06/04/2011 12:23 GMT+7

Chuyên nghiệp kiểu… V-League

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Sau 1-4 chặng đường đua đầu tiên, Giải bóng đá hạng nhất quốc gia lẫn V-League càng làm nặng lòng khán giả khi có quá nhiều hình ảnh phản cảm diễn ra trên sân cỏ.

TTO - Sau 1-4 chặng đường đua đầu tiên, Giải bóng đá hạng nhất quốc gia lẫn V-League càng làm nặng lòng khán giả khi có quá nhiều hình ảnh phản cảm diễn ra trên sân cỏ.

Những câu chuyện kém vui ấy được TTO ghi nhận...

1. Ba tháng sau ngày V-League khai mạc, ban tổ chức giải đã bị thường trực VFF phê bình nghiêm khắc vì không nhắc nhở hai sân Hà Nội và Nha Trang làm đường dẫn từ khán đài ra sân để bảo vệ cầu thủ cùng trọng tài tránh bị ném vật cứng.

Từ đầu giải tới vòng 9 V-League, ban tổ chức đã ban hành rất nhiều thông báo trên trang web của VFF. Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy thông báo nào nhắc nhở đến việc hai sân bóng nói trên làm đường dẫn! Sau lúc bị thường trực VFF phê bình, ban tổ chức giải hối thúc dữ dội thì sân Nha Trang đã hoàn tất việc làm đường dẫn vào tuần rồi.

Lý giải về việc này, một thành viên ban tổ chức sân cho hay sân Nha Trang do Sở VHTT& DL quản lý, đội Khánh Hòa là đơn vị thuê sân thi đấu, do vậy việc làm đường dẫn nói trên bị trục trặc bởi thủ tục hành chính như đề xuất, làm dự trù kinh phí chậm chạp. Đến lúc dự trù kinh phí được phê duyệt thì xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng tăng giá ào ào. Thế là bản dự trù kinh phí phải làm lại nên đường dẫn ở sân Nha Trang bị chậm trễ ngoài ý muốn.

Sân Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh nói trên, đó cũng là sân nhà của đội Hòa Phát - T&T và Hà Nội ACB. Và là sân duy nhất tới nay chưa hoàn tất việc làm đường dẫn nhưng cũng chẳng thấy ban tổ chức giải có ý kiến!

2. Ngay từ đầu mùa bóng, ban tổ chức buộc tất cả các đội hạng nhất lẫn V-League phải vào phòng riêng để nghỉ giải lao. Ở vòng đấu thứ 8 giải hạng nhất, không hẹn mà gặp hai đội Sài Gòn Xuân Thành và Tây Ninh cùng ngồi ngoài sân để giải lao và nhận chỉ đạo.

Trong phiên họp kỹ thuật trước trận Khánh Hòa - Hoàng Anh Gia Lai trên sân Nha Trang (vòng 9 V-League), giám sát trận đấu đã nhắc nhở cả hai đội phải vào phòng riêng giải lao, không được tùy tiện ngồi lại trên sân. Nhắc nhở là vậy nhưng ở trận này, Hoàng Anh Gia Lai bất chấp sự khuyến cáo của giám sát cùng điều phối viên trận đấu, tự tiện ngồi ngoài sân xả hơi! Hành động tùy tiện này đã bị giám sát trận đấu ghi vào biên bản gửi về ban tổ chức giải để có hình thức xử lý thích đáng.

3. Phản ứng trọng tài về quả phạt đền ở trận gặp Khánh Hòa (vòng 8), đội trưởng Lê Đức Tuấn (Hà Nội ACB) bị đình chỉ thi đấu bốn trận. Dùng bóng tấn công trọng tài, có lời lẽ khiếm nhã và đe dọa hành hung trọng tài, tiền vệ Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) bị đình chỉ thi đấu đến hết giải và phạt 30 triệu đồng. Những án phạt nghiêm khắc để lập lại trật tự kỹ cương trên sân cỏ.

Có thể án phạt ấy quá nặng tay và CLB cũng như cầu thủ Đặng Ngọc Tùng có quyền khiếu nại đến VFF để xét xử lại. Điều khôi hài nằm ở chỗ lãnh đạo CLB này lại đi “than khóc” kể lể về hoàn cảnh khó khăn của CLB mà không chịu làm văn bản khi thời gian khiếu nại đã hết. Đến lúc được LĐBĐ thành phố nhắc nhở thì lãnh đạo CLB này gãi đầu gãi tai nói rằng không biết cách làm đơn, rồi quay sang nhờ một nhân viên văn phòng thuộc LĐBĐ thành phố thảo đơn khiếu nại giùm mình!

Cũng với hành vi phản ứng trọng tài thái quá và tấn công trọng tài (trận gặp Đà Nẵng ở vòng 7 V-League), trung vệ Phạm Hoàng Đức (Khánh Hòa) bị đình chỉ thi đấu bốn trận và phạt 10 triệu đồng. Hành vi của Phạm Hoàng Đức là rất nghiêm trọng, bị đình chỉ thi đấu bốn trận (nhưng thực chất là chỉ hai trận vì cầu thủ này đã bị thẻ đỏ trực tiếp ở trận gặp Đà Nẵng).

Lẽ ra án phạt phải nặng hơn nhiều, bởi Phạm Hoàng Đức có tới hai lần tấn công trọng tài Võ Minh Trí. Lần đầu là cú xỉa mũi giày vào ống quyển trọng tài Trí (sau lúc bị phạt quả 11m thứ nhì). Lần sau là cú lên gối vào hạ bộ trọng tài Trí, may mà ông Trí nhảy tránh được!

Lạ thay, dù bị cầu thủ này tấn công thô bạo như vậy nhưng trọng tài Võ Minh Trí - nổi tiếng là vua sân cỏ nghiêm khắc và dùng rất nhiều thẻ phạt khi điều khiển - lại không dám viết vào báo cáo gửi về ban tổ chức giải việc mình bị Phạm Hoàng Đức xỉa mũi giày vào ống quyển! Chính sự nhút nhát ấy của trọng tài Trí mà Phạm Hoàng Đức mới có cơ hội giở trò manh động lần sau cũng ở trận đấu này khi bị quả phạt 11m thứ ba vào cuối trận.

4. Ngay sau lúc công nhận vội vàng bàn thắng được ghi từ quả sút xa của tiền vệ Kassim (ĐTLA, vòng 9 V-League với Đà Nẵng), trọng tài Nguyễn Đức Vũ đã biết mình bị hớ khi không tham khảo trợ lý trọng tài Châu Đức Thành. Đến lúc bị Đà Nẵng phản ứng, rồi hội ý cùng trợ lý trọng tài Thành rằng bàn thắng ấy không hợp lệ do trúng chân tiền đạo Thanh Bình rồi mới bay vào lưới, trọng tài Vũ đã hủy bỏ việc công nhận bàn thắng.

Không am tường luật, nhiều người phê phán ông Vũ bẻ còi, làm sai luật. Thật ra luật bóng đá quy định trọng tài có quyền thay đổi quyết định khi chưa diễn ra tình huống tiếp theo - ở đây có thể hiểu là Đà Nẵng chưa thực hiện quả giao bóng. Khi phát hiện mình sai, ông Vũ thay đổi quyết định. Đây là hành động dũng cảm và khi đưa ra việc phủ quyết, ông Vũ thừa biết rằng mình sẽ bị chỉ trích dữ dội từ nhiều phía. Nhưng hành động sửa sai ấy của ông Vũ đã “ghi điểm” với ban tổ chức giải và hội đồng trọng tài.

Sai thì sửa, không ai cấm. Vấn đề là có dũng cảm nhận mình sai và sửa sai hay không mới quan trọng. Việc làm của trọng tài Nguyễn Đức Vũ đáng được biểu dương bao nhiêu thì việc giấu nhẹm mình bị cầu thủ tấn công thô bạo của trọng tài Võ Minh Trí lại đáng buồn biết bao. Lỗ nhỏ đắm thuyền to, việc nhút nhát không dám viết báo cáo bị tấn công của trọng tài Trí vô tình tiếp tay cho sự thô bạo, phạm luật từ phía cầu thủ có thêm đất để sinh sôi nảy nở. Và thế là V-League (kể cả giải hạng nhất) càng có thêm nhiều hình ảnh phản cảm không đáng xem trên sân cỏ…

SĨ HUYÊN

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên