07/02/2006 00:04 GMT+7

Chuyện tình của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH
NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH

TT - Có một bộ trưởng đã vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của ngành ngoại giao, lặng lẽ xếp những viên gạch đầu tiên để góp phần xây dựng một Việt Nam thoát khỏi sự cô lập và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.Ngoài ý nguyện và nghị lực của bản thân, ông còn được tiếp sức bởi một tình yêu tuyệt đẹp của người bạn đời. Trước khi đi xa, ông đã tâm sự: "Tất cả những thành công của anh đều có sự đóng góp của em, đều có tình yêu của em trong đó".

qZ6A021m.jpgPhóng to
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và vợ, bà Phan Thị Phúc

Những lá thư từ chiến trườngChuyện tình yêu của đại tướng Nguyễn Chí ThanhĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (kỳ 2)Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang (kỳ 1) Chuyện tình các chính khách Việt Nam

Một biệt thự hai tầng nhỏ nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Một phố cũ đẹp yên tĩnh ở Hà Nội. Chị Phúc, vợ cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, đưa tôi vào phòng khách của hai nhà ngoại giao.

Trước khi đến thăm chị, tôi hình dung một phòng khách sang trọng với những đồ đạc, nội thất cầu kỳ đắt tiền. Tôi bất ngờ khi được vào một phòng khách giản dị ấm cúng nhưng rất đẹp.

Trang trí nổi bật nhất là hai bức tranh sơn dầu vẽ chân dung anh Thạch, chị Phúc của một họa sĩ nghiệp dư. Bức chân dung thật sống động vẽ họ vào tuổi 50, cái tuổi đang chín của các nhà hoạt động chính trị.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhìn tôi cười mỉm với cái nheo mắt hóm hỉnh rất đặc trưng. Chị Phúc đẹp đằm thắm, phúc hậu. Sắc đẹp dịu dàng, điển hình của phụ nữ Á Đông cùng với vẻ thông minh sắc sảo của nhà ngoại giao làm bức chân dung hấp dẫn lạ thường.

Quen nhau từ lúc còn rất trẻ, tôi và chị Phúc cùng ở đội thanh niên Hoàng Diệu thời kỳ đầu khởi nghĩa. Nhưng rồi do hoàn cảnh, mỗi người một lĩnh vực công tác, rất bận nên cũng ít gặp nhau.

- Tình hình sức khỏe Nguyệt Tú dạo này thế nào? Mình có đọc một số bài báo Tú mới viết. - Phúc thấy mấy bài báo ấy thế nào? Mình định viết chuyện tình của Phúc với ann Thạch.

Chị Phúc lúng túng:

- Chuyện vợ chồng chúng mình cũng như các bạn khác thôi.

Nụ cười thật đẹp của người phụ nữ một thời là hoa khôi Hà Nội. Chị mơ màng nhắc lại chuyện ngày xưa:

- Hồi ấy, mình mới 15 tuổi. Tuy mình sinh ra trong một gia đình quan lại giàu có nhưng sớm được giác ngộ cách mạng nhờ ông chú ruột Phan Tử Nghĩa. Mình làm liên lạc cho chú và tham gia các hoạt động của Mặt trận Việt Minh.

Chú Phan Tử Nghĩa là bí thư Đảng Xã hội đầu tiên do Bác Hồ cử. Đảng Xã hội được thành lập để tập hợp trí thức chống Pháp. Lúc bấy giờ anh Trường Chinh, anh Mười Hương thường đến nhà chú mình họp.

Mà này, mình đồng hương Hà Tĩnh với Nguyệt Tú đấy. Bố mình là cháu nội của cụ Phan Đình Phùng. Mẹ mình mất khi bà mới 21 tuổi, sau khi sinh em mình. Lúc ấy mình mới 4 tuổi.

Mình sống với gia đình bên nội ở Thái Hà ấp ở Hà Nội. Mình gặp anh Thạch lần đầu tiên trong cuộc họp ở nhà chú mình. Hồi ấy, anh Thạch làm bí thư cho anh Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ. Mình 18 tuổi, là bí thư phụ nữ cứu quốc Hoàng Diệu khu Hoàn Kiếm.

- Anh Thạch đẹp trai thế, chắc cậu yêu ngay lần gặp đầu tiên.

Chị Phúc tủm tỉm cười:

- Lúc gặp mình, anh ấy vừa ở tù ra trông gầy, xanh chứ không đẹp như sau này đâu. Anh ấy tham gia cách mạng năm 1936, bị Pháp bắt khi mới 17 tuổi. Anh bị kết án 5 năm tù khổ sai ở Sơn La. Anh Thạch tốt nghiệp thành chung ở Nam Định nên nói tiếng Pháp rất giỏi.

Sau khi anh ra tù, tổ chức đưa về làm bí thư cho anh Giáp. Câu chuyện của bọn mình lúc đầu thật buồn cười. Tổ chức định giới thiệu chị Bắc, bạn thân của mình, cho anh Nguyễn Văn Trân (sau này là bí thư Thành ủy Hà Nội).

Chị Bắc nói khi nào Phúc lấy chồng, tôi mới đi lấy chồng. Thế là anh Trân giới thiệu anh Thạch cho mình. Lúc đầu gặp mình không ưng lắm vì anh ấy người Nam Định. Mình có ấn tượng với con trai tỉnh lẻ.

Sau nhiều lần gặp gỡ, mình thấy nói chuyện với anh ấy rất hợp. Anh ấy có một trí thông minh đặc biệt. Thấy anh ấy bàn với chú mình làm thế nào để tập hợp giới trí thức dưới ngọn cờ cách mạng, mình phục lắm.

Anh Thạch lại rất am hiểu về văn thơ, hội họa Pháp. Càng ngày mình càng thấy mến anh ấy. Rồi mình yêu anh ấy lúc nào không biết. Cho nên mình nhận lời khi anh ấy đặt vấn đề. Nhưng bố mình không đồng ý.

Bọn mình phải nhờ đến anh Trần Duy Hưng, thị trưởng Hà Nội, và anh Khuất Duy Tiến ở Ủy ban Hành chính nói giúp nhưng cũng không được. Lúc ấy, bố mình là trưởng ban trật tự của Ủy ban Hành chính Hà Nội.

- Gay go nhỉ, thế bao giờ các cụ đồng ý?

Chị Phúc cười cười, thong thả rót nước cho tôi:

- Lúc bấy giờ cũng có nhiều người đến đặt vấn đề với mình. Nhưng mình nghĩ rằng chỉ lấy chồng cách mạng thì mới tiếp tục hoạt động cách mạng được. Nếu lấy ông bác sĩ, ông kỹ sư nào thì cũng chỉ trở thành bà nội trợ chăm sóc con cái thôi.

Nên mình không nhận lời ai. Bố mình lại quan niệm con gái nhà khá giả, có của hồi môn phải gả cho người môn đăng hộ đối. Anh Võ Nguyên Giáp thuyết phục bố mình cũng không được.

Cuối cùng, cũng có thể nói là nhờ thằng Tây. Đầu năm 1947, gia đình mình sơ tán về thị xã Sơn Tây. Pháp chiếm Hà Nội và đánh ra các vùng lân cận. Nhiều gia đình có con gái lớn lo sợ.

Mọi người khuyên cha mình: con gái lớn như vậy nên gả chồng cho nó đi, không nhỡ xảy ra chuyện gì lại ân hận. Thế là bố mình đành phải đồng ý cho bọn mình tổ chức lễ cưới. Hồi ấy, cán bộ tìm hiểu nhau rất đơn giản, lễ cưới chỉ cần tổ chức một bữa liên hoan và tổ chức tuyên bố.

Nhưng gia đình mình lại muốn tổ chức lễ cưới theo truyền thống có ăn hỏi trầu cau. Gia đình anh Thạch ở Nam Định nên anh ấy phải nhờ Bác Tôn Đức Thắng làm đại diện nhà trai và ký giấy đăng ký kết hôn thay mặt nhà trai.

Lễ cưới của bọn mình được tổ chức năm 1947 rất vui ở Ủy ban Kháng chiến hành chính Sơn Tây. Có cả chị Bích Hà, vợ anh Võ Nguyên Giáp và anh Khuất Duy Tiến dự. Mọi người ăn kẹo, uống nước, hát những bài ca cách mạng.

Cưới buổi sáng thì buổi chiều chú rể và họ nhà trai lên đường làm nhiệm vụ ngay. Bố mình lắc đầu: không hiểu đám cưới kiểu gì mà nhanh thế.

Vợ chồng chưa ở với nhau ngày nào đã chia tay. Mười ngày sau anh Thạch mới về đón mình lên Việt Bắc. Tuần trăng mật của chúng mình là ban ngày tránh máy bay, ban đêm luồn rừng, lội suối.

- Trong thời gian yêu nhau, Phúc cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?

- Hạnh phúc nhất là hồi mới lấy nhau. Bọn mình có một kỷ niệm khó quên ở thị xã Sơn Tây. Hồi ấy mình làm bí thư phụ nữ thị xã Sơn Tây. Một buổi tối, anh bạn Quốc Hùng đưa anh Thạch lên gặp mình bằng xe máy.

Chẳng may xe ngã xuống hố tăng xê được đào trong các làng chiến đấu. Trời tối, xăng đổ ra ướt quần, Quốc Hùng tưởng gãy chân chảy máu nên lên xe đi về. Chiếu đèn mới biết là xăng chứ không phải máu.

Anh Thạch phải mượn xe đạp đi tiếp. Nhưng đến thị xã, mình lại đi xuống cơ sở, không gặp. Anh Thạch buồn rầu đi về, vừa đi xe vừa chiếu đèn pin. Mình từ cơ sở quay về thị xã cũng bằng xe đạp nhưng soi đường bằng nén hương.

Mình bị đèn pin của anh ấy soi vào mặt, tức lắm nghĩ: “Ai dở hơi mà chiếu đèn thẳng vào mặt người ta”. Chợt nghe tiếng gọi: “Phúc đấy à?”. Hai đứa gặp nhau mừng quá. Anh ấy ôm chầm lấy mình và hôn. Mình đỏ mặt giằng ra ngay, sợ ai đi qua đường nhìn thấy mặc dù trời tối.

oOo

Năm 1947, chị Phúc vào quân đội. Cơ quan anh chị cách nhau mấy chục cây số. Khi có mang chị về Vĩnh Yên sinh con. Anh Thạch làm chánh văn phòng Quân ủy trung ương thuộc Bộ Tổng tham mưu, đóng ở Tuyên Quang.

Suốt thời gian chiến tranh chống Pháp, anh chị sống xa nhau. Mỗi tối, nghe xa xa tiếng vó ngựa chị lại hi vọng anh về, nhưng nhiều khi lại là tiếng vó ngựa của chồng các cô bạn cùng sống. Khi có mang con gái đầu Lan Phương, chị Phúc thèm chua và thèm cơm nguội.

Cuộc sống của cán bộ trong kháng chiến rất kham khổ. Anh Thạch về thăm chị, qua chợ Chu chỉ đủ tiền mua một cái bánh giầy giò cho vợ. Họ gặp nhau một đêm rồi lại chia tay. Khi chị sinh con đầu lòng, Bác Hồ gửi cho một quả cam và chai mật ong.

Anh Thạch đi ngựa từ Tuyên Quang về Vĩnh Yên, Lập Thạch chỉ để mang chai mật ong và quả cam về cho vợ con. Cam vắt nước cho con, mẹ chỉ ăn bã.

Năm 1950, chị Phúc được cử đi học dược sĩ trung cấp. Chị mang con gái về gửi bà nội. Chị địu Lan Phương đi bộ hàng tháng trời từ Việt Bắc về Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp, hai vợ chồng chị Phúc ít khi được gần nhau.

Chỉ khi hòa bình lập lại, chị Phúc sang Ấn Độ với tư cách là phu nhân của tổng lãnh sự VN, anh chị mới có được thời gian dài sống bên nhau.

Và cái lần đầu tiên ra nước ngoài ấy là một câu chuyện thú vị, khi ông tổng lãnh sự VN chưa biết cầm dao nĩa như thế nào cho đúng lễ nghi...

Một chặng đường khó nhọc để trở thành nhà ngoại giao lịch lãm...

------------------

Kỳ sau: Theo bước chân nhà ngoại giao

NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên