng nhưng trông nhà tình báo Năm Nhỏ trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 75 của ông. Ngồi trước ông khó ai có thể hình dung được trong con người ấy lại chứa đựng lòng quả cảm, tính mưu trí và một bản lĩnh lớn lao để hoạt động tình báo giữa lòng địch suốt những năm tháng chống Pháp và cuộc chiến chống Mỹ sau này.

"Khi hẹn ước, chia tay đi làm cách mạng lúc đó chúng tôi mới ở tuổi mười tám đôi mươi. Khi gặp lại, người đã hơn 30 kẻ ở tuổi 40. Sau ngày cưới vợ chồng tôi quý từng giờ từng ngày bên nhau nên chẳng khi nào to tiếng với nhau..."

Vợ chồng ông bàTRỊNH HOÀI CHÂU

Nhà tình báo Năm Nhỏ thủng thẳng kể ngày ấy hòa cùng phong trào đấu tranh của học sinh Sài Gòn, ông cũng xuống đường biểu tình để chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Trong những ngày tháng sục sôi bãi khóa, xuống đường, đấu tranh ấy chàng thanh niên Châu gặp được người “đồng chí” Đỗ Thị Nga. Tình đầu chớm nở trong cùng “tổ chức”, ngay trong những ngày xuống đường đấu tranh giữa hai người.

Trong quyển lưu bút tuổi học trò Trịnh Hoài Châu ý nhị viết hai câu thơ ở trang cuối: Trên mặt đất mọc trăm nghìn chiếc lá, Ai tìm chi một chiếc rụng trong yên rồi đưa quyển lưu bút cho “đồng chí” Đỗ Thị Nga. “Khi nhận lại cuốn lưu bút, tôi tràn ngập cảm xúc. Một đêm mất ngủ vẩn vơ suy nghĩ, trước mắt tôi là hai câu thơ mới của Nga Ta một bóng nhòa bên muôn vạn bóng, Mất không vang như lá chết im lìm viết ngay dưới hai câu thơ cũ của tôi tạo thành một bài thơ gợi bao điều suy nghĩ. Và cũng chính bài thơ này là kim chỉ nam trong suốt quá trình hoạt động tình báo của tôi”, nhà tình báo Năm Nhỏ cười, nhớ lại.

Sau “điệp vụ” lưu bút ấy cả một khoảng thời gian dài hai người không gặp lại vì vụ “bể bạc tổ chức” học sinh đấu tranh Trường Gia Long. Dường như không chịu nổi nỗi nhớ nhung, Trịnh Hoài Châu tìm đến trường mới của Nga học để gặp và thăm dò tình cảm thật của bạn. Ông Châu bộc bạch: “Chúng tôi có tình cảm với nhau. Và lúc đó tôi đã trình bày ý định thoát ly của mình với người yêu”.

Thế nhưng do tổ chức sắp xếp, Trịnh Hoài Châu không thoát ly vào chiến khu mà chuẩn bị cho quá trình hoạt động tình báo trong bóng tối ngay trong lòng Sài Gòn sau này. Ấy cũng là lúc Trịnh Hoài Châu không còn được gặp lại người yêu Đỗ Thị Nga bởi hoạt động tình báo đơn tuyến giữa Sài Gòn của ông cần giữ bí mật tuyệt đối. Lúc này cô học sinh Đỗ Thị Nga ngày nào cũng trở thành một chiến sĩ cách mạng trong chiến khu tại miền Đông Nam bộ hoạt động trong ngành quân y.

Tình cuối ngày thống nhất

Khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền thủ tướng, qua giới thiệu của nhiều tổ chức thân tín, nhà tình báo Năm Nhỏ thâm nhập sâu vào hàng ngũ của địch. Đây cũng là thời kỳ nhà tình báo Năm Nhỏ thật sự bước vào cuộc chiến tình báo - thu thập tin tức đưa ra chiến khu. Ông cũng tham gia và tiếp cận thông tin trực tiếp từ chiến dịch “Bình Định” - chiến dịch dồn dân vào các ấp chiến lược để tách nguồn viện trợ, bao bọc của nhân dân đối với các chiến sĩ cách mạng. Nhiều thông tin của chiến dịch “Bình Định” của địch đã được chiến sĩ tình báo Năm Nhỏ chuyển về căn cứ.

Vợ chồng nhà tình báo Trịnh Hoài Châu cùng với một số khách mời khác đã tham gia chương trình giao lưu “Những mối tình không thể chia ly” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức hôm 29-7.

Trong lòng địch, để che đậy tai mắt, ông Châu đôi khi phải trân mình cùng những cuộc ăn chơi của những người lính phía bên kia. Thế nhưng không đánh mất mình bởi hình bóng của người yêu Đỗ Thị Nga luôn trong lòng ông. “Tôi chết sững, mấy tháng mất ăn mất ngủ khi nghe tin người yêu Đỗ Thị Nga đã chết trong một trận càn của địch năm 1973. Tôi lục lại mọi nguồn thông tin tình báo của CIA, thông tin từ các “quan thầy”, giới chức Mỹ và trong lòng nhen nhóm một niềm tin người yêu chưa thể chết. Và niềm tin ấy ngày càng lớn lên trong lòng tôi”, ông Châu nhớ lại thời điểm nghe tin bà Nga đã chết.

Tương tự, nghe tin người yêu Trịnh Hoài Châu bị địch phát hiện, bắt và giam vào nhà lao Chí Hòa năm 1968, sau đó bị đưa ra pháp trường cát xử tử, bà Nga như muốn ngã gục. “Thế nhưng ngay sau đó linh tính mách bảo cho tôi rằng anh ấy vẫn còn sống”, bác sĩ Nga nhớ lại.

Trong những ngày bị giam ở nhà lao Chí Hòa chờ ngày ra pháp trường ông nhớ nhất điều gì? - chúng tôi hỏi, nhà tình báo Trịnh Hoài Châu trầm tư: “Tôi nhớ mẹ, nhớ các đồng chí, nhớ người yêu, nhớ những lời dạy của thủ trưởng, những anh em cùng trong tổ chức. Và tôi nhớ những trận đòn tra tấn. Từ năm 1968-1971 tôi trải qua không biết bao nhiêu đòn tra tấn. Quyết không khai báo, tôi cắn răng chịu đòn đến nỗi khi ra khỏi tù răng tôi đã mòn hết hoặc gãy ngang chân”...

Sau khi ra khỏi trại cải tạo, do bị bại lộ, ông Châu được tổ chức đưa vào khu R (Trung ương Cục miền Nam). Lúc này bà Đỗ Thị Nga cũng đang làm y tá quân y tại đây. “Thế nhưng mãi đến đầu tháng 4-1975 chúng tôi mới gặp lại nhau”, bác sĩ Nga nhớ lại. Ông Trịnh Hoài Châu tủm tỉm cười kể lại bữa đó thông qua một người dì của bà Nga ông mới biết người yêu mình còn sống. “Lúc ấy tôi mừng như muốn lặng đi rồi hồi tỉnh, đến thủ trưởng đơn vị xin xe đi thăm bả luôn. Gặp nhau, bả ôm choàng lấy tôi. Tôi biết là bả còn thương mình”.

Chờ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cuộc sống ổn định, sắp xếp công việc ổn thỏa, tháng giêng năm 1976, nhà tình báo Trịnh Hoài Châu và y tá quân y Đỗ Thị Nga chính thức làm lễ cưới tại số nhà 112 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM ngày nay. Ông Châu hiện nghỉ hưu tại ngôi nhà trên đường Bạch Vân (P.5, Q.5) còn bác sĩ Đỗ Thị Nga hiện là phó chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Hạnh phúc của ông bà bây giờ còn là sự trưởng thành của hai cô con gái yêu.

ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên