13/05/2017 12:10 GMT+7

Chuyện phía sau những nữ trọng tài

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG, (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG, (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)

TT - Nếu các trọng tài bóng đá nam ngày càng phải nhận sức ép nặng nề ở V-League thì với những trọng tài nữ, sức ép công việc càng lớn hơn bởi hạn chế về thể lực cũng như thái độ cư xử nóng nảy của các cầu thủ nam...

Các trọng tài bóng đá nữ đang được trọng tài FIFA Võ Minh Trí trao đổi về chuyên môn trong buổi sinh hoạt định kỳ vào chiều thứ 5 hàng tuần, do ban trong tài LĐBĐ TP.HCM tổ chức. Ảnh: S.H

Là nữ chơi bóng đá đã hiếm, theo nghiệp cầm còi, cầm cờ lại càng hiếm hơn vì sự khắc nghiệt của công việc trọng tài.

Vất vả “rượt” theo các cầu thủ nam

Thể thao luôn công bằng nhờ tính phân chia nội dung, hạng cân... qua việc các VĐV đồng cân đồng hạng chạm trán nhau, hay cầu thủ nữ đấu với cầu thủ nữ... Tuy nhiên, cũng có lúc những nữ trọng tài bóng đá phải vất vả “rượt” theo các cầu thủ nam mạnh mẽ hơn họ rất nhiều. Đó là nỗi khổ ít ai biết với các nữ trọng tài bóng đá.

Đặng Thị Siêm (28 tuổi), nữ trợ lý trọng tài có kinh nghiệm 6 năm hành nghề, cho biết ngoài các trận đấu ở Giải vô địch quốc gia nữ, cô còn “chạy sô” ở các sân chơi phong trào, đá phủi... Tại đây, Siêm thường xuyên được phân công làm việc ở các trận cầu của nam, từ sân cỏ nhân tạo 5 người đến sân cỏ 11 người...

“Từ nhỏ đến giờ tôi vẫn thường chơi bóng đá cùng bạn bè trong xóm, trong trường. Nhưng để có thể theo kịp tốc độ của các cầu thủ nam, dù chỉ là sân chơi nghiệp dư, là chuyện rất khó khăn. Chúng tôi phải tập chạy hằng ngày mới đáp ứng được nhu cầu thể lực cho công việc” - Siêm kể.

Bỏ nghề vì áp lực công việc

Khổ sở nhất là khi các cô gái vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề. Cao Thị Mỹ Hằng (23 tuổi), trợ lý trọng tài trẻ vừa hành nghề được một thời gian ngắn, cho biết trong lần đầu tiên cầm còi tại một sân chơi phong trào, cô từng nghĩ mình sẽ bị đánh.

“Mỗi lần tôi ra quyết định, họ lại lao vào tranh cãi dữ dội, trong đó có cả những lời nói hết sức khó nghe từ các cầu thủ. Có lúc tôi tưởng mình đã bị hành hung, có điều chuyện đó đã không xảy ra. Dần dà, nỗi sợ mỗi khi ra sân sau này của tôi cũng nhạt dần. Mình là người ra quyết định, nắm chắc luật thì không có gì phải sợ. Vả lại, các cầu thủ nam tuy nóng nảy vậy nhưng chưa bao giờ mất chất “galăng” tới mức đánh phụ nữ”.

Chị Huỳnh Thị Phụng Tiên, cựu trợ lý trọng tài FIFA và hiện đang là ủy viên ban trọng tài LĐBĐ TP.HCM, cho biết những năm gần đây ngày càng có nhiều nữ trọng tài phải bỏ nghề vì áp lực công việc.

“Phần lớn các trọng tài nữ là giảng viên thể dục. Mỗi lần tập trung để điều khiển các giải lớn, họ đều phải xin nghỉ làm. Nhiều lúc lương bị trừ và thù lao nhờ người khác đứng lớp giúp mình so với số tiền nhận được khi đi làm nhiệm vụ tại giải chẳng chênh lệch bao nhiêu. Thêm vào đó, do không phải lúc nào cũng xin nghỉ được nên nhiều người đã phải bỏ nghề. Dù vậy, một số vẫn kiên định gắn bó với công việc” - chị Tiên cho biết.

Ngay việc phân công cho các nữ trọng tài cũng là một chuyện đau đầu. Ông Hoàng Ngọc Tuấn, trưởng ban trọng tài LĐBĐ TP.HCM, cho biết mỗi khi sắp lịch cho các giải phong trào, ban đều phải xem xét các giải đấu nào đảm bảo cao về tính an ninh trật tự lẫn văn hóa mới phân công các nữ trọng tài đến làm việc.

Làm kế toán nuôi dưỡng giấc mơ cầm còi

Trong số 5 trọng tài nữ đang sinh hoạt thường xuyên với LĐBĐ TP.HCM, Lê Thị Ly (24 tuổi) là gương mặt đặc biệt nhất. Cô gái có vóc người nhanh nhẹn, khỏe khoắn này tốt nghiệp một ngành học chẳng liên quan gì đến bóng đá: ngành kế toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Ly chia sẻ: “Lúc thi ĐH, tôi đậu á khoa khoa bóng đá Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM bên cạnh thi khối A vào ĐH Công nghiệp. Do ba mẹ tôi kiên quyết không cho học thể thao nên tôi đành học ngành kế toán theo ý định ba mẹ. Nhưng ra trường rồi, tôi được quyền quyết định công việc của mình”.

Thế là cô sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kế toán từ chối những công việc ổn định, chắc chắn do người quen giới thiệu tại nhiều công ty để theo học khóa đào tạo trọng tài. Có sẵn năng khiếu (từng đoạt giải cuộc thi tâng bóng nghệ thuật của Giải thể thao sinh viên - VUG) lẫn nền tảng thể lực, tốc độ tốt, Ly nhanh chóng nhận được tín nhiệm và được phân công cầm còi chính. Hiện cô là một trọng tài trẻ có triển vọng của quốc gia.

Vừa chập chững bước vào nghề, thù lao từ công việc trọng tài chưa đủ để cô gái quê Lâm Đồng này ổn định cuộc sống tại TP.HCM. Hằng ngày, Ly phải nhận thêm công việc kế toán để có thêm thu nhập. Những lúc không tập trung cho giải vô địch quốc gia, Ly đều dành ít nhất một buổi sáng cho công việc kế toán của mình trước khi xỏ giày ra sân tập buổi chiều. Không chỉ vậy, Ly còn làm thêm công việc kinh doanh trên mạng.

Trả lời câu hỏi: Ly có thấy mệt mỏi với cuộc sống bộn bề công việc vậy không? Nữ trọng tài 24 tuổi này cười và nói: “Tôi quan niệm công việc trọng tài cũng giống như được xem trận bóng miễn phí, cũng vừa là rèn luyện sức khỏe nên tuy mệt vẫn cảm thấy rất thoải mái. Về chuyện làm nhiều việc, chỉ cần mình biết tổ chức, sắp xếp thời gian một chút là sẽ thuận lợi. Hiện tôi đang đầu tư tối đa cho tương lai trong nghề trọng tài của mình với ước mơ trở thành trọng tài đẳng cấp FIFA. Để theo nghiệp này, tôi đã phải bỏ việc làm, trái ý ba mẹ nên tôi sẽ theo đuổi đến cùng”.

Lên lớp có “uy” hơn nhờ nghề trọng tài

Trong các trợ lý trọng tài nữ của TP.HCM hiện tại, Hằng Nga hiện là người duy nhất được FIFA công nhận vào đầu năm 2017 (hiện cô đang tham gia điều hành Giải vô địch bóng đá nữ U-15 Đông Nam Á tại Lào). Nữ trợ lý trọng tài 29 tuổi này có công việc chính là giáo viên thể dục ở Trường THCS Long Hậu (Cần Giuộc, Long An).

Thừa nhận mình vốn không phải là người hâm mộ bóng đá, Hằng Nga cho biết: “Khi học ĐH, vì trong trường có mở lớp hướng dẫn nghiệp vụ trọng tài nên tôi đăng ký học để sau này có thêm việc làm, chứ lúc đó tôi chẳng mấy khi xem đầy đủ một trận bóng. Không ngờ càng học, càng tập luyện, tôi càng mê bóng đá hơn và có duyên với nghề này. Tuy có lúc gặp khó trong việc sắp xếp công việc dạy học và trọng tài, nhưng ngẫm lại nghề trọng tài cũng giúp tôi trưởng thành hơn không ít trong tư cách một giáo viên. Mỗi khi lên lớp, nó giúp tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều”.

Đặng Thị Siêm, Lê Thị Ly, Cao Thị Mỹ Hằng, Nguyễn Thị Hằng Nga, Bùi Thị Hương Thảo, những nữ trọng tài này có lẽ đều quen mặt với những ai hay tham gia các giải bóng đá phong trào. Hằng tuần, họ “chạy sô” liên tục hết từ giải sân mini lại đến đấu trường cấp quốc gia.

Thù lao đôi lúc chỉ là vài chục ngàn đồng cho một trận đấu, nhưng tất cả đều ra sức cày ải, “lấy ngắn nuôi dài” cho một giấc mơ xa hơn: trở thành trọng tài hay trợ lý trọng tài đẳng cấp FIFA để được làm việc trong những sân chơi mang tầm quốc tế.

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG, (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên